Quảng Nam: Khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ chìm ca nô ngoài biển Cửa Đại

02/03/2022 09:30

Kinhte&Xahoi Vụ chìm ca nô khiến 17 người tử vong đang được Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An phát biểu tại buổi họp báo để thông tin về vụ ca nô chở khách bị chìm ngoài biển Cửa Đại (Ảnh: V.X)

Chiều 1/3, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi họp báo để thông tin về toàn bộ diễn biến vụ ca nô chở 39 người gặp tai nạn ngoài biển Cửa Đại vào ngày 26/2 khiến 17 người tử vong thương tâm. Buổi họp báo do ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì.

Huy động tối đa lực lượng, phương tiện tìm kiếm nạn nhân

Thông tin về toàn bộ diễn biến vụ tai nạn tại Cửa Đại, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lúc 9 giờ 45 ngày 26/2, ca nô QNa 1152 chở 38 người (35 hành khách và 03 lái ca nô) xuất phát từ Trạm KSBP Cửa Đại đi tham quan tại đảo Cù Lao Chàm.

Đến 13 giờ 45, ca nô QNa 1152 chở 39 người (36 hành khách và 3 lái ca nô) xuất bến thuỷ nội địa Cù Lao Chàm vào bến Cửa Đại. Đến khoảng 14 giờ 15, khi vào đến khu vực biển Cửa Đại (cách bờ khoảng 1,5 hải lý về hướng Đông), ca nô bị chìm.

Các nạn nhân gặp nạn được đưa vào bờ sơ cứu vào chiều 26/2 (Ảnh: V.Q)

Sau khi nhận được thông tin, BĐBP tỉnh đã điều động 6 ca nô/60 CBCS có mặt tại hiện trường tai nạn phối hợp với khoảng 5 ca nô chở khách đang chạy vào bờ và 10 ca nô doanh nghiệp trong bờ chạy ra cứu vớt các nạn nhân bị trôi dạt. Khi ca nô gặp nạn, nước tràn vào nhanh, ca nô bị chìm dưới nước nhiều người còn mắc kẹt bên trong.

Bến cảng Cửa Đại, nơi ca nô xuất phát và về cảng gặp nạn

Do vị trí bị nạn gần bãi cát, sóng vỗ mạnh, nên việc tiếp cận hiện trường rất khó khăn. Tiếp cận trực tiếp hiện trường ban đầu có ca nô BP 43 0704 và 1 ca nô cao su của Biên phòng; Các ca nô của doanh nghiệp ở vòng ngoài vớt các nạn nhân trôi dạt khi vừa thoát ra từ ca nô bị chìm. Tiếp theo đó có các ghe cá nhỏ của ngư dân tham gia cứu nạn.

Đến khoảng 16 giờ 25, các lực lượng cứu nạn đã cứu vớt và đưa vào bờ 35 nạn nhân. Ca nô gặp nạn mang số hiệu QNa 1152 do ông Lê Sen (SN 1970, ngụ tại phường Cửa Đại) làm thuyền trưởng. Chủ phương tiện là Công ty TNHH MTV Phương Đông.

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến hiện trường

Sau khi nhận được báo cáo vụ việc, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn công tác do đồng chí Phan Việt Cường - Bí Thư tỉnh ủy phụ trách và trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn và tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Trong Đoàn công tác còn có các đồng chí Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo của Quân khu 5 và TP Hội An.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo các lực lượng huy động mọi phương tiện, nhân lực để tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện trong vụ tai nạn; Các sở, ngành và UBND TP Hội An bố trí điều kiện tốt nhất để cứu chữa, vận chuyển các nạn nhân bị thương, tử vong và tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; Đồng thời, đề nghị Quân khu 5 cử lực lượng, phương tiện phối hợp TKCN và báo cáo Bộ Quốc phòng điều động lực lượng không quân của Sư đoàn 372 tổ chức tìm kiếm trên không.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (Ảnh: V.Q)

Các lực lượng tham giam tìm kiếm nạn nhân lúc này gồm: Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực 2, Cảnh sát biển Vùng 2, Vùng 3 Hải quân tham gia cứu nạn và tìm kiếm nạn nhân mất tích. Huy động lực lượng, phương tiện của các doanh nghiệp vận tải thủy, các tàu cá của ngư dân (tàu giã cào, câu kiều…) tìm kiếm trên biển và phối hợp với chính quyền địa phương huy động Nhân dân tham gia tìm kiếm dọc bờ biển khu vực từ Điện Bàn đến Núi Thành.

Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia có mặt tại Cửa Đại để chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn

Các đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Bộ GTVT làm trưởng đoàn và đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã có mặt tại hiện trường trong đêm và chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm.

Triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn

 Theo UBND tỉnh Quảng Nam, từ ngày 26/2, ngay sau khi bị tai nạn xảy ra, các phương tiện tiếp cận hiện trường sớm nhất gồm có 6 ca nô biên phòng/60 CBCS, khoảng 15 ca nô doanh nghiệp và 6 tàu cá của ngư dân cứu nạn.

Sau đó tiếp tục có các lực lượng, phương tiện tăng cường để TKCN gồm: Tàu 16 chiếc, cano 21 chiếc, trực thăng 2 chiếc. Lực lượng tìm kiếm trên biển gồm 215 người; Lực lượng tìm kiếm trên bờ gồm 80 người và khoảng 150 người dân.

Từ ngày 27/2, lực lượng tham gia TKCN trên biển gồm 39 phương tiện/215 người; Lực lượng tìm kiếm trên bờ gồm 91 người và khoảng 150 người dân.

Từ ngày 28/2, lực lượng tham gia TKCN trên biển gồm 41 phương tiện/210 người; Lực lượng tìm kiếm trên bờ gồm 80 người và khoảng 150 người dân.

Ca nô bị chìm sau tai nạn

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, BĐBP tỉnh đã điều động lực lượng, phương tiện phối hợp các lực lượng tham gia cứu nạn và tìm kiếm các nạn nhân mất tích:

Đến 16 giờ 25, các lực lượng TKCN đã vớt được 35 nạn nhân (trong đó 22 người còn sống, 13 người tử vong), còn mất tích 4 người.

Khoảng 0 giờ 30 ngày 27/2, lực lượng tìm kiếm đã tìm được thêm 2 người mất tích đã tử vong trôi dạt vào biển Cửa Đại.

Vị trí ca nô bị mắc cạn sau khi được lai lắt vào bờ vào chiều 27/2

Khoảng 23 giờ 15 ngày 27/2, lực lượng tìm kiếm đã tìm được thêm 1 người mất tích đã tử vong bị mắc trong ca nô.

Khoảng 14 giờ 5 ngày 28/2, lực lượng tìm kiếm đã tìm được thêm 1 người mất tích đã tử vong bị mắc vô kè đá Khu du lịch Vinpearl Hội An

Người dân theo dõi vụ tìm kiếm tung tích nạn nhân bị mất tích ngoài biển Cửa Đại

Như vậy, các lực lượng TKCN đã cứu được 22 người và tìm được 17 thi thể của nạn nhân. Các nạn nhân bị tử vong đã được hoả táng (9 người), còn lại bàn giao thi thể cho gia đình mai táng.

Công tác hỗ trợ gia đình gia đình nạn nhân

 Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đơn vị liên quan đã huy động mọi phương tiện, nhân lực để tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện trong vụ tai nạn; Bố trí điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương.

Thi thể 17 nạn nhân được tổ chức lễ an táng tại Bệnh viện Hội An

Từ nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ quyên góp của các nhóm thiện nguyện, đã hỗ trợ miễn phí toàn bộ kinh phí, đơn vị liên quan đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn; Tiếp nhận và trao kinh phí của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người mất và bị thương trong vụ tại nạn, số tiền tiếp nhận đến hết ngày 28/2 là 561.450.000 đồng.

Thông tin về ca nô gặp nạn và thuyền trưởng

 Theo UBND tỉnh Quảng Nam, ca nô gặp nạn là ca nô SB (pha sông, biển) có số đăng ký QNa 1152. Ca nô có công suất 400 CV, trọng tải toàn phần 4,1 tấn. Ca nô có số chỗ ngồi là 35 (không tính thuyền viên). Tổng sức chở (người) là 39 người.

Trang bị kỹ thuật trên ca nô: Máy định dạng AIS: 1 cái; Máy thông tin: 1 cái; Máy định vị: 1 cái; Bình chữa cháy: 3, dây dù… Đăng ký: Số 1152/ĐK do Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/1/2020. Đăng kiểm: 00053/22V43 cấp ngày 19/1/2022. Hiệu lực đến ngày 19/1/2023. Giấy phép hoạt động: Hoạt động vùng SB cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 12 hải lý, trong điều kiện gió không quá cấp 5.

Ca nô bị hư hại nặng sau khi bị chìm cùng 39 người

Người điều khiển phương tiện là ông Lê Sen, ngụ tại phường Cửa Đại. Bằng thuyền trưởng hạng 3, số hiệu: 00000357 QNa; cấp lần đầu ngày 30/11/2016, có giá trị đến: 10/2/2027. Bằng máy trưởng số hiệu 00012599.CC, cấp lần đầu: 1/7/2019 có giá trị đến 1/7/2024.

Chứng chỉ hành nghề gồm: Chứng chỉ điều khiển tốc độ cao loại I, số hiệu 00000962; cấp lần đầu ngày 23/8/2017; Chứng chỉ điều khiển ven biển số hiệu 00004484; cấp lần đầu 31/12/2019; Chứng chỉ an toàn ven biển số hiệu: 00017471; cấp lần đầu ngày 19/10/2020; Chứng chỉ an toàn cơ bản số hiệu 00005018.AH.NB; cấp lần đầu ngày 1/6/2020.

Khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân

 Tại buổi họp báo, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn.

Qua vụ việc này, Công an tỉnh và đơn vị liên quan sẽ tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường thủy; Kiểm tra vi phạm về điều kiện kinh doanh trên đường thủy nội địa, nhất là hoạt động chở khách tham quan du lịch trên đường thủy nội địa; Siết chặt kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi chở quá số người quy định, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp du lịch khi để xảy ra vi phạm, không để xảy ra các sự việc tương tự.

UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về vụ tai nạn ca nô

UBND đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm; Đặc biệt xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ phương tiện) gây tai nạn nêu trên.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, TP phải siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa trên địa bàn; Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với đơn vị kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.

 V. Quyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

22 tác phẩm được trao giải tại Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021

Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021 với chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông" nhận được tổng số 210 tác phẩm dự thi ở cả 2 hạng mục phóng sự và clip ngắn. Đây là lần thứ 3 Toyota Việt Nam đồng hành cùng chương trình.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/quang-nam-khan-truong-dieu-tra-lam-ro-nguyen-nhan-vu-chim-ca-no-ngoai-bien-cua-dai-190879.html