Quy định của pháp luật về việc xử lý người trốn khỏi nơi cách ly

28/05/2020 15:57

Kinhte&Xahoi Bạn đọc hỏi: Tôi có người nhà sống trong khu chung cư đang bị cách ly do có người nhiễm Covid-19 sống tại đây. Tuy nhiên, người này trốn khỏi khu cách ly ra ngoài gặp người yêu. Sau khi về thì bị phát hiện lại khai báo không gặp ai. Vậy người nhà tôi có bị xử phạt không? Đỗ Mạnh Hùng (Đống Đa, Hà Nội)

Các khu cách ly đều được lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ - Ảnh: LAM THANH

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 
Theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có nội dung hướng dẫn như sau:

“1.2. Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295:

a) Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa;

b) Không tuân thủ quy định cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối”.

Theo quy định tại Điều 295, Bộ luật Hình sự, mức hình phạt trong trường hợp gây thiệt hại 100.000.000 đến dưới 500.000.000 đồng là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng, mức phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Khung hình phạt tù cao nhất từ 6 năm đến 12 năm áp dụng cho trường hợp gây thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng trở lên.

Trường hợp hành vi chưa cấu thành tội phạm, chưa đủ mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người nhà của bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế như sau:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều này;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều này.

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh; Phòng 305, Tòa nhà số 8 Láng Hạ, Hà Nội)

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tranh thủ quảng bá hình ảnh đẹp để hút khách

Vừa khởi động kích cầu du lịch nội địa chưa bao lâu, ngành du lịch buộc phải tính xa tới các giải pháp thu hút khách quốc tế sau đại dịch Covid-19. Một trong những gợi mở từ các chuyên gia quốc tế là tranh thủ hình ảnh đẹp của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch.

Hà Nội chưa mở cửa du lịch quốc tế nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa. Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở Ngoại vụ, Y tế và các đơn vị xúc tiến quảng bá du lịch, chuẩn bị các việc cần thiết để mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, trước hết là từ các nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh, được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập cảnh.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/doi-song/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-viec-xu-ly-nguoi-tron-khoi-noi-cach-ly/855386.antd