Quận Hoàn Kiếm đón bằng di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - đền Bạch Mã

19/06/2022 10:51

Kinhte&Xahoi Ngày 18/6, Quận ủy, HĐND, UBND quận Hoàn Kiếm long trọng tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - đền Bạch Mã.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng quận Hoàn Kiếm đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - Đền Bạch Mã

Tới dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Tiến Hùng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội dự buổi lễ

“Thăng Long tứ trấn” gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý, nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch, bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay, gồm các ngôi đền: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên và Quán Thánh. Trong đó, đền Bạch Mã được dân gian coi là đệ nhất tứ trấn, nơi thờ thần Long Đỗ trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long.

Sách “Việt điện u linh tập” ghi lại, đền được lập từ thời Cao Biên đắp thành Đại La. Đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (năm 1010), thần lại giúp vua dựng thành sau nhiều lần thất bại, được phong là Thành hoàng Thăng Long. Các triều sau đều theo đó, phong Thần là Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần. Trải qua hơn một nghìn năm, ngôi đền dù đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm và những dấu tích cổ hiếm thấy, cùng nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử to lớn.

Dù nằm trên một diện tích không lớn, nhưng đền Bạch Mã giữ nguyên được mặt bằng tổng thể, các hạng mục kiến trúc điển hình của một ngôi đền quan trọng khi xưa với những dấu ấn đặc trưng của phong cách kiến trúc thế kỷ XIX. Ngôi đền được xây theo hình chữ Tam, gồm ba dãy nhà song song, bên ngoài là phương đình tám mái.

Điểm đặc sắc của công trình kiến trúc này chính là hệ thống mái hình vỏ cua (hình mai con cua) liên kết giữa các hạng mục kiến trúc. Điều này tạo sự khép kín, liên hoàn, tăng thêm không gian cho di tích, cũng như tạo điểm nhấn khác biệt, hiếm thấy so với nhiều di tích khác vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Đền hiện còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, như: 18 bia đá cổ ghi lại việc sửa đền, 17 đạo sắc phong do triều đình nhà Nguyễn ban tặng, cùng nhiều đồ thờ tự quý...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - Đền Bạch Mã cho lãnh đạo quận Hoàn Kiếm.

Trong đền còn thờ một pho tượng ngựa trắng bằng gỗ lớn, tượng trưng cho thần Bạch Mã và được rước vào những dịp quan trọng. Phía sau đền còn có một chiếc giếng cổ. Đây cũng là điểm được nhiều người tham quan, bởi là một trong số ít giếng cổ còn sót lại trong khu phố cổ. Lễ hội của đền được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Hai âm lịch hằng năm, là sự dung hòa giữa văn hóa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cúng cung đình, tạo nên nét đặc sắc riêng biệt.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, đền Bạch Mã có lịch sử hơn một nghìn năm, là trấn đầu tiên trong tứ trấn của kinh thành gắn với truyền thuyết xây La Thành của Cao Biền vào năm 866 và vua Lý Công Uẩn xây thành Thăng Long vào thế kỷ XI. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê với 52 vị vua định đô tại Thăng Long, đền Bạch Mã là nơi chứng kiến đầy đủ nhất quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi đền Bạch Mã luôn được cộng đồng dân cư gìn giữ, tu sửa và thờ phụng.

Màn tái hiện lịch sử Di tích đền Bạch Mã.

Di tích đền Bạch Mã cùng với các di tích khác trong tứ trấn Thăng Long được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, tín ngưỡng tiêu biểu của quần thể di tích này tại Thủ đô Hà Nội.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XXVI Đảng bộ quận Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm đã và đang tập trung nguồn lực để phát huy các di sản văn hóa, khôi phục các phố nghề, tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm nhằm mục tiêu gìn giữ các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của người dân gắn với phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển du lịch.

“Với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ sát sao từ Trung ương, thành phố và các chuyên gia, nhà khoa học, quận Hoàn Kiếm xác định sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn; tiếp tục tập trung đầu tư và kêu gọi các nguồn lực xã hội cho bảo tồn các di sản văn hóa để Hoàn Kiếm là điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế; để thành phố Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, là trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á”, ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/quan-hoan-kiem-don-bang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-thang-long-tu-tran-den-bach-ma-199127.html