Sim ''rác'' vẫn tồn tại

16/06/2020 17:11

Kinhte&Xahoi Việc 3 nhà cung cấp dịch vụ di động Viettel, VinaPhone, MobiFone cùng cam kết dừng phát hành sim mới tại các đại lý, điểm bán ủy quyền từ ngày 1-6 thể hiện quyết tâm ngăn chặn nạn sim “rác” gây bức xúc bấy lâu nay. Tuy nhiên, sau 15 ngày thực hiện việc này, nhiều cửa hàng, đại lý sim thẻ vẫn bán sim đã kích hoạt, điều này đòi hỏi các nhà mạng và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát và quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Người dân vẫn dễ dàng mua sim “rác” tại một số cửa hàng bán sim thẻ điện thoại trên địa bàn Thủ đô.

Vẫn dễ dàng mua sim “rác”

Ngày 12-6, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số cửa hàng bán sim thẻ điện thoại trên địa bàn Thủ đô cho thấy việc mua sim “rác” đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ vẫn rất dễ dàng. Người mua chỉ cần yêu cầu số thuê bao của nhà mạng nào là nhận được sim có thể nghe gọi được luôn.

Sáng 12-6, tại cửa hàng bán sim thẻ trước tòa nhà N5D Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) phóng viên chứng kiến 2 trường hợp là một khách hàng trả 90.000 đồng mua sim Viettel 4G và một người trả 600.000 đồng mua một sim VinaPhone để sử dụng ngay. Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều không làm thủ tục đăng ký, khai báo thông tin thuê bao. Điểm khác nhau là sim giá trị 90.000 đồng phải nạp tiền hằng tháng, còn sim 600.000 đồng có thể dùng trọn gói cả năm không phải nạp tiền.

Còn tại điểm bán sim thẻ ở ngõ 205 phố Tây Sơn (quận Đống Đa), người bán hàng cho biết, sim rẻ nhất của VinaPhone có giá 60.000 đồng, mua thêm thẻ nạp 20.000 đồng là có thể gọi điện, nhắn tin. Khi được hỏi thủ tục đăng ký sim thế nào, chủ cửa hàng cho hay, toàn bộ sim bán đã đăng ký kích hoạt sẵn, muốn mua sim mới để đăng ký tên chính chủ thì đến các địa điểm cung cấp dịch vụ của các nhà mạng.

Tương tự, tại điểm bán sim điện thoại Thủy Linh (cổng sau Trường Đại học Thủy lợi, quận Đống Đa), khách hàng được thoải mái lựa chọn sim giá rẻ đã kích hoạt sẵn của cả 3 nhà mạng. Theo người bán hàng, nếu muốn đăng ký tên chính chủ, khách hàng phải trả thêm phí dịch vụ 30.000-50.000 đồng để cửa hàng mang đi chuyển đổi cho khách.

Sinh viên Nguyễn Thị Thu (Trường Đại học Thủy lợi) chia sẻ: "Nhiều sinh viên vẫn lựa chọn sim "rác" để sử dụng nhằm giảm chi phí. Nếu người sử dụng chỉ dùng sim loại này để liên lạc thì không ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu dùng cho mục đích rao vặt, quảng cáo trái phép, bán hàng hay đe dọa, đòi nợ... thì nó trở thành “rác” viễn thông. Để bảo đảm sử dụng sim điện thoại đúng mục đích, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc mua, bán, đăng ký thuê bao chính chủ".

Trung tâm kinh doanh VNPT - Hà Nội đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng

Nhà mạng quyết liệt vào cuộc

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều khẳng định đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời đưa ra một số giải pháp. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel Tào Đức Thắng, năm 2020, Viettel đã dừng giao chỉ tiêu phát triển thuê bao mới mà tập trung phát triển thuê bao phát sinh data (dữ liệu) chuyển đổi từ 2G lên 3G, 4G.

Còn Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT) Nguyễn Trường Giang thông tin, cùng với dừng phát hành sim mới trên kênh phân phối, VinaPhone đẩy mạnh phương án bán sim, đăng ký thông tin thuê bao trực tuyến, tại địa chỉ: http://freedoo.vnpt.vn hoặc http://vnpt.com.vn/.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Bùi Sơn Nam cho biết đã hoàn thiện kênh tiếp nhận yêu cầu của khách hàng online. Với việc dừng phát hành sim mới trên kênh phân phối kể từ ngày 1-6-2020, MobiFone tin rằng sẽ ngăn chặn, xử lý sim rác, bảo đảm độ chính xác thông tin thuê bao, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội.

Về tình trạng vẫn còn một số đại lý cố tình bán sim "rác", các nhà mạng khẳng định sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm trong thời gian tới. Cùng với đó, để giải quyết triệt để nạn sim "rác", nhà mạng rất cần Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) có hướng dẫn về việc thu hồi sim tồn từ các kênh phân phối. Thêm nữa, việc thực hiện dừng phát hành sim mới trên kênh phân phối cần thực hiện đồng bộ ở các nhà mạng. 

Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Văn Tuấn, đây là thời điểm các nhà mạng thay vì tập trung phát triển thuê bao nên chuyển sang nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dùng, tăng uy tín cho chính doanh nghiệp. Để ngăn chặn hiệu quả sim "rác", cơ quan quản lý cũng như các nhà mạng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ngoài ra, cần thực hiện cơ chế đối chiếu, rà soát và kiểm tra chéo giữa các doanh nghiệp để có kết quả tốt nhất và minh bạch.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xuất bản điện tử: Hướng đến chuyên nghiệp

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mức độ phổ biến thiết bị di động thông minh, tưởng rằng xuất bản điện tử nước ta sẽ phát triển mạnh, song hành với xuất bản truyền thống, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Thế nhưng, thời gian qua, xuất bản điện tử vẫn khá trầm lắng do còn nhiều rào cản cần vượt qua để hướng đến hoạt động chuyên nghiệp, bắt kịp xu thế của thế giới và nhu cầu đời sống.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/970180/sim-rac-van-ton-tai?fbclid=IwAR2y_7tB6SljG4p8GAMc_XR4oBtM8rLVOMstAn_3HwDA8jCfe-0B_KUfQNM