Quyền của cha mẹ với con cái làm sao để bớt vênh giữa luật và đời?

16/08/2019 10:35

Kinhte&Xahoi Chọn nghề cho con hay học cho cha mẹ - đó là câu hỏi mà Thạc sĩ Hoàng Khắc Hiếu - Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM đã đặt ra khi bàn về vấn đề việc người trẻ chọn nghề hiện nay.

Con cái không phải là nơi đặt hết tất cả kỳ vọng cũng như là nơi trút mọi bực bội, hờn ghen của cha mẹ.

Chọn nghề quan trọng như chọn bạn đời, bởi nó sẽ góp phần quyết định vào sự thành công và tạo nên hạnh phúc mỗi ngày cho mỗi con người. Thế nhưng, một trong những nỗi khổ của người trẻ là phải “kết hôn” với nghề mà mình không yêu thích để đi theo chỉ định quyền lực của bậc sinh thành…

Chỉ vì ba mẹ muốn em thi…

Trong câu chuyện minh họa của Thạc sĩ Hoàng Khắc Hiếu có một em học sinh lớp 12 đã viết thư tâm sự: “Ba mẹ em vốn đi đâu cũng nói rằng sẽ cho em học quản trị kinh doanh. Nhưng ba mẹ lại không để ý là em chả hề thích ngành ấy tí ti nào, em chỉ thích học ngành sư phạm Văn, trở thành một người giáo viên đứng lớp.

Nhiều lần em cũng đã chủ động thăm dò xem ý định của ba mẹ thế nào. Ấy vậy mà mẫu số chung của ba mẹ luôn là: “Ông bà ta dạy “Phi thương bất phú. Đi buôn mới giàu, suốt ngày gõ đầu trẻ thì tiền có văng ra không”?

Em xin ba mẹ cho thi một lúc cả hai ngành Quản trị kinh doanh và Sư phạm, mẹ bảo làm vậy sẽ bị phân tán thời gian và phí công sức. Ngay sau đó tất cả các sách tham khảo cũng như tài liệu về khối C của em cũng bỗng dưng biến mất.

Ba bảo: “Nếu năm nay thi tốt nghiệp không có môn Sử, Địa thì sách vở của con mấy môn này sẽ biến mất ngay lập tức. Ba mẹ còn thống nhất ngày hôm thi khối C sẽ cùng nhau ở nhà đóng cửa để em không tới được trường thi. Áp lực từ phía ba mẹ còn khủng khiếp hơn là việc thi cử. Em phải làm sao đây?”.

Câu chuyện này đã phần nào lý giải con số mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra là tính đến năm 2017, có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Nó cũng giải thích cho việc vì sao ngày càng có những người trẻ dù đã theo học đại học nhưng vẫn quyết rẽ sang với trường nghề. 

Không xác định được ngành nghề mình yêu thích ngay từ đầu nên khi học ĐH được hơn 1,5 năm tại Việt Nam và đi du học gần 2 năm tại Singapore, cô gái Nguyễn Kiều Oanh mới phát hiện ra được sở thích ngành nghề của mình và mạnh dạn từ bỏ đại học để vào học vào một trường cao đẳng nghề với ngành nghề mình yêu thích.

Nguyễn Kiều Oanh cho biết: "Khi học ở phổ thông, em không có sự định hướng về nghề nghiệp nên khi em thi cũng chọn đại vào trường đại học. Sau khi học hơn 1,5 năm đại học Việt Nam và 2 năm du học với ngành nghề mình không yêu thích, em đã quyết định từ bỏ đại học và quay về nộp hồ sơ đăng ký vào học trường nghề với ngành học yêu thích".

Tương tự, cô gái Lê Thị Hương dù đã có hai bằng đại học với chuyên ngành về luật kinh doanh và triết học, thế nhưng sau một thời gian đi làm, Hương cảm thấy không thích và không phù hợp nên quyết định nộp hồ sơ vào trường trung cấp nghề với ngành nghề mình yêu thích.

Lý giải về những cú rẽ ngang này, trả lời truyền thông, Thạc sĩ Lê Hồng Việt, Trưởng ban tuyển sinh Trường Cao đẳng Kent Internaitional College là mà một trong hai cô gái nói trên đã chọn để rẽ ngang cho biết, có rất nhiều sinh viên sau khi vào học được 1-2 năm ở các trường đại học thì đã chuyển sang Kent học cao đẳng.

"Khi chúng tôi tiếp xúc với sinh viên thì các bạn chia sẻ ở trường đại học chương trình học lý thuyết nặng quá và một phần cũng là do lúc trước ba mẹ các em muốn các em học đại học nhưng khi nhập học, càng học các em càng thấy không phù hợp với mình", ông Việt cho biết.
 
“Vênh” vì thói quen và nếp nghĩ “bề trên” của cha mẹ

Theo lẽ thường, cha mẹ và con cái là những đối tượng gắn bó với nhau bằng tình huyết thống thiêng liêng hoặc bằng sự nuôi dưỡng đầy trách nhiệm và tình cảm. Cha mẹ nhìn thấy hình ảnh của mình, của vợ/chồng mình, của tương lai một tổ ấm gia đình hạnh phúc, phát triển qua đứa trẻ đang lớn lên từng ngày.

Vì mối quan hệ đặc biệt gắn bó với chức năng sinh sản, nuôi dưỡng - vốn là chức năng cơ bản của gia đình - nên cả ở góc độ xã hội và luật pháp cha mẹ đều có những quyền và trách nhiệm được quy định với con cái của mình. 

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bậc cha mẹ đã sử dụng quyền của cha mẹ “nhào nặn” con theo ý của mình mà việc chọn nghề nghiệp tương lai cho con là một ví dụ. Và cũng chính điều này đã tạo ra mâu thuẫn âm ỉ, khó giải quyết giữa cha mẹ và con.

Theo các chuyên gia, phần lớn những mâu thuẫn này bắt nguồn từ khi con cái bước vào tuổi thành niên, là lứa tuổi hình thành tính cách và ngấp nghé hướng tới tương lai.

Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con tuổi vị thành niên như: do sự phát triển của xã hội, của các kênh thông tin đại chúng và sự tràn ngập văn hóa, lối sống vị kỷ; do sự chênh lệch về tuổi tác giữa cha mẹ và con; do cha mẹ không được kịp thời trang bị kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, đặc biệt là kiến thức về tâm lý lứa tuổi vị thành niên...  

“Cha mẹ về mặt tâm lý tự cho mình có quyền quyết định tối cao, bắt con phải nghe theo, tự cho mình quyền phạt, đánh con, thậm chí coi thường sự hiểu biết của con. Khi thấy mình sai lại không muốn rút lui ý kiến, sợ mất uy tín với con. Trong khi đó, con ở tuổi vị thành niên muốn tự khẳng định mình đã là người lớn, đã hiểu biết, có nhân cách độc lập nên sinh ra ngang bướng, không chịu nghe theo lẽ phải, cố giữ cá tính, ý thích cá nhân của mình, cho cha mẹ là bảo thủ” – theo chuyên gia.

Chính vì thế mới có nhận định rằng, quyền của cha mẹ và con cái luôn “vênh” giữa luật và đời. Nhưng trên thực tế, sẽ không tồn tại sự vênh nào nếu như các bậc làm cha làm mẹ hiểu rằng luôn có những nguyên tắc chung trong ứng xử giữa cha mẹ với con.

Đề cập đến những nguyên tắc này, theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đó đầu tiên là sự tôn trọng. Khi cha mẹ tôn trọng con thì chính cha mẹ cũng sẽ được tôn trọng. Mối quan hệ sẽ chỉ được duy trì bền vững nếu sự tôn trọng đến từ hai phía. Tuy nhiên, cha mẹ thường có thói quen và nếp nghĩ như những “bề trên”, nghĩa là các con bắt buộc phải nghe theo lời cha mẹ mà hiếm khi cho con cơ hội được bày tỏ bản thân.

Tiếp đến là lắng nghe tích cực vì giữa cha mẹ và con cái, ít nhiều sẽ xảy ra những mâu thuẫn. Cha mẹ cũng thường hay than phiền rằng bọn trẻ thật khó hiểu và ngang bướng. Thực ra đó là vì cha mẹ chưa tạo cơ hội cho con được thấu hiểu. Cha mẹ vì một lý do nào đó mà đôi khi làm ngơ trước những cảm xúc của con cái. Lắng nghe con để hiểu tâm lý của con, để cùng con trải nghiệm những cảm xúc…

Tóm lại, con cái không phải là nơi đặt hết tất cả kỳ vọng cũng như là nơi trút mọi bực bội, hờn ghen của cha mẹ. Vì làm vậy chính cha mẹ khiến các con bị tổn thương. Cách cư xử của cha mẹ phần nào ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nhân cách của con và xa hơn nữa là những tác động đến hôn nhân của chúng sau này. Vì vậy, cha mẹ tôn trọng các con để duy trì một cuộc sống bình đẳng và hòa thuận cùng các con. 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tháng Bảy không phải tháng cô hồn

Chẳng biết từ bao giờ, dân gian lại gọi tháng Bảy là tháng-cô-hồn, trong ý nghĩa đây là tháng xui rủi, đầy những tai ương chờ đón... Rất tiếc, với người được quy y Tam bảo cũng gọi như thế, nghĩ như thế.

Nguồn: Pháp luật Plus