Phương án rút gọn thời gian, nội dung thi tốt nghiệp THPT

05/05/2020 16:12

Kinhte&Xahoi Theo báo cáo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp Chính phủ, năm nay, thí sinh THPT thi 03 bài thi bắt buộc và 01 bài thi tự chọn; rút ngắn thời gian thi trong 02 ngày với 4 buổi thi; đề thi giảm bớt áp lực cho học sinh. Các trường ĐH, CĐ cũng chủ động hơn trong phương án tuyển sinh.

Đây là những nội dung đáng lưu ý được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra ngày 5/5, khi báo cáo về Kế hoạch thực hiện chương trình năm học 2019-2020 và phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2020.


Phân cấp cho các địa phương

Theo đó, Bộ GDĐT phân cấp cho các địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Mục đích là tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ  đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường.

Kỳ thi gồm các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 02 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH). Trong đó: Bài thi tổ hợp KHTN gồm 03 môn thành phần Vật lí, Hóa học và Sinh học; bài thi tổ hợp KHXH gồm 03 môn thành phần Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân (đối với thí sinh là học sinh Giáo dục THPT); gồm 02 môn thành phần Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên); mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác.

Thí sinh là học sinh Giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh THPT) phải thi 03 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 bài thi tự chọn trong số 02 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH); thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải thi 02 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 01 bài thi tự chọn trong số 02 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH); thí sinh GDTX có thể dự thi thêm bài Ngoại ngữ.

Thí sinh tự do tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GDĐT cung cấp. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Thời gian làm bài thi cụ thể như sau: Ngữ văn: 120 phút; Toán: 90 phút; Ngoại ngữ: 60 phút; bài thi KHTN và KHXH: 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần. Kỳ thi được tổ chức trong 02 ngày với 04 buổi thi: 01 buổi thi bài thi Ngữ văn, 01 buổi thi Toán, 01 buổi thi Ngoại ngữ và 01 buổi thi bài thi tổ hợp.

Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GDĐT công bố. Đề thi dùng chung cho cả học sinh giáo dục THPT và học viên GDTX. Bộ GDĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Về công tác tổ chức thi (coi thi, chấm thi, phúc khảo), các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là các địa phương) chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi ở địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc. Các địa phương thành lập các Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh của địa phương theo quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GDĐT ban hành (gọi tắt là Quy chế thi).

Hội đồng thi thực hiện các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của Quy chế thi; mỗi Hội đồng thi có các Điểm thi được bố trí đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Cán bộ tham gia công tác tổ chức thi là cán bộ, giáo viên của địa phương (cán bộ coi thi, giám sát thi sẽ là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên giữa các trường với nhau).

Bộ GDĐT ban hành Quy chế và hướng dẫn công tác thi; hướng dẫn và tổ chức thanh tra, giám sát công tác tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT tại các địa phương. Bộ GDĐT xây dựng và cung cấp các phần mềm ứng dụng và đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin cho các khâu tổ chức thi và sử dụng kết quả thi. Các phần mềm được thiết kế  đảm bảo an toàn, bảo mật, phục vụ tốt nhất cho quá trình tổ chức thi và sử dụng kết quả thi.

Bộ trưởng Bộ GDĐT chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Quy chế thi trong tất cả các khâu của Kỳ thi tại các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định và cử các đoàn do Thanh tra tỉnh/thành phố chủ trì đến làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện Quy chế thi trong tất cả các khâu của Kỳ thi tại địa phương. Giám đốc sở GDĐT tỉnh ra quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế thi trong tất cả các khâu của Kỳ thi tại Hội đồng thi.

Kết quả kỳ thi được các sở GDĐT dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được cụ thể hóa trong Quy chế thi. Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm GDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, công tác tuyển sinh được các cơ sở giáo dục ĐH triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục đại học, với các phương thức tuyển sinh khác nhau như sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra,… hoặc bổ sung các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.

Các trường tốp đầu, có mức độ cạnh tranh cao thì có thể tổ chức kỳ thi riêng theo quy định của Bộ GDĐT (ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực) để tuyển sinh. Kỳ thi này do các trường tự tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh.

Có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt khác nhau trong năm (như nhiều cơ sở giáo dục ở các nước đã thực hiện). Bộ GDĐT điều chỉnh quy chế tuyển sinh phù hợp với quy định tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học.

Nhiều ưu điểm song vẫn có hạn chế

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, phương án trên có một số ưu điểm nổi bật. Đó là, thực hiện ngay được Luật Giáo dục sửa đổi (2019) và Luật Giáo dục đại học (2018) được Quốc hội Khóa XIV mới ban hành. Kế thừa, phát huy kết quả, kinh nghiệm tốt của các Kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, nhất là năm 2019.

