Quy hoạch bị phá vỡ, người dân Hà Nội còn khổ dài!

29/10/2018 09:13

Kinhte&Xahoi Hà Nội chịu áp lực rất lớn về tình trạng nhập cư không thể kiểm soát, cùng với đó là các hệ lụy về giao thông, môi trường, an sinh xã hội…

Người dân đô thị Hà Nội đang phải chịu rất nhiều áp lực, bất an. Nói như GS Đặng Hùng Võ, Hà Nội giai đoạn chiến tranh phá hoại còn có những lúc rất bình yên. Còn Hà Nội bây giờ ẩn chứa quá nhiều bất an về môi trường, tai nạn giao thông, trộm cắp, cháy nổ… “Đơn cử việc xin cho con đi học trái tuyến cũng “vỡ mặt”, không bất an về mặt này thì lại có mặt khác” – GS Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ, người ta nói nhiều đến Hà Nội với câu chuyện về hạ tầng. Hiện nay, Hà Nội chịu áp lực rất lớn, ít đô thị nào trên thế giới chịu cảnh nhập cư không được kiểm soát. Các nhà đầu tư bất động sản thì cứ xây nhà, bán cho hầu hết dân ở các tỉnh về sống và cho con cái học. Đấy là nguyện vọng chính đáng nhưng các nhà quản lý cần làm gì để quá trình nhập cư này tạo hiệu quả chứ không phải gây áp lực như hiện nay.

Chạy quy hoạch là dễ nhất ở Việt Nam?

Quy hoạch phát phát triển Hà Nội đã có từ lâu. Bản quy hoạch Hà Nội lấy mặt nước và cây xanh làm điểm nhấn, không phát triển thành dạng siêu đô thị (mega city) mà sẽ là thành phố trung tâm và có 5 thành phố vệ tinh. Tuy nhiên, thực tế thì hình như bản quy hoạch này không được để ý đến. Hà Nội đang tự phát triển theo hướng mega city, tức là phát triển theo vết dầu loang mà không phải theo quy hoạch của Nhà nước.

Chung cư cao tầng ở Hà Nội mọc lên như nấm sau mưa mang nhiều hệ lụy xã hội.

“Tư nhân đang dẫn đường phát triển. Tư nhân nào có đất ở đâu thì tự phát triển ở đấy. Quy hoạch không có thì xin điều chỉnh quy hoạch, thứ dễ nhất ở Việt Nam là điều chỉnh quy hoạch. Chúng ta có những quy hoạch tốt nhưng không bao giờ quy hoạch đó được thực hiện thường nó bị điều chỉnh cục bộ rất nhiều chỗ, vì lợi ích của tư nhân” – ông Đặng Hùng Võ khẳng định.

Khi tư nhân dẫn đường phát triển thì không bao giờ chúng ta đạt tiêu chí của một đô thị hiện đại được vì tư nhân bao giờ họ cũng tính lợi ích lên đầu. Bán được nhà sao cho thật nhanh, còn sau đó dân ở thế nào thì không cần quan tâm, phòng cháy chữa cháy không có, chống ngập lụt cũng không…

Cùng chung quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư, cho rằng, chúng ta đã sa vào trào lưu biến nhà cao tầng, đơn giản, chỉ thành cỗ máy thương mại kiếm tiền cho giới đầu tư với sự đồng thuận của chính quyền thiếu tầm nhìn đô thị. Xót xa thay đối tượng của trào lưu này là những công chức ăn lương, dân nghèo đô thị gắng gỏi mua một căn hộ giá rẻ để mưu sinh. Chúng nằm trong những chung cư chọc trời bị chủ đầu tư bỏ qua tiêu chuẩn xây dựng cơ bản, để lại hiểm họa cho đô thị về an ninh, cứu hộ, cháy nổ, thang máy, quản lý, bảo trì… Còn thành phố được hưởng một thứ “rác đô thị” rất lâu dài.

