Tâm thức Tết

22/01/2024 16:14

Kinhte&Xahoi Đã là những ngày tháng Chạp năm Quý Mão, câu chuyện đón Tết Giáp Thìn rôm rả hẳn lên.

Người ta bắt đầu bàn chuyện sắm tết, lên kế hoạch soạn cỗ bàn, quà biếu người thân, tận dụng quãng nghỉ dài ngày đưa cả gia đình đi chơi đâu đó sau những tháng bận rộn... Người háo hức đợi chờ, người hối hả lo lắng, lại cũng có người quay trở lại câu chuyện so sánh giá trị tết Tây, tết Ta vốn được bàn luận sôi nổi một thời. Chuyện ở trên mạng, qua báo chí và cả ngoài đời thực..

Ít ngày trước, tôi đọc được ý kiến về tết của một tác giả thường thấy viết về các vấn đề văn hóa. Vị này nói rằng với mình Tết Nguyên đán mang lại một chút mệt mỏi khi phải đối diện với những màn chúc rượu, những cuộc thăm hỏi xã giao không hẹn trước mà chủ và khách không được thân thiết lắm. Tác giả nêu mong muốn của riêng mình, rằng chỉ muốn tận dụng những ngày nghỉ để nghỉ ngơi, giải trí, nhất là đọc sách... Khi ai đó nói ra cảm nghĩ, mong muốn của riêng mình mà không làm tổn hại đến người khác, ít nhất họ cần được tôn trọng. Ấy vậy mà khi tác giả nói ra những điều trên, có người phê bình người viết là tự kỷ, là “ếch ộp”, “học nhiều mà làm gì”..., “ầm ầm” phản đối chuyện đòi bỏ Tết Nguyên đán dù tác giả không một lời bàn về điều này. Thói quen áp đặt thể hiện thật là mạnh mẽ!

Thực ra thì Tết cổ truyền không phải của riêng ai, cũng không ai có thể đưa ra quyết định “bỏ tết”,“cấm tết” hay định ra khuôn khổ cho việc đón tết nhất nhất phải là thế này thế kia. Những điều liên quan tới cảm nhận về Tết Nguyên đán hay Tết Dương lịch được viết ra trên báo chí, mạng xã hội nên được đón nhận với ý nghĩa chia sẻ cảm xúc cá nhân, từ đó nghĩ về những điều tích cực cần tham khảo, những điều chưa hay mà mình nên tránh.

Xã hội vận động không ngừng, cuộc sống cũng có sự thay đổi nhanh chóng đến mức mà nhiều khi chúng ta không kịp nhận ra. Việc đón tết cũng vậy. Mấy chục năm trước, sát tết là gần như cả Hà Nội dành tâm sức cho nồi bánh chưng, có nhiều gia đình mấy thế hệ dồn tiêu chuẩn thịt, gạo chung một nồi bánh có đến sáu, bảy chục chiếc, phải luộc bằng thùng phuy, mất nguyên đêm hít khói. Lệ tục tùy từng nhà, nhưng nhìn chung là “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ...” rồi như con thoi quanh một vòng hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè thân thiết. Cảnh cắt cử người ở nhà đón khách là phổ biến. Cảnh tốp khách này chưa ra tốp khách khác đã vào, lời chúc “năm sớm...” ran ran giữa lúc chủ nhà bận rộn trút bỏ trà cũ còn chưa kịp nguội để thay trà mới, có khi chưa kịp ngồi ấm chỗ thì khách đã “xin rút”... để còn đi tiếp, cũng đã thành quen. Cảnh bẻ cành ngắt lá mang “lộc” đã không còn là lạ...

Không phải ai cũng cảm nhận được một cách cụ thể về sự thay đổi trong cách đón tết ở mỗi vùng nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Từ lúc nào đó, dù vẫn còn cảnh “chạy tết” nhưng nhìn chung “ăn tết” không còn là nỗi lo canh cánh của các bà các mẹ, và “chơi tết” trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Mâm cỗ tết đã có sự thay đổi nhất định trong số đông gia đình, không nhất thiết phải từng này món, từng này đĩa, từng này tô, đĩa mực xào hay hấp xuất hiện trong mâm cơm đầu năm của gia đình không có gốc gác miền biển cũng không còn lạ. Nhiều nhà dần bỏ thói quen “vòng quanh thành phố” để chúc tết; dành thời gian để nghỉ ngơi thư giãn tại nhà hoặc tổ chức cho con cháu một chuyến đi xa sau quãng dài “ngồi một chỗ” ở trường...

Với sự thay đổi “hai năm rõ mười” nói trên, không phải ai cũng thoải mái đón nhận, thậm chí có ý kiến “định tội” phản truyền thống. Tuy thế, rất khó để không thừa nhận rằng sự thay đổi trong cách đón tết cổ truyền ít nhiều giúp các gia đình tiết kiệm hơn, văn minh hơn, nàng dâu mỗi nhà bớt đi cảnh quá trưa mùng một đã ngập trong đống bát đĩa quanh mình. Các cá nhân có thể vui vẻ hưởng một kỳ nghỉ tết phù hợp với điều kiện, mong muốn, sở thích của mình, miễn là không gây ảnh hưởng xấu cho ai.

Tết cổ truyền năm nào cũng đến. Rồi đây chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến sự thay đổi trong cách chuẩn bị đón tết, “ăn tết”, “chơi tết”. Lớp trẻ sẽ góp phần quan trọng vào sự thay đổi này, có khi kéo thực tế tới