Ngay sau khi chứng kiến cảnh thanh long ế ẩm do dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid - 19), ông “vua” bánh mì Kao Siêu Lực ở TP Hồ Chí Minh đã nảy ra ý tưởng làm bánh mì thanh long.
Không ngờ, ngay sau khi ra mắt, sản phẩm bánh mì thanh long được người tiêu dùng ưa chuộng, doanh nghiệp của ông Lực đang có kế hoạch mua thêm 200 tấn thanh long để làm bánh mì. Đồng thời, ông cũng chia sẻ rộng rãi công thức để nhiều người làm được, giúp thúc đẩy tiêu thụ thanh long trong bối cảnh dịch virus corona vẫn diễn biến phức tạp.
Sản phẩm bánh mì thanh long của cơ sở Thanh Thủy (Phan Thiết, Bình Thuận). Ảnh: Báo Bình Thuận.
Sau thành công của ông Lực, nhiều cơ sở cũng bắt tay vào sản xuất bánh mì thanh long. Tại "thủ phủ" thanh long Bình Thuận, cơ sở bánh mì Thanh Thủy ở phố Trần Hưng Đạo (TP.Phan Thiết) cũng đã làm được bánh mì thanh long.
Chủ cơ sở, ông Trần Phúc Thuận cho biết, cơ sở của ông sản xuất được nhiều loại bánh mì từ thanh long, trong đó, có loại to, dài giá 10.000 đồng/cái. Ngoài ra, còn có bánh mì dạng tròn, hình hoa sen hoặc bánh mì dẹp, nhỏ bán đồng giá 5.000 đồng/cái.
Bắt tay vào sản xuất từ ngày 14/2/2020, đến nay, sản phẩm mới của cơ sở Thanh Thủy đã được nhiều người đón nhận.
Nhờ những nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân trong thúc đẩy tiêu thụ thanh long, hiện giá thanh long ở nhiều địa phương đã tăng trở lại.
Ông Kao Siêu Lực - người đầu tiên làm bánh mì thanh long. Ảnh: I.T
Ông Trương Quan An - Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) - cho biết, giá thanh long đã phục hồi trở lại. Cách đây khoảng 5 ngày, thanh long ruột đỏ tại địa phương được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg.
“Đến hôm nay, thanh long ruột đỏ được thương lái mua xô tại vườn giá 25.000 đồng/kg", ông An nói. Với mức giá thanh long như vậy, nông dân lãi khoảng 10.000-12.000 đồng/kg tùy vào sản lượng của mỗi vườn.
Tương tự, tại Bình Thuận, ông Võ Huy Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cũng thông tin, giá thanh long thu mua tại vườn ở tỉnh này đang tăng mạnh.
Ông Hoàng cho biết, sau Tết Nguyên đán giá thanh long ở Bình Thuận giảm mạnh, có thời điểm còn 4.000 đồng/kg. Song, hôm nay giá đã tăng lên mức 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân là bởi dịp này thương lái tăng thu mua, trong khi thanh long đã bước vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch nên khan hàng hơn.
“Với mức giá bán thanh long như hiện nay, các nhà vườn ở Bình Thuận không còn thua lỗ mà bắt đầu có lãi nhẹ”, ông Hoàng nói.
Các cơ sở kinh doanh ở Bình Thuận đã thu mua thanh long trở lại. Ảnh: I.T
Theo Phòng NNPTNT huyện Hàm Thuận Nam, đến ngày 15/2, tất cả các cơ sở kinh doanh thanh long trên địa bàn huyện đã mở cửa hoạt động trở lại, đã đẩy giá thanh long tăng nhanh. Hiện tại, lượng trái chín đợt này tại Hàm Thuận Nam không nhiều nên các đơn vị đã đi mua hàng ở các nơi trong tỉnh.
Thời gian vào cuối tháng 2/2020, từ ngày 24 -29/02, toàn tỉnh có một đợt thanh long chín nhiều với hơn 10.000 tấn.
Trước đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thanh long không thể xuất sang Trung Quốc, thậm chí doanh nghiệp Trung Quốc đã hủy đơn hàng 300 container thanh long khiến chính quyền địa phương cũng như nhiều nhà kho thu mua thanh long ở tỉnh Tiền Giang và Long An phải tổ chức cuộc họp bàn cách khắc phục những khó khăn trong việc phân phối và tiêu thụ mặt hàng này.
Tại Long An và Tiền Giang, sản lượng thanh long cho thu hoạch lên tới gần 100.000 tấn.