Quảng cáo bất hợp pháp thuốc xịt kháng virus Viraleze, Starpharma bị xử phạt gần 100.000 USD

16/12/2021 11:23

Kinhte&Xahoi Cục quản lý sản phẩm trị liệu (TGA), thuộc Bộ Y tế Australia vừa xử phạt 93.240 USD công ty Starpharma vì đã quảng cáo bất hợp pháp thuốc xịt mũi Viraleze.

Vừa qua, theo thông tin chính thức từ Cục quản lý sản phẩm trị liệu (TGA) - Bộ Y tế Australia được đăng tải trên trang web chính thức của cơ quan này về việc Công ty Starpharma Holdings Limited bị phạt 93.240 USD do quảng cáo trái phép sản phẩm 'Viraleze' liên quan đến phòng tránh, điều trị COVID-19.

Nội dung Cục quản lý sản phẩm trị liệu (TGA) - Bộ Y tế Australia đăng tải.

Cụ thể, Cục quản lý sản phẩm trị liệu (TGA), thuộc Bộ Y tế Australia cho biết đã ban hành 7 thông cáo vi phạm với tổng tiền phạt 93.240 USD cho công ty dược phẩm sinh học toàn cầu Starpharma Holdings Limited (Starpharma) có trụ sở tại Melbourne, vì đã quảng cáo bất hợp pháp thuốc xịt mũi không được cấp phép lưu hành tại Australia.

Doanh nghiệp này bị phạt do đã quảng cáo việc sử dụng và phân phối tại Australia một loại thuốc xịt mũi có tên Viraleze trên hai trang web và kênh YouTube chính thức của công ty, sản phẩm này không có trong danh sách Sản phẩm Trị liệu được cấp phép tại Australia (ARTG).

Theo đó, Đạo luật về sản phẩm trị liệu năm 1989 nghiêm cấm quảng cáo tới công chúng đối với các sản phẩm trị liệu mà không nằm trong danh sách ARTG (trừ trường hợp được ưu tiên miễn, được phê duyệt hoặc cơ quan có thẩm quyền sử dụng).  

Những ấn phẩm quảng cáo bị vi phạm trên hai trang web chính thức của Starpharma có một quảng cáo nói rằng Viraleze là một loại thuốc xịt mũi kháng virus giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2, chủng virus gây ra dịch COVID-19.

Theo TGA, bất kỳ ấn phẩm hoặc tài liệu nào liên quan đến việc ngăn ngừa hoặc điều trị một dạng bệnh, tình trạng bệnh, chứng đau nhức hoặc khiếm khuyết nghiêm trọng đều bị cấm quảng cáo. 

Đạo luật nêu rõ, việc sử dụng hình ảnh của các sản phẩm không được cấp phép trong các ấn phẩm quảng cáo cho sản phẩm trị liệu là bất hợp pháp nếu không có sự cho phép trước của TGA. Trong trường hợp này, sản phẩm thuốc xịt mũi đã nêu trên không được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào cấp phép.

Các ấn phẩm quảng cáo trên hai trang web chính thức của công ty được cho là đề cập đến chất Natri Astodrimer có trong Bảng 3 (Thuốc chỉ dành cho dược sĩ) của Bộ tiêu chuẩn Độc tố hiện hành. Việc sử dụng Natri Astodrimer để chữa trị virus SARS-CoV-2 hiện không được chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, sản phẩm được quảng cáo tới đại chúng không được chứa bất kỳ chất nào có trong Bảng 3 của Bộ tiêu chuẩn Độc tố, trừ khi chất đó cũng được liệt kê trong Phụ lục H của Bộ tiêu chuẩn độc tố cho phép sử dụng chất đó trong các trường hợp điều trị cụ thể.

Đồng thời, tại nội dung đã thông tin, TGA cũng gửi lời cảnh báo cho các nhãn hàng trên lãnh thổ Australia.

Theo đó, tất cả các nhãn hàng có trách nhiệm đảm bảo rằng ấn phẩm quảng cáo sản phẩm trị liệu của họ tuân thủ các quy định. Quảng cáo sản phẩm trị liệu tới đại chúng phải tuân thủ tất cả các yêu cầu hiện hành trong Đạo luật. Điều này có trong Bộ luật quảng cáo sản phẩm trị liệu.  

TGA cũng khuyến khích người tiêu dùng tự tìm hiểu về các quy định pháp lý hoặc tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia pháp lý. Mặc dù TGA không cấp quy chuẩn, tuy nhiên, tổ chức này có cung cấp danh sách các tổ chức pháp lý chuyên về ngành nghề này giúp người dân tham khảo.

Cùng với đó, TGA đã công bố cảnh báo cho các nhãn hàng và người tiêu dùng về các hành vi quảng cáo bất hợp pháp liên quan đến đại dịch COVID-19.

Những ấn phẩm quảng cáo bị vi phạm trên hai trang web chính thức của Starpharma có một quảng cáo nói rằng Viraleze là một loại thuốc xịt mũi kháng virus giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2, chủng virus gây ra dịch COVID-19. (Ảnh: Starpharma Pty Ltd)

Trước đó, TGA đã cảnh báo các nhãn hàng rằng các biện pháp trừng phạt thích đáng sẽ được áp dụng nếu các công ty quảng cáo các sản phẩm trị liệu mà không tuân thủ Đạo luật quảng cáo của Australia. Hành lang pháp lý của tổ chức luôn có các hình phạt ví dụ như các khoản tiền phạt hay nghiêm khắc hơn sẽ thực hiện tố tụng hình sự hoặc dân sự.

Theo thông tin mới nhất từ Cục quản lý sản phẩm trị liệu (TGA), thuộc Bộ Y tế Australia, hiện Starpharma đã nộp phạt số tiền gần 100.000 USD nêu trên đối với với vi phạm của mình trên lãnh thổ Australia.

 Gia Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/quang-cao-bat-hop-phap-thuoc-xit-khang-virus-viraleze-starpharma-bi-xu-phat-gan-100000-usd-d172832.html