Phúc Thọ (Hà Nội): “Cát tặc” lộng hành, cơ quan chức năng “đá bóng” trách nhiệm!

10/06/2019 10:53

Kinhte&Xahoi Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo ngăn chặn khai thác cát trái phép, tuy nhiên trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn các xã Vân Nam, Vân Hà, Cẩm Đình, Vân Phúc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và xã Trung Kiên, Trung Hà (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra tấp nập, công khai.

Nhiều tàu cuốc ngang nhiên cắm vòi xuống lòng sông Hồng khai thác cát trái phép mà không vấp phải sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng

“Mục sở thị” đại công trường khai thác cát trên sông Hồng

Theo phản ánh của người dân 4 xã Vân Hà, Vân Nam, Cẩm Đình, Vân Phúc (huyện Phúc Thọ), từ nhiều tháng nay, trên sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn xã, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ, công khai mà không hề vấp phải sự kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã có mặt tại xã Vân Hà để “mục sở thị”. Lần theo con đường nhỏ đi ra đê sông Hồng, chúng tôi tá hỏa khi thấy hàng chục con tàu lớn nhỏ đang thi nhau cắm vòi xuống lòng sông Hồng để hút cát hết công suất. Theo quan sát, cách bờ sông Hồng khoảng 80m ra đến lòng sông, khoảng 5 – 10 tàu hút cát mang số hiệu VP, HN và cả những con tàu không số hiệu đang thi nhau hút cát như một đại công trường. Tàu đầy cát sẽ được đưa về bãi tập kết, cứ liên tục như vậy, mỗi ngày có hàng nghìn mét khối cát đang bị “rút ruột” tại sông Hồng.

Tuy nhiên điều đáng nói, mặc dù hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra công khai giữa ban ngày nhưng không hề thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông đường thủy và các cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ kiểm tra, xử lý.

Làm việc với PV, ông Hoàng Thế Tài – Chủ tịch UBND xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ cho biết: Trước đây Công ty Kim Thanh được cấp phép khai thác cát trên địa bàn xã, tuy nhiên đến nay doanh nghiệp này đã hết hạn khai thác. Trước tình hình cát tặc tại địa phương diễn biến phức tạp, xã có báo Công an huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên, không hiểu sao các đồng chí công an huyện cứ chuẩn bị đi đến đâu kiểm tra là các đối tượng khai thác cát đều biết để tìm cách ứng phó.

Ông Doãn Hồng Khương – Phó trưởng công an xã Vân Hà cho biết thêm: “Sáng 25/3, công an xã đã phát hiện 5 – 10 tàu đang hút cát trái phép. Các đối tượng hút cát không chuyên vào lúc nào cả, không ngày giờ, không thời gian, mỗi tàu cát hút chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ là đã được một cát 300 – 400 khối rồi”. 
 
Cơ quan chức năng “đá bóng” trách nhiệm?

Ngày 6/6/2019, PV đã có buổi làm việc với Công an huyện Phúc Thọ để làm rõ vấn đề khai thác cát trái phép tại địa phương. Thượng tá Hoàng Ngọc Cương – Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết: “Về vấn đề này, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo giao cho Phòng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát môi trường chủ trì. Công an quận, huyện mà có tuyến đường sông chảy qua chịu trách nhiệm điều tra cơ bản, phối hợp, phân công lực lượng tham gia bắt giữ, tiếp nhận xử lý”. 

Thượng tá Hoàng Ngọc Cương – Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Khi được hỏi về việc xử lý thông tin hút cát cát trái phép mà báo chí đã phản ánh và trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn huyện Phúc Thọ, Thượng tá Hoàng Ngọc Cương cho rằng: “Giám đốc Công an Thành phố đã giao cho phòng CSGT chủ trì xác minh, công an huyện chỉ phối hợp, nếu muốn biết rõ thông tin thì các đồng chí lên chỗ Đội CSGT số 1. Tuyến này tuần tra Đội CSGT đường thủy số 1 chịu trách nhiệm”.

Được biết, từ ngày 1/5 đến ngày 6/6/2019, Công an huyện Phúc Thọ phối hợp với Phòng PC 08 Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Phòng PC 08 Công an TP Hà Nội bắt giữ 6 vụ khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Phúc Thọ lại không có chiều hướng giảm mà vẫn diễn ra một cách rầm rộ, công khai và ngày một quy mô. 

Trước tình trạng trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao trong vòng hơn một tháng có đến 6 vụ khai thác cát trái phép bị bắt giữ tuy nhiên tình trạng vi phạm lại không có dấu hiệu giảm? Có hay không việc xử lý cho có và đùn đẩy trách nhiệm giữa UBND huyện Phúc Thọ, Công an huyện Phúc Thọ và Phòng CSGT Công an TP Hà Nội mà trực tiếp ở đây là Đội CSGT đường thủy số 1 khiến cho tình trạng vi phạm vẫn công khai, rầm rộ? Phải chăng có tình trạng các cơ quan có thẩm quyền đang cố tình “làm ngơ” và “bảo kê” để việc khai thác cát trái phép diễn ra công khai bất chấp lệnh cấm của Thủ tướng Chính phủ. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch tâm linh thế nào để không phản tác dụng?

Thời gian gần đây, ở Việt Nam, chúng ta mới nghe nói nhiều đến cụm từ “du lịch tâm linh”, nhưng thực ra đó là cụm từ không mới ở nhiều quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa, tôn giáo, từ phương Đông tới phương Tây. Vấn đề quan trọng ở chỗ làm sao để du lịch tâm linh thực sự trở thành nơi con người tìm về với đức tin, nguồn cội để dưỡng thiện tâm hồn mình, thay vì bị động cơ trục lợi “lấy thánh, thần ra kinh doanh” làm biến tướng…