Ảnh minh họa
Đây là ý kiến được thống nhất tại cuộc họp giữa Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với đại diện các bộ, ngành liên quan như Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)… để bàn về kế hoạch chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.
Sau khi thảo luận, đại diện các bộ, ngành cũng đã thống nhất việc bảo đảm an toàn là yếu tố quan trọng khi xây dựng kế hoạch để mở cửa du lịch quốc tế. Trong đó, cần có các phương án cụ thể, những điều kiện cần chuẩn bị để đón khách vào, từ tiêu chí lựa chọn thị trường an toàn, thời điểm đón, điểm đến ở Việt Nam, tần suất chuyến bay và đặc biệt là quy trình kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh từ khi khách vào đến khi khách rời khỏi Việt Nam.
Đại diện các bộ, ngành cũng cho rằng cần lựa chọn thị trường có kết quả phòng, chống dịch hiệu quả tương tự như Việt Nam. Hiện nay trên thế giới cũng đã có một số thị trường trải qua hơn 30 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Đây là cơ sở để có thể nghiên cứu, đàm phán thiết lập hành lang an toàn đi lại giữa hai bên.
Được biết, một số nước trên thế giới khống chế tốt dịch cũng đang lên kế hoạch mở cửa quốc tế trở lại. Vì thế, việc ngành Du lịch Việt Nam đi tiên phong trong quá trình mở cửa trở lại có ý nghĩa quan trọng, vừa quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn tới thị trường quốc tế, vừa tạo điều kiện tiếp tục tái khởi động các ngành, lĩnh vực khác của đất nước.
Tuy vậy, việc mở lại thị trường du lịch quốc tế cần thực hiện từng bước, có kế hoạch cụ thể, hết sức thận trọng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
H. Bùi