Những ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nếu việc khoanh vùng, cách ly không được thực hiện nghiêm túc rất có thể lây lan ra cộng đồng.

Thông tin nhiều trường hợp thuộc diện phải cách lý tại tâm dịch ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua đã rời nơi cư trú khiến dư luận không khỏi lo lắng và đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý cư trú, cách ly. Tình trạng này cũng diễn ra tại một số điểm cách ly ở những tỉnh biên giới giáp Trung Quốc.

Nhiều trường hợp thuộc diện phải cách lý tại tâm dịch xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã rời nơi cư trú.

Về vấn đề này, Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội để phân tích rõ hơn dưới góc nhìn pháp lý.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với các bệnh thuộc nhóm A, khai báo y tế và cách ly người bệnh là một trong những biện pháp hành chính đầu tiên khi có dịch để bảo đảm an toàn, ngăn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, có nhiều người dân không ý thức được hết tầm quan trọng của việc phải cách ly y tế và việc tự ý bỏ đi khỏi nơi cách ly, có thể sẽ phải đối mặt với nhiều mức phạt hành chính, thậm chí là bị xử lý hình sự.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Điều 8 nghiêm cấm các hành vi như: “Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Ngoài ra, Điều 8 cũng quy định: Người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn phải có trách nhiệm: Khai báo trung thực diễn biến bệnh; Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các mức xử phạt hành chính đối với từng hành vi cũng được quy định rõ ràng. Tại Điều 6, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Ngoài mức phạt cho hành vi không khai báo bệnh, còn ở mức độ nặng hơn nữa là hành vi che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác.

Theo Khoản 2, Điều 6, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định, cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cá nhân nào phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch mà không khai báo hoặc che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác thì đều bị xử phạt theo quy định như trên.

Mức phạt có thể tăng cao từ năm tới 10 triệu đồng khi có một trong các hành vi: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo khoản 3 của điều luật nêu trên (Theo Điều 10 của Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư cũng nhấn mạnh, ngoài hành vi không khai báo, bỏ trốn khỏi khu vực cách ly để lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng thì tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, phạt mức 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm với một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Mức xử lý hình sự từ 5-10 năm khi phạm tội một trong các trường hợp sau: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Y tế; Làm chết người. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10-12 năm: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Làm chết hai người trở lên… Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khách du lịch đến Hà Nội bất ngờ tăng trở lại

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách du lịch trên địa bàn thành phố đến nay đã đạt từ 50-70% so với thời điểm không có dịch COVID-19. Trong đó thị trường du khách đến từ châu Âu tăng mạnh.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/se-xu-ly-hinh-su-nguoi-bo-tron-khoi-khu-vuc-cach-ly-dich-corona-d117623.html