Sau vụ làm xăng giả của Trịnh Sướng: Quy trình kiểm tra “giúp” che đậy sai phạm?

14/06/2019 09:07

Kinhte&Xahoi Hàng trăm cuộc thanh tra đã được tiến hành mỗi năm nhưng không có một dấu hiệu sai phạm nào được nhắc đến trước khi vụ án Trịnh Sướng làm xăng giả bị Công an phanh phui. Phải chăng do thủ tục báo trước trước khi tiến hành kiểm tra đã “giúp” các cơ sở kinh doanh xăng dầu kịp che đậy sai phạm?

Hoạt động kiểm tra chất lượng xăng dầu đột xuất, bất ngờ sẽ giúp phát hiện kịp thời các sai phạm nếu có.

“Quần” liên tục nhưng không tìm ra lỗi

Chỉ sau khi vụ án làm xăng giả của nghi can Trịnh Sướng ở Đắk Nông, Sóc Trăng chính thức bị khởi tố, các đơn vị liên quan đến quản lý chất lượng xăng dầu mới… biết có chuyện này. Kỳ lạ hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đơn vị chủ trì kiểm tra chất lượng xăng dầu còn thông tin cho biết, đơn vị này vẫn tiến hành thanh tra, kiểm tra chất lượng xăng dầu đều đặn hàng năm. 

Cụ thể, thông tin về hoạt động thanh tra xăng dầu, ông Trương Hồng Dương, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho hay, năm 2018 đã có nhiều địa phương tiến hành hoạt động thanh tra như Đồng Nai (thanh tra 100 cơ sở), Sóc Trăng (57 cơ sở), Khánh Hoà (90 cơ sở), Bình Định (89 cơ sở), Đồng Tháp (84 cơ sở), Đà Nẵng (62 cơ sở), Vĩnh Long (54 cơ sở), Hà Tĩnh (51 cơ sở). Trong đó, các địa phương xử phạt nhiều là Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Định. 

Thậm chí, một đại diện Sở KH&CN Sóc Trăng còn cho biết, đơn vị này đã từng kiểm tra một số cơ sở thuộc Công ty TNHH Mỹ Hưng của Trịnh Sướng nhưng thời điểm thanh tra, kiểm tra không phát hiện ra vấn đề gì. Vị đại diện này nói, do các cuộc thanh tra, kiểm tra đa phần đều có báo trước nên có thể các đối tượng làm giả xăng dầu đã có phương án đối phó. Và để có thể thực hiện một cuộc thanh tra đột xuất phải có nguồn tin và dấu hiệu nghi ngờ mới có thể tiến hành đột xuất. 

Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông cũng đã tiến hành 2 đợt thanh tra chuyên ngành ghi nhãn hàng hóa, chất lượng xăng, dầu (vào tháng 6/2018) và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng xăng, dầu (vào tháng 9/2018) với 28 cơ sở kinh doanh tại địa phương. Trong đó, đợt 1 đoàn thanh tra đã lấy 5 mẫu xăng, dầu tại 4 cơ sở kinh doanh nhưng chỉ phát hiện 1 mẫu xăng vi phạm về chất lượng. Đợt 2, đoàn kiểm tra lấy 9 mẫu xăng, dầu nhưng tất cả đều đảm bảo chất lượng.

Lý giải về vấn đề không phát hiện xăng, dầu giả, lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, việc thanh tra được thực hiện theo kế hoạch và phải thông báo cho các cơ sở kinh doanh biết. Do đó, có thể các đơn vị này có biện pháp đối phó. Phải chăng chính là “lỗ hổng” khiến cho hàng trăm cuộc thanh tra mỗi năm cũng không mang lại kết quả gì? 
 
Cấp tập thanh tra đột xuất

Ngay sau khi sự việc tiêu thụ xăng giả ở Đắk Nông được phát giác, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công Thương) đã yêu cầu Cục QLTT Đắk Nông báo cáo về hoạt động kiểm tra kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh này. Báo cáo từ Đắk Nông cho thấy, đầu năm 2019, qua công tác quản lý địa bàn, lực lượng  này thấy một số cột bơm của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngưng hoạt động vì bị niêm phong. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Sơn, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Đắk Nông, chưa thể khẳng định những cột xăng này có nằm trong đường dây tiêu thụ xăng giả liên quan đến vụ án Trịnh Sướng hay không.

Ông Sơn cũng khẳng định, lượng xăng giả, hóa chất mà lực lượng Công an bắt giữ trong chuyên án liên quan Trịnh Sướng vừa qua chủ yếu trên địa bàn các tỉnh khác, thành phố khác. Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông lực lượng Công an chỉ phát hiện một số lượng xăng giả A95 đã được pha trộn và được vận chuyển từ các tỉnh khác về để kinh doanh.

Được biết, sau khi vụ án làm xăng giả chính thức được khởi tố, Bộ KH&CN đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có thông tin, nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm về chất lượng xăng dầu và tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để xử lý theo quy định của pháp luật. “Lưu ý tập trung lấy mẫu tại các điểm là bể chứa xăng dầu để tăng khả năng phát hiện gian lận về chất lượng”, văn bản chỉ đạo do ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH&CN) ký nêu rõ.

Về phía Tổng cục QLTT cũng vừa có quyết định kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở một số tỉnh thuộc miền Trung Tây Nguyên và miền Nam. Theo đó, Tổng cục QLTT chủ trì, phối hợp Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Cục QLTT và Sở KH&CN tại địa phương nơi kiểm tra tiến hành thanh tra đột xuất. 

Trao đổi với PLVN, Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục sẽ tổ chức 5 đoàn, thực hiện kiểm tra trong tuần tới. Các đơn vị, doanh nghiệp nằm trong kế hoạch kiểm tra sẽ không được báo trước, thậm chí Cục QLTT địa phương cũng chỉ được biết danh sách các điểm kiểm tra vào sát thời điểm tiến hành kiểm tra. 

 Theo Pháp luật Plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đầm Sen không có tội

Sen là loài hoa tinh khiết dù mọc từ đáy bùn và vươn lên mặt nước tỏa hương sắc cho đời. Hoa sen biểu tượng tinh khiết của Phật giáo và là Quốc hoa của dân tộc.

Du lịch tâm linh thế nào để không phản tác dụng?

Thời gian gần đây, ở Việt Nam, chúng ta mới nghe nói nhiều đến cụm từ “du lịch tâm linh”, nhưng thực ra đó là cụm từ không mới ở nhiều quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa, tôn giáo, từ phương Đông tới phương Tây. Vấn đề quan trọng ở chỗ làm sao để du lịch tâm linh thực sự trở thành nơi con người tìm về với đức tin, nguồn cội để dưỡng thiện tâm hồn mình, thay vì bị động cơ trục lợi “lấy thánh, thần ra kinh doanh” làm biến tướng…