Sự hy sinh thầm lặng của những "chiến binh áo trắng" Kỳ 3: Hơn cả lời tri ân những “chiến binh áo trắng”

27/02/2022 09:02

Kinhte&Xahoi Gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình, lực lượng y tế đi vào tâm dịch. Trong hành trình gian nan ấy, họ cũng đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình bị nhiễm bệnh và có người đã ra đi mãi mãi.

Không thể đong đếm hết những hy sinh

 Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà chia sẻ: “Trên chặng đường khó khăn đã qua, ngành Y tế Thủ đô chưa bao giờ đơn độc. Chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn từ Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã luôn dành cho Hà Nội một sự hỗ trợ đặc biệt từ vắc xin đến thuốc điều trị bệnh nhân và nhân lực y tế. Vì bảo vệ Hà Nội là bảo vệ trái tim của cả nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo toàn diện, sâu sát, thường xuyên của đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy và các đồng chí lãnh đạo thành phố.

Chúng tôi không thể quên những cuộc họp khẩn của đồng chí Bí thư, các đồng chí lãnh đạo thành phố để chỉ đạo ngành Y tế đưa ra những quyết sách chống dịch đúng đắn, kịp thời nhất tại những thời khắc vô cùng quan trọng. Đó là các quyết định giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố để nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh khi mà Hà Nội chưa được bao phủ vắc xin.

Các lực lượng công an, quân đội đã không kể ngày đêm kiểm soát tình hình an ninh trật tự, kiểm soát việc thực hiện cách ly, phong tỏa... Rồi tất cả các ngành, lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội... đều chung sức chung lòng với ngành Y tế trong trận chiến này.

Chúng tôi hiểu sự vào cuộc quyết liệt, lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn là điều kiện tiên quyết, vô cùng quan trọng để người dân Thủ đô vẫn có cuộc sống yên bình, dù trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất.

Trong suốt hành trình chống dịch, chúng tôi đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái… Để đạt được những thành quả chống dịch của thành phố thời gian qua không thể thiếu sự cảm thông, thấu hiểu và ủng hộ của người dân".

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19

Những tình cảm, tấm lòng đó là nguồn động viên to lớn tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho ngành Y tế Thủ đô trong những thời điểm thách thức nhất của dịch bệnh.

Cần có những chính sách với nhân viên y tế

Không thể miêu tả và ghi hết những cam go, khó khăn, khốc liệt trong phòng chống dịch; Những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là của những y, bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân. Những con người ấy đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí nhiễm bệnh, nhất là trong giai đoạn đầu chống dịch bệnh, vắc xin còn ít.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã đánh giá cao, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế; Chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của họ và các lực lượng tuyến đầu trong thời gian vừa qua.

Các bác sĩ làm việc hết công suất tại phòng điều trị bệnh nhân mắc COVID-19

Với tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của Nhân dân bị dịch bệnh đe dọa, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả những học viên và sinh viên ngành Y ở nhiều địa phương trên cả nước đã hăng hái trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nguy hiểm nhất, nóng bỏng nhất, những nơi Nhân dân cần nhất.

Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều mặt đến đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những người trực tiếp tham gia chống dịch, từ suy giảm sức khỏe thể chất, lo lắng, trầm cảm đến sụt giảm thu nhập, phụ cấp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần nhắc nhở phải quan tâm đặc biệt các chế độ, chính sách đối với những đối tượng này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: “Thời gian tới, trong công tác phòng chống dịch, chúng ta phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Mặc dù những hỗ trợ, phụ cấp đó cũng chỉ là một phần để động viên nhân y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch.

Còn những giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng và hệ thống y tế, trong đó có y tế cơ sở và y tế dự phòng, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thì phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế. Các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, đó là thời gian tới, chúng ta phải nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở”.

Trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, để kịp thời động viên cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ một loạt văn bản hỗ trợ nhân viên y tế. Bộ cũng đã có tờ trình để có giải pháp đối với chính sách nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, không chỉ các trạm y tế mà nhân viên y tế của các thôn, bản, cô đỡ thôn bản cũng cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng

Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề từ 40 - 70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương.

Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Theo đó, nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế về chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành Y tế, đặc biệt là qua 4 đợt dịch COVID-19 vừa rồi, phải đảm bảo điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân viên ngành y.

Phương Thu- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ứng xử văn minh nơi thờ tự

Đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của người Việt Nam, là dịp để mỗi người tưởng nhớ cội nguồn, công đức tổ tiên, tri ân các bậc anh hùng, cũng như gửi gắm mọi điều mong ước về một năm mới tốt lành cho người thân và gia đình. Gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp đó của dân tộc, việc thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự tại Hà Nội đang ngày càng được người dân quan tâm, chú trọng nêu cao ý thức, trách nhiệm, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Bảo đảm một mùa lễ hội văn minh

Lễ hội đầu xuân hằng năm ở các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội thường bị một số đối tượng lợi dụng để tổ chức đánh bạc dưới các hình thức: Xóc đĩa, bài lá, cờ tướng, đá gà… Tuy nhiên năm nay, những hình ảnh xấu này đang được Công an thành phố Hà Nội và chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa, triệt phá để bảo đảm có một mùa lễ hội văn minh.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ky-3-hon-ca-loi-tri-an-nhung-chien-binh-ao-trang-190584.html