“Sân chơi” nào cũng cần chuẩn mực!

12/12/2021 09:12

Kinhte&Xahoi Nhiều quan điểm cho rằng, thay vì những cuộc cãi vã mang tính… cá nhân bất tận, dù bất kỳ ở đâu, trong bất cứ diễn đàn nào, kể cả trên trang cá nhân, những ý kiến tranh luận đều cần đạt tới những chuẩn mực nhất định! Đó là phải xuất phát từ sự nghiêm túc, tôn trọng người đối thoại và cả những ý kiến trái với mình…

Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Thùy Tiên.

Không “thuận tai, thuận mắt” là… dậy sóng!

Gần đây nhất, chiều 6/12, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một giảng viên đại học chê tân Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Thùy Tiên. Cụ thể, giảng viên này tên D, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ kiêm Trưởng khoa của một Trường Đại học lớn tại TP.HCM.

Đăng ảnh Thùy Tiên và một học trò của mình, giảng viên D bày tỏ: “Không hiểu ban giám khảo có mù không mà sao chọn hoa hậu gì xấu dữ vậy? Thua xa nữ sinh viên trường..., thua học trò mình khoa..., ngành... khóa 2004 của ĐH... TPHCM, là N.K, hiện giờ là phóng viên Đài truyền hình...”.

Trong đêm chung kết, Thùy Tiên được đánh giá cao bởi những màn trình diễn ấn tượng cũng như phần trả lời đầy thông minh trong phần thi hùng biện, ứng xử và đặc biệt là màn “đối đầu” cùng người đẹp Ecuador trong vòng đấu loại cuối cùng.

Thế nhưng, ngay sau khi cô đăng quang, như thông lệ là những tin đồn thất thiệt bởi mua giải từ một người chị của hoa hậu Đại dương. Và chính trang chủ “Miss Grand International 2021” đã lên tiếng bảo vệ tân hoa hậu của mình về điều này. Thế rồi, tiếp đó là phát ngôn từ nhà giáo, một vị PGS khiến dư luận dậy sóng. Những lời lẽ này được cho là xúc phạm Thùy Tiên và chiến thắng cô mang về cho quê hương. Mặc dù giảng viên D đã nhiều lần chỉnh sửa bài đăng, xóa đi những từ ngữ mạnh, thậm chí là xóa hẳn bài đăng nhưng vẫn bị dư luận lên án mạnh mẽ.

Giảng viên D cho rằng Thùy Tiên “quá xấu”, giám khảo Miss Grand International “như mù”. “Mỗi người đều có nhận xét khác nhau. Cái tôi thấy đẹp thì nhiều người lại không thấy. Khen chê là điều tất nhiên trong cuộc đời này. Khi đăng tải lên tôi cũng không nghĩ câu chuyện sẽ đi xa đến thế, chỉ tính đùa cho vui thôi”. Giảng viên D cũng cho biết, dù đã xin lỗi và gỡ bài nhưng vẫn có nhiều người, trong đó có cả học trò của mình vào trang cá nhân xúc phạm. Nam giảng viên mong tình trạng này chấm dứt để yên tâm giảng dạy. “Thật lòng tôi không nghĩ câu chuyện đi quá xa, một người thì sẽ người này khen và người khác chê là chuyện bình thường. Có lẽ tôi không có con mắt thẩm mỹ nên chưa nhìn thấy cái đẹp. Vì vậy, có lời bình luận không chuẩn mực”...

Có thể nói, không ai cấm người khác bày tỏ quan điểm của mình về thẩm mỹ, đẹp - xấu, bởi cái đẹp trong mắt mỗi người! Thế nhưng, cũng giống như trước đây, một nhà báo đã chê làn da nâu khi Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê đăng quang… Ở đây là câu chuyện khi đàn ông luôn cho mình quyền đùa vui, phán xét về nhan sắc của phụ nữ! Điều đáng nói, những “câu đùa” khiếm nhã ấy khá phổ biến trong cuộc sống, không loại trừ những người có trình độ học vấn cao hay thấp… Họ có thể chê bai từ cô gái thoáng lướt qua trên đường, cho tới hoa hậu của những cuộc thi quốc tế có uy tín.