Phương án cũng ít bị phụ thuộc vào diễn biến của bệnh dịch COVID-19. Các địa phương chủ động hơn trong kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cán bộ làm công tác thi;

Theo Bộ trưởng, phương án thi như trên sẽ tạo động lực, thái độ học tập tích cực cho học sinh, nhất là trong bối cảnh học sinh không đến trường do dịch COVID-19 như hiện nay (nếu không thi thì một bộ phận học sinh sẽ không học hoặc học không tích cực); góp phần duy trì được nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục. “Rút ngắn thời gian thi trong 02 ngày với 04 buổi thi, làm cho Kỳ thi gọn, nhẹ hơn các năm trước; đề thi sẽ được xây dựng phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và nội dung chương trình tinh giản đã công bố (cả về nội dung, độ khó, thời gian làm bài thi) cũng sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh“, Bộ trưởng nhận định.

Cùng với đó, giảm áp lực, tốn kém đối với học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội trong bối cảnh các địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ học ở trường dài ngày; mặt khác, việc tổ chức thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng đảm bảo được yêu cầu khách quan, tin cậy (hạn chế tình trạng đánh giá thiếu khách quan, công bằng trong học bạ  để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ).

Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh và chủ động hơn trong phương án tuyển sinh. Đây cũng là cơ hội để các trường khẳng định năng lực tự chủ, khả năng thích ứng với các thay đổi, tạo tiền đề để đổi mới công tác tuyển sinh ĐH, CĐ các năm tới theo tinh thần đẩy mạnh tự chủ đại học.

Tuy nhiên, phương án này cũng có một số hạn chế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhất là đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao hoặc nguy cơ, ảnh hưởng đến học tập của học sinh cả nước trong học kỳ 2 thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT phần nào cũng sẽ gây áp lực cho một bộ phận học sinh và phụ huynh, nhất là ở những vùng khó khăn.

Các địa phương phải chủ động tổ chức Kỳ thi trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều nên có thể phát sinh sai sót, làm ảnh hưởng đến an toàn của Kỳ thi. Bộ GDĐT sẽ tăng cường các giải pháp khắc phục hạn chế này.

Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ có thể bị xáo trộn do nhiều trường ĐH, CĐ chưa có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho phương án này. Việc tuyển sinh đầu vào của nhiều trường ĐH, CĐ, nhiều ngành đào tạo có thể bị ảnh hưởng với các nguyện vọng ảo; thí sinh các tỉnh có thể phải tập trung về các thành phố lớn để dự thi các môn thi riêng của một số Đại học, trường ĐH.

Phải ban hành Quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT với quy trình rút gọn để phù hợp với thời gian tổ chức Kỳ thi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay và dự báo tình hình diễn biến của dịch bệnh thời gian tới; trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế của Phương án, tham khảo ý kiến các địa phương, cơ sở giáo dục đại học, Bộ GDĐT chủ động chuẩn bị kỹ để sẵn sàng chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tổ chức an toàn, nghiêm túc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo Phương án đã nêu.

Phương án dạy học tại trường phổ thông trong thời gian tới

Các nhà trường tổ chức cho học sinh đi học theo khối lớp và có biện pháp tổ chức dạy học theo từng nhóm học sinh/lớp để thực hiện giãn cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường. Trong đó:

- Ưu tiên tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trước ít nhất 1 tuần so với các khối lớp còn lại; chia nhóm học sinh/lớp để tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường để bảo đảm yêu cầu giãn cách học sinh trong lớp.

- Căn cứ tình hình và kinh nghiệm đã tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học, tiếp tục tổ chức cho các khối lớp còn lại (hoặc chia các nhóm học sinh/lớp) đi học luân phiên nhau theo hướng mỗi học sinh chỉ đến trường một số buổi/tuần.

- Không tổ chức các hoạt động tập trung đông học sinh trong trường; tổ chức chào cờ trong lớp học.

- Kết hợp giữa dạy học trực tuyến (qua Internet, trên truyền hình) hoặc giao cho học sinh tự học ở nhà và dạy học trực tiếp để rút ngắn thời gian hoàn thành bài học ở trường, bảo đảm hoàn thành chương trình đã được tinh giản trước ngày 15/7/2020. Tùy theo thời gian học sinh trở lại trường và điều kiện học qua Internet, trên truyền hình, các nhà trường bố trí linh hoạt thời lượng dạy học trên lớp, dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với từng môn học cụ thể.

- Bộ GDĐT tiếp tục hướng dẫn các địa phương, nhà trường tổ chức dạy học phù hợp với tình hình diễn biến của bệnh dịch để bảo đảm thời gian hoàn thành chương trình năm học trước ngày 15/7/2020.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Được, mất khi làm du lịch kiểu “sao chép”

Ngày càng mọc lên nhiều điểm du lịch mang tính sao chép, bắt chước những danh thắng đã nổi tiếng khắp nơi. Cách làm du lịch này thực chất chỉ phục vụ cho nhu cầu “check in sống ảo”.

Tháng 5 về thăm di tích lịch sử Ngã ba Giồng Sắn

Ngã ba Giồng Sắn, nơi đã xảy ra trận càn quét man rợ của địch khiến rất nhiều thường dân thiệt mạng oan ức. Nhưng sau gần 60 năm lịch sử, Giồng Sắn ngày nay lại rất yên bình, che khuất đi những ký ức đau thương năm tháng cũ.

Theo Báo Chính Phủ/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/phuong-an-rut-gon-thoi-gian-noi-dung-thi-tot-nghiep-thpt-d123739.html