Việt Nam là nước đang đô thị hóa theo chiều cao tại trung tâm và xôi đỗ ở ngoại vi, tiếc thay lại nhiều sản phẩm loại này vào bậc nhất, đô thị cũng vì thế kém bền vững. Đáng ngạc nhiên là cả nhà cao tầng giá thấp và giá cao đều ở cùng trào lưu thương mại này.

Đô thị hóa không đơn thuần chỉ nhìn vào không gian

Với một đô thị có quá nhiều vấn đề về môi trường sống, giao thông, giáo dục, y tế… cái cần đổi mới hiện nay là gì? Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, cái cần nhất bây giờ là văn hóa. Thành tựu kinh tế đạt được nhất định thì cần đổi mới văn hóa, vì nó là trụ cột để đổi mới cái khác. Nếu chúng ta không có kế hoạch đổi mới văn hóa thì mãi mãi chúng ta tụt hậu. Tại sao Việt Nam đã tạo được thế đứng khá tốt trên thế giới, nhận thức của chính quyền, nhà nước về sự đóng góp của Việt Nam trên thế giới, nhưng về trong nước vẫn lộn xộn.

Họ không tưởng tượng đời sống đô thị ở Việt Nam là nước có tên tuổi mà giữa đô thị xảy ra chuyện chở tôn cứa cổ cháu bé thì văn hóa quá tệ. Chúng ta muốn đạt được các điều kiện sống kể cả về môi trường thì văn hóa quyết định đến 80%. Bảo vệ môi trường thì mỗi con người phải tự làm đã, sau đó giám sát về môi trường xem có làm được hay không được, đạt yêu cầu hay không, rồi từ đó mới nói đến chuyện khác.

“Sự việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ xây biệt phủ ở Sóc Sơn là một ví dụ, đấy là văn hóa tuân thủ pháp luật. Họ thấy một người vượt qua được thì người bên cạnh sẽ theo. Năm 2013, chúng ta không xử lý thì bây giờ phải xử lý gấp 10 lần” - ông Võ dẫn chứng.

Tắc đường như cơm bữa ở Hà Nội.


Còn PGS. TS Nguyễn Hồng Thục thì cho rằng, nếu để mô hình đô thị như bây giờ thì hiểm họa không phải chỉ là vấn đề kinh tế mà còn rất nhiều hệ lụy về văn hóa, xã hội, tinh thần khác.

“Tư bản của chúng ta hình thành từ mua bán đất đai, người dân thì khổ, chính quyền chỉ lo chống đỡ các vấn đề nảy sinh như di dân tự do tập trung vào thành phố mà không thể cản nổi” – TS Nguyễn Hồng Thục nói.

Thành phố càng lớn thì nên hướng cơ hội tập trung những trí thức làm việc ở trong những lĩnh vực đòi hỏi chất xám, còn lại cần có chính sách phát triển đều ở vùng ảnh hưởng của đô thị hóa. “Không có đất nước nào quản lý đô thị theo kiểu dùng một mô hình không gian áp đặt lên toàn bộ mô hình kinh tế, cấu trúc xã hội”, điều này theo TS Hồng Thục, Hà Nội đã mắc phải khi mở rộng là một mô hình không gian ôm trọn 1.200 làng nghề của xứ Đoài, hành lang xanh chống ngập của sông Tích, sông Nhuệ, phần trù phú nhất của Mê Linh, Lương Sơn, Hòa Bình.

Đây có lẽ là lý do, theo bà Thục, lãnh đạo TP.HCM quyết định không mở rộng thành phố mà chọn kinh tế chủ chốt để phát triển, còn lại phân bổ cho các thành phố khác, TP HCM không thể trở thành một “đầu nậu” cái gì cũng ôm.

 

Theo VOV/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những điểm đến khó quên cho kỳ nghỉ 20/10 năm nay

Những món quà trang sức, chocolate, hoa tươi… dường như đã trở nên quá quen thuộc cho ngày 20/10. Thay vào đó, thế hệ X,Y đang chuyển dần sang xu thế dành tặng cho nhau thời gian và không gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, “hâm nóng” tình yêu. Và dưới đây là những gợi ý khó có thể làm ngơ.