Trên đây, chỉ là một ví dụ cho những tranh luận, nhận xét từ khiếm nhã cho tới ác ý không chỉ trên mạng xã hội. Bởi lẽ, ngay cả những nhận xét vu vơ cũng có thể tạo nên một cơn bão tố, một trận cuồng phong, có thể đẩy người khác tới trầm cảm, thậm chí là cái chết cho những điều trời ơi đất hỡi… Nói như vậy, để thấy, mỗi con người cần có trách nhiệm với những “phản biện” của mình…

Một đơn cử khác, GS Võ Tòng Xuân là một chuyên gia nông học được cả thế giới nể trọng. Còn nhớ chục năm về trước, ông có viết 1 bài báo, xem xét bỏ Tết cổ truyền, ăn Tết theo dương lịch như các nước phương Tây. Lập luận của ông là Tết này thật sự theo nông lịch, nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ xem đây là một kỳ nghỉ ba ngày. GS Xuân cho rằng, chúng ta nghỉ tết, thật sự là quá dài. Trước tết thì đã mất 1 tháng với tâm lý đã tháng chạp, lúc đó chúng ta bắt đầu quên dương lịch, toàn tính theo ngày âm, rằng bữa nay là mùng mấy tháng chạp rồi?… Sau Tết thì với quan niệm còn mùng còn ăn chơi, còn Giêng còn ăn chơi, nên mất coi như 2 tháng. Đơn hàng xuất khẩu đi các nước khác sẽ bị thiệt hại, chúng ta sẽ bị chậm lại quá lâu so với nhịp chung của thế giới…

Vừa đăng lên, ông bị “ ném đá” rần rần. Thậm chí, những năm gần đây, cứ dịp Tết đến Xuân về, quan điểm này lại được đào xới lại để… “ném đá” rùm beng. Đây là thực tế ở Việt Nam, bất cứ điều gì nghe không thuận tai là những trận cuồng phong diễn ra. Và tất cả chỉ có thể hạ nhiệt khi có một “mâm cỗ” mới nổ ra, liên tiếp đến khôi hài.

Rào cản tâm thức độc đoán khó thay đổi một sớm, một chiều

Theo nhà báo Hồng Lam, càng ngày, những vấn đề chính trị, thời sự của xã hội đất nước càng được quần chúng nhân dân quan tâm nhiều hơn, bàn luận nhiều hơn. Gia tăng không khí tranh biện sôi nổi có thể xem là một tín hiệu tích cực, dân chủ trong lộ trình phát triển văn hóa xã hội. Nhưng văn hóa tranh biện đang bộc lộ những lỗ hổng, những khiếm khuyết, lệch lạc… khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều. Điều này xuất hiện không chỉ trên mạng xã hội mà ngay cả trên báo chí và hệ thống truyền thông chính thống. Người ta dễ thấy rằng người Việt đang trong giai đoạn thiếu, hoặc yếu nền tảng văn hoá tranh luận. Chúng ta chỉ có ngôn từ để cãi vã và hơn thua.

 

Phản biện cũng cần phải học! (Ảnh minh họa)

Nếu như chúng ta cứ nhìn vào tốc độ chóng mặt của các cuộc… bỉ bôi thì đã ngỡ xã hội có một tinh thần phản biện chẳng thua kém gì các nước phương Tây. Thế nhưng, điều đáng nói, ở các nước này, lưu lượng của những tranh luận cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh, văn minh. Đó là, cũng như trong một cuộc đấu võ, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc tranh luận có qui tắc hẳn hoi, mà trong đó người tham gia không được, hay cần phải tránh, phạm luật chơi. Những qui tắc chung và căn bản là người tham gia chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, hẹp hòi. Để đạt những yêu cầu này, người tranh luận nghiêm túc trước khi phát biểu hay đề xuất ý kiến, đưa ra lời bình phẩm của mình, cần phải xem xét tất cả các trường hợp khả dĩ. Như thế, mỗi người khi tranh luận, phản biện thì cần chuẩn bị bằng trí tuệ, sự thông hiểu và được chuyển tải một cách chuyên nghiệp, có văn hóa.

