Rạo rực những bản tình ca xuân

22/01/2020 20:39

Kinhte&Xahoi “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về…”, Cứ mỗi độ xuân về, lòng ta lại rộn ràng những khúc ca xuân.

Và bao giờ cũng vậy, “Mùa xuân đầu tiên” bất hủ của Văn Cao bao giờ cũng mang đến cho người ta cảm xúc tươi mới như lần đầu chạm ngõ tình yêu, tâm hồn tươi trẻ như bước vào mùa xuân đầu tiên của cuộc đời và như mùa xuân nào cũng như là “đầu tiên” của con người vậy!

Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu. Mà tình yêu đẹp đẽ nhất, cao cả nhất là mối tình riêng gắn với tình yêu Tổ quốc, tình yêu đất nước. Vậy nên trong kho tàng những tình khúc mùa xuân, có một phần không nhỏ được các nhạc sĩ dành viết về tình yêu người lính.

Những bài hát về xuân biên cương, về tình yêu người lính bao giờ cũng rất đắm say, nồng nàn mà khoáng đạt, bao la bởi đó không còn là tình yêu nam nữ bình thường còn mang tầm vóc vĩ đại của tình yêu non sông đất nước.

Hãy hòa cùng không khí náo nức mùa xuân của tình yêu người lính trong “Tình ca mùa xuân” của nhạc sĩ Trần Hoàn: “Và chúng mình yêu nhau, bắt đầu từ độ ấy Em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương Và anh lại ra đi, vui như ngày hội Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa..."

Mùa Xuân là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu nên những khúc ca xuân thường gắn với tình yêu đôi lứa 

Khi hơi xuân lan tỏa khắp đất trời, có một ca khúc luôn náo nức ngân vang trong tim ta là “Một mùa xuân nho nhỏ” của nhạc sĩ Trần Hoàn (phổ thơ Thanh Hải).  Bài hát bình dị thắp lên trong tim ta hơi xuân ấm áp, nhân lên trong tâm hồn mỗi người khát vọng được dâng hiến, được sẻ chia. Ca từ giản dị thể hiện niềm khao khát của tác giả được làm một con chim hót, làm nhành hoa, làm một nốt trầm xao xuyến dâng hiến cho cuộc đời. Tuyệt diệu làm sao những cảm xúc mùa xuân.

Không gian thấm đẫm xuân tình của “Tình ca mùa xuân” khiến chúng ta không thể không liên tưởng đến một bản tình ca tương tự - “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Xuân Hồng với ca từ ngọt lịm nhưng lại dạt dào cảm xúc khỏe khoắn vì được dâng hiến sức trẻ thanh xuân cho đất nước: “Khi tạm biệt mùa xuân, anh lính về biên giới. Cô gái vào ca ba. Họ tạm xa từng ngày qua, cùng thiết tha thầm nhớ. Họ vững tin rồi mùa xuân cũng quay về. Ôi hạnh phúc cô thợ ấy, đơn sơ mà thắm nồng! Tình yêu của người lính: lắng sâu nhưng cháy bỏng. Tạm biệt rồi, vẫn đọng những nụ hôn…”.

Cái náo nức, rạo rực của không gian mùa xuân đất trời cũng chính là mùa xuân trong tâm hồn, trái tim mỗi con người

Nếu như trong “Hơi thở mùa xuân” là một không gian xuân lãng mạn, đắm say: “Cho em nắm tay nắm tay anh khi mùa xuân về. Cho em khát khao khát khao anh khi mùa xuân về. Kìa mặt trời mùa xuân rưng rưng sau vai anh. Kìa biển xanh mùa xuân trào dâng dưới chân anh… Mùa Xuân!”

Viết về “bà chúa Xuân” như chữ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, nhạc sĩ Dương Thụ được biết đến với nhiều bài hát nổi tiếng được giới trẻ yêu thích như: “Hơi thở mùa xuân” , “Đánh thức tầm xuân” , “Bài hát ru mùa xuân”…

Thì trong tình khúc “Lắng nghe mùa xuân về”, ta bắt gặp một không khí mùa xuân nồng nàn, ngọt ngào đến thổn thức trái tim, lắng đọng trong mỗi ca từ: “Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé mở. Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở. Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa. Khi anh trông em ung dung bên thềm nhà…” 

Bạn có biết vì sao có những tình khúc mùa xuân lại được nhiều tầng lớp khán giả từ trẻ đến già trân quý đến thế! Thì câu trả lời là đây: Mùa xuân đang hiện hữu trong đất trời của tình khúc đó cũng chính là mùa xuân của tâm hồn, của tình yêu, của cuộc đời.

Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Đi trong hơi thở mùa xuân này, nghe lại những bài ca thấm đẫm hơi thở của mùa xuân, của tiếng chồi non cựa mình, tâm hồn mỗi chúng ta lại rung lên những cảm xúc lạ kỳ, vừa bâng khuâng xao xuyến vừa dạt dào mãnh liệt những khát vọng được vươn xa... 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lên xứ Mường xem tục lạ đón Xuân

Người Mường ăn Tết cổ truyền kéo dài 7 (thực chất là 8) ngày, bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp của năm cũ đến hết ngày mồng 7 tháng Giêng năm mới. Người Mường gọi “Thết Năm mởi”, dịch sang tiếng phổ thông là “Tết Năm mới”, người Kinh gọi là Tết Nguyên đán.

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/rao-ruc-nhung-ban-tinh-ca-xuan-d115651.html