Quyết liệt cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

15/03/2022 07:45

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, các bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, song kết quả chưa như mong muốn. Vì vậy, trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế, chính sách, triển khai quyết liệt các đề án cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau khi thoái vốn nhà nước. Ảnh: Công Hùng

Chưa đạt kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện cổ phần hóa 180 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa. Năm 2021, chỉ có 3 doanh nghiệp được cổ phần hóa nhưng nằm ngoài danh mục Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Về bán cổ phần lần đầu, tổng giá trị thực tế bán được theo sổ sách là 22.748 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy vậy, tổng giá trị thực tế thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với giá bán. 

Cũng trong giai đoạn 2016-2020, đã thu về 177.397 tỷ đồng thông qua thoái vốn, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách. Một số doanh nghiệp thoái vốn được đánh giá thành công như Sabeco, Vinamilk... Song tính chung, mới có 106 doanh nghiệp thoái vốn theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, bằng 30% số doanh nghiệp phải thực hiện, với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách là 6.493 tỷ đồng, bằng 11% tổng giá trị phải thoái vốn. Năm 2021, cũng chỉ có 18 doanh nghiệp thoái vốn, thu về 4.402 tỷ đồng.  

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm là do doanh nghiệp có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai, việc bán vốn nhà nước phụ thuộc vào thị trường và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19... Còn về chủ quan, nhận thức, cách tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa quyết liệt…

Thực tế trên đã cản trở quá trình “lột xác” của doanh nghiệp nhà nước trong khi yêu cầu đặt ra là củng cố, phát triển doanh nghiệp nhà nước để làm điểm tựa cho nền kinh tế. Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, đến nay vẫn thiếu những doanh nghiệp đủ mạnh, đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển theo.

Hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đạt hiệu quả cao sau khi tiến hành cổ phần hóa. Ảnh: Bích Phương

Nâng cao quy mô, hiệu quả doanh nghiệp

Trước yêu cầu tăng tốc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.

Kết luận cuộc họp ngày 14-2 mới đây của Thường trực Chính phủ về dự thảo đề án này, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, các bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, bảo đảm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; duy trì, củng cố và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu tốt. Đồng thời, làm rõ, tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.

Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thủ tướng yêu cầu cổ phần hóa phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, Bộ sẽ tập trung triển khai đề án sau khi được phê duyệt; trong đó củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Đối tượng chính là 17 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế, như năng lượng, công nghiệp, tài chính, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin thêm, tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới hướng đến 3 mục tiêu: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ bản hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước đến năm 2025; đưa ra các tiêu chí phân loại tổng thể xét theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, tính chất hoạt động… nhưng vẫn tính đến các đặc thù riêng biệt để tạo khung pháp lý; tạo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến, các cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ được phân cấp phê duyệt phương án cổ phần hóa, thoái vốn của hơn 1.000 doanh nghiệp cấp 2, 3... 

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, điều quan trọng khi thực hiện các đề án là đổi mới hoàn toàn cơ chế quản lý, tách rời giữa quyền sở hữu vốn và quyền quản lý doanh nghiệp để doanh nghiệp phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo chuyên gia này, cần sự quyết tâm của các bộ, ngành. Đồng thời, cần cụ thể hóa ngành nghề, doanh nghiệp phải tái cấu trúc, thoái vốn hoặc cổ phần hóa hay bán đi, từ đó có kế hoạch, tiến độ cụ thể; nêu cao vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

 Sơn - Hương - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mộc mạc ''cao nguyên trắng''

Nhắc đến Lào Cai, đa phần du khách sẽ nhớ tới thị trấn Sa Pa huyền ảo trong sương. Nhưng có một người “chị em song sinh” khác cũng đẹp không kém, đó là Bắc Hà, được mệnh danh là “cao nguyên trắng” bởi quanh năm được bao phủ bởi hoa lê, hoa mận và mây mù. Sắc trắng mộc mạc trên cao nguyên còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ khiến du khách ngẩn ngơ quên lối về mỗi độ xuân sang.

Xu hướng xuất bản sách bản đặc biệt: Sách hay, vừa đọc vừa ''chơi''...

Xuất bản sách bản đặc biệt đang trở thành xu hướng mới ở nước ta. Nhiều bản sách được thực hiện thủ công, in ấn, bọc bìa cầu kỳ, tinh tế với số lượng có hạn… đã “cháy” hàng ngay khi phát hành. Điều này không chỉ kích thích sự sáng tạo của những người làm sách, mà còn tạo nên một "thú chơi", một nét văn hóa tri thức, thúc đẩy mọi người đến với sách và thưởng thức sách.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1026948/quyet-liet-co-cau-lai-doanh-nghiep-nha-nuoc