Do đó, dù bất kỳ là ở đâu, trong bất cứ diễn đàn nào, kể cả trên blog, những ý kiến tranh luận đều cần đạt tới những chuẩn mực nhất định và phải xuất phát từ sự tôn trọng người đối thoại và cả những ý kiến trái với mình.

Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định, trong xã hội chúng ta, di sản văn hóa Nho giáo vẫn còn rất đậm nét. Ta vẫn còn mang mầm tư duy độc đoán ngay trong tâm thức của mình và thường bê nguyên sự độc đoán đó vào để áp đảo người đối thoại. Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp của người Việt, có một tâm lý cơ bản hiện rõ khi tham gia tranh luận, đó chính là tâm thế hiếu thắng, không tôn trọng người đối thoại. Ðể hoạt động phản biện xã hội với ý nghĩa tích cực, trước hết có một nguyên tắc cần tuân thủ là phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng, quốc gia làm mục đích. Mọi cuộc tranh luận vì vậy cần được diễn ra trên cơ sở đối thoại hiểu biết, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau.

“Để tranh luận và phản biện không dẫn đến tổn thương xã hội, chúng ta cần phải có văn hóa phê bình thật sự. Ý thức văn hóa phải bắt đầu từ dạy và học cơ bản, bằng những quy ước xã hội được đưa vào các cấp giáo dục, các hoạt động văn hóa - xã hội. Chúng ta không hy vọng sẽ có được văn hóa phê bình trong ngày một ngày hai. Có thể phải trải qua vài thế hệ, những đánh giá, nhận xét mới có thể ổn định trong văn hóa phê bình”, luật sư Hà hải nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh bày tỏ, trong một thời gian dài, xã hội chúng ta vẫn đề cao nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, lấy số đông làm chuẩn, coi chân lý thuộc về số đông. Phần nào nghiễm nhiên yếu tố cá nhân sẽ bị coi nhẹ. Tuy nhiên, hầu hết các phát kiến, sự sáng tạo, sự thay đổi đều mang dấu ấn cá nhân, đánh dấu vị thế tiên phong của người phát kiến. Ủng hộ nó thường chỉ là một thiểu số. Khi xuất hiện, bao giờ nó cũng gây hoài nghi, tranh cãi, thậm chí sẽ bị công kích dữ dội bởi đa số đã quen thuộc với một thực tế được định dạng. Bởi vậy, việc thiếu suy xét khách quan không thể tạo ra văn hóa tranh luận được. Do đó, khi chưa có được sự tranh luận đúng nghĩa, cởi mở thì sự phát triển sẽ vẫn có những rào cản. Chúng ta chỉ mới bắt đầu vào xã hội hiện đại nên vẫn mang tàn dư của một xã hội tiểu nông, thậm chí cả xã hội phong kiến khi hành xử. Muốn có một nền văn hóa tranh luận, chúng ta phải tự tháo dỡ những rào cản tư tưởng này…

Luật An ninh mạng quy định rõ những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử như: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…

Những quy định của Luật không xâm phạm đến quyền con người, không cản trở tự do ngôn luận, không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của cá nhân, tổ chức như những thông tin trên mạng xã hội, blog, web phản động tuyên truyền, xuyên tạc. Thực hiện đúng Luật nghĩa là bảo vệ chính mình, người thân và gia đình, đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia. 

Phương Uyên - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tại sao phim hoạt hình Việt vẫn “xa rời” khán giả?

Trong giai đoạn dịch bệnh, thị trường phim hoạt hình trên thế giới vẫn sôi động với nhiều bộ phim tạo dấu ấn khó quên trong lòng khán giả. Thế nhưng sản xuất phim hoạt hình Việt hầu như bị “thụt lùi”, chưa tạo được dấu ấn nào khi ra rạp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/san-choi-nao-cung-can-chuan-muc-d172572.html