Quảng Nam: Thí điểm các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại 6 huyện miền núi

29/12/2021 10:50

Kinhte&Xahoi UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch thí điểm các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại 6 huyện miền núi của tỉnh, gồm: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn.

Quảng Nam sẽ tập trung hỗ trợ các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực đặc trưng dân tộc vùng núi địa phương (Nguồn namgiang.gov)

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc thí điểm các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm tạo bước đột phá, nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa, giúp đỡ các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo nhanh, bền vững; Ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Theo đó, đối với mô hình chăn nuôi bò và dê sinh sản, dành cho nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ gia đình người dân tộc thiểu số. Trong đó, 3 huyện Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My ưu tiên mô hình chăn nuôi dê; 3 huyện Nam Giang Đông Giang, Bắc Trà My ưu tiên mô hình chăn nuôi bò.

Dự kiến hỗ trợ 300 con bò giống sinh sản cho 150 hộ, mỗi huyện 100 con/50 hộ; Hỗ trợ 750 con dê giống sinh sản cho 150 hộ, mỗi huyện 250 con/50 hộ. Mức hỗ trợ 2 con bò/hộ (bình quân 20 triệu đồng/con); 5 con dê/hộ (bình quân 4 triệu đồng/con).

Đối với hỗ trợ mô hình khởi nghiệp trong công tác kết nghĩa, dành cho cá nhân, nhóm cá nhân, nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có khả năng, ý tưởng và tâm huyết khởi nghiệp, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đối với các sản phẩm phù hợp với điều kiện và định hướng quy hoạch của từng địa phương, trong đó chú trọng trồng trọt các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm địa phương. Mô hình này sẽ hỗ trợ cây con giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi, kinh phí tiêm phòng; Máy móc, thiết bị, kết nối thị trường sản phẩm...

Nhiều hộ gia đình tại huyện Nam Giang thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò (Nguồn namgiang.gov)

Trong lĩnh vực chế biến sản phẩm địa phương như: Măng, táo mèo, chuối, sâm cau, đảng sâm, chè; Các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực đặc trưng dân tộc... hỗ trợ: Máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; Kiểm nghiệm/phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; Xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; Thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; Đăng ký nhãn hiệu; Quảng bá sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm, phiên chợ.

Bên cạnh đó, hỗ trợ, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn liên quan đến đầu tư, kế hoạch, tài chính, nông nghiệp, nông thôn, CNTT; Kiến thức về công tác dân tộc; Văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng; Trong đó chú trọng ưu tiên về lĩnh vực công nghệ thông tin; Nông lâm nghiệp; Bảo vệ môi trường; Thu chi ngân sách; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; Thực hiện các chính sách an sinh xã hội; Giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới...

Đối với mô hình xây dựng thôn văn minh - kiểu mẫu cho các thôn trên địa bàn xã kết nghĩa đã được quy hoạch hỗ trợ xây dựng thành thôn Nông thôn mới kiểu mẫu tại Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My (khu vực I).

 Đoàn Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam hiện có 238 bảo vật quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định số 2198/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2021) cho 23 hiện vật, nhóm hiện vật. Như vậy, tính đến đầu năm 2021, sau 9 đợt công nhận, nước ta có 215 bảo vật, nhóm hiện vật được công nhận thì nay tổng số bảo vật quốc gia là 238.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/quang-nam-thi-diem-cac-mo-hinh-ho-tro-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tai-6-huyen-mien-nui-186762.html