Tái diễn tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online

08/09/2022 09:05

Kinhte&Xahoi Trước hàng loạt những vụ lừa đảo khi vay tiền online, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền.

Xuất hiện nhiều trường hợp bị lừa khi vay tiền online

 Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 200 triệu đồng với thủ đoạn vay tiền online.

Cụ thể, vào ngày 26/8/2022, Công an xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai tiếp nhận đơn trình báo của chị T (sinh năm 1994) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online.

Theo đơn trình báo, do có nhu cầu vay tiền, chị T đã lên mạng Internet để tìm kiếm. Sau khi truy cập vào app vay tiền, chị T có đăng ký vay 30 triệu đồng. Để nhận được tiền, chị được nhân viên hướng dẫn phải đóng thêm tiền mới được giải ngân. Sau đó, chị T đã gửi gần 200 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không lấy được khoản vay. Lúc này chị T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Trước đó, ngày 9/6/2022, Công an phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị H (41 tuổi) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online. Theo trình bày của chị H, do có nhu cầu vay tiền nên chị đã vào mạng Internet để tìm kiếm. Sau đó có 1 đối tượng liên hệ, hướng dẫn chị làm thủ tục vay 200 triệu đồng.

Để nhận được tiền, chị H phải đóng phí mới được giải ngân. Chị H đã gửi 117 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không rút được khoản vay. Lúc này, chị H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Người dân cần cẩn trọng trước những ứng dụng vay tiền online

Một trường hợp khác là anh H cũng là nạn nhân của chiêu lừa đảo “vay tiền online”. Gần cuối tháng 4, anh H hốt hoảng tới Công an phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trình báo bị chiếm đoạt 35 triệu đồng.

Anh H cho hay, do cần 70 triệu đồng để giải quyết công việc, anh đã tải ứng dụng vay tiền VPS CASH trên mạng. Làm theo những yêu cầu từ ứng dụng này, anh H vẫn không rút được tiền.

Đang loay hoay không biết làm thế nào thì có một người gọi điện vào số máy điện thoại của anh H tự giới thiệu là nhân viên công ty cho vay tiền. Người này nói đã nhận được yêu cầu vay 70 triệu đồng và yêu cầu anh H phải chuyển 35 triệu đồng để kích hoạt gói vay tiền.

Đối tượng viện dẫn nhiều lý do như đây là tiền "ký quỹ", "bảo lãnh" cho số tiền 70 triệu đồng khách hàng đang muốn vay. Khi nào không có nhu cầu vay, cần trả phía đối tượng sẽ khấu trừ hoặc nếu muốn, kích hoạt xong tài khoản phía công ty sẽ gửi trả lại số tiền trên.

Tin tưởng vào lời giới thiệu, hướng dẫn của đối tượng, anh H đã chuyển 35 triệu đồng, nhưng sau đó vẫn không rút được khoản tiền đăng ký vay. Lúc này, anh H mới biết mình đã bị kẻ gian lừa đảo.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo

 Trao đổi về các thủ đoạn tinh vi trên, đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhấn mạnh: Người dân cần cảnh giác trước các loại hình quảng cáo là "vay tiền dễ dàng, giải ngân ngay trong ngày" thông qua các trang mạng, mạng xã hội. Những lời mời chào vay tiền với "thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân" có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Từ một số vụ việc cụ thể như trên, cơ quan công an đã vạch ra chiêu thức lừa đảo của nhóm tội phạm công nghệ cao này. Các đối tượng lợi dụng uy tín của những ngân hàng, công ty tài chính, lập ra các app, website mạo danh với tên gọi, nội dung "na ná" nhau để dễ bề lập lờ "đánh lận con đen", lừa đảo người thiếu thông tin.

Cụ thể, chúng sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) mời chào, quảng cáo vay vốn với nhiều ưu đãi như thủ tục đơn giản không cần tài sản đảm bảo, giải ngân trong ngày, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp, cho vay ngay cả trường hợp đang có nợ xấu…

Sau đó, đối tượng yêu cầu cài đặt ứng dụng vay vốn online hoặc gửi các đường link vào website cho vay để làm thủ tục đăng ký vay tiền. Tiếp đó, sau khi nhập các thông tin cá nhân, khách hàng sẽ nhận được thông báo phê duyệt khoản vay.

Đến đây đối tượng sẽ tạo ra một số kịch bản như sau: Đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để kích hoạt tài khoản, lệ phí làm hồ sơ vay vốn hoặc bảo hiểm của khoản vay. Thông báo khách hàng nhập sai số tài khoản, cú pháp vay tiền... và yêu cầu nộp tiền “sửa lỗi”.

Trường hợp khách hàng không đồng ý nộp tiền xử lý khoản vay sẽ bị đe dọa là thủ tục khoản vay đã được duyệt nên dù chưa nhận tiền vẫn bị nhắc nợ trên hệ thống dẫn đến khách hàng lo lắng chuyển tiền để được xử lý.

Một nạn nhân bị lừa đảo tới trụ sở công an trình báo (Ảnh: Công an Hà Nội)

Qua những vụ việc lừa đảo xảy ra, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đa phần bị hại là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Bởi thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về việc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước vụ việc trên, một lần nữa, Công an Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Trong thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các quận, huyện, thị xã, nhất là lực lượng Công an cơ sở tăng cường tuyên truyền đến người dân nắm được các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao như trên.

Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao bằng các quảng cáo vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các website, mạng xã hội, ứng dụng vay tiền.

Khi người dân có nhu cầu vay vốn nên tìm đến đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín (ngân hàng, công ty tài chính...) để được hỗ trợ làm thủ tục vay theo đúng quy định pháp luật, nhằm tránh bị kẻ xấu lừa đảo.

Trường hợp thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được giải quyết, xử lý kịp thời. Đặc biệt, người dân không nên đăng ký vay tiền qua các app hay website, mạng xã hội; Không chuyển tiền dưới hình thức nào theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long

Chiều 7/9, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có buổi tiếp Đoàn đại biểu quốc tế dự Hội thảo khoa học quốc tế "20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội", do bà Marie - Laure Lavenir, Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) - cơ quan tư vấn độc lập cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) làm Trưởng đoàn.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tai-dien-tinh-trang-lua-dao-chiem-doat-tai-san-khi-vay-tien-online-205172.html