Phường Nghĩa Đô, Hà Nội: Có bao che cho vi phạm trật tự xây dựng?

11/11/2019 09:25

Kinhte&Xahoi Bất cập trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội tồn tại như một vấn nạn xã hội và luôn là một “cái kim trong bọc” gây nhức nhối trong dư luận, làm “đau đầu” các cấp chính quyền.

Mặc dù nhiều lần Đảng bộ, chính quyền thành phố ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào Nghị quyết để xóa bỏ vấn nạn này nhưng kết quả đạt được vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với chính mục tiêu đặt ra và mong đợi của người dân. Điều đáng nói là trong khi những vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm thì số công trình vi phạm mới vẫn liên tiếp xuất hiện.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dù cơ bản có đầy đủ các chế tài để xử lý dứt điểm hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng, nhưng thực tế trên địa bàn Thủ đô vẫn còn 7 quận, huyện không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Trong các quận nội thành, quận Cầu Giấy là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều lần trong công tác Trật tự xây dựng (TTXD).

Số nhà 26 phố Đông Quan

Thực trạng trên không xa lạ với người dân ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Hàng loạt dự án, nhà ở riêng lẻ có quy mô “khủng”, trên địa bàn được các chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, xây sai giấy phép, sai mật độ, lấn khoảng không, phá vỡ không gian, kiến trúc đô thị một cách tràn lan. Vậy có hay không sự buông lỏng quản lý hay có lực lượng nào “hẫu thuẫn” phía sau những sai phạm nêu trên.

Theo phản ánh, PV ghi nhận công trình số 26 phố Đông Quan và công trình ngõ 5 ngách 102 Hoàng Quốc Việt...không khó để nhận diện khi các công trình này đều có chiều cao “khủng” và có dấu hiệu vi phạm về mật độ, độ cao, thiết kế công trình gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên những công trình này vẫn ung dung hoàn thiện khi không gặp bất cứ trở ngại nào từ lực lượng TTXD phường Nghĩa Đô.

Trong quá trình thi công chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, không có biện pháp che chắn khiến vữa, bụi rơi vãi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các hộ liền kề.

Một người dân sống gần công trình (xin không đưa tên) bức xúc nói: “Các công trình ở khu phố này chỉ được cấp phép tối đa 5 – 6 tầng nhưng không hiểu vì sao công trình trên lại được cấp lên đến 7 tầng, 1 tum. Các công trình đều có quy mô lớn, thi công trong một thời gian dài. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động không được coi trọng các công trình đều được che chắn sơ sài khiến vữa, bụi bay tung tóe ảnh hưởng đến người tham gia giao thông cũng như các hộ dân liên kề”.

Nhà có dấu hiệu vi phạm tại Ngõ 5 Ngách 102 Hoàng Quốc Việt

Để làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh về các sai phạm trong công tác quản lý TTXD đã và đang diễn ra trên địa bàn phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội PV đã nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo phường Nghĩa Đô.

Thế nhưng sau gần 2 tuần đặt lịch PV được ông Chử Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND phường hướng dẫn PV làm việc với một cán bộ Tổ TTXD. Tại buổi làm việc ông Mạnh đại diện Tổ TTXD thừa nhận công trình nêu trên có vi phạm như dư luận và báo chí phản ánh.

Khi PV ngỏ ý muốn được tiếp cận giấy phép xây dựng, biên bản kiểm tra xử lý vi phạm các công trình trên thì ông Mạnh từ chối cung cấp mà không nêu bất kỳ lý do.

Tại sao nhiều công trình “khủng” dính nhiều sai phạm ngay từ khi đổ móng lại dễ dàng “qua mặt” Tổ TTXD phường Nghĩa Đô như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm để các công trình xây dựng sai phép? Dư luận rất băn khoăn về quy hoạch đô thị đang hàng ngày bị “băm nát”, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn đến từ những công trình tự tung tự tác, coi thường sự thượng tôn luật pháp.

Đề nghị UBND quận Cầu Giấy, UBND TP. Hà Nội, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý dứt điểm những sai phạm về TTXD trên địa bàn phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân khi để ra xảy sai phạm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ký ức tuổi thơ tôi!

Ai trong mỗi chúng ta đều có những ký ức về tuổi thơ, nhưng mỗi người lại có những ký ức khác nhau do môi trường sống, nhận thức…của mỗi người lại khác nhau nên ký ức tuổi thơ của mỗi người cũng khác nhau.

Nguồn: GĐ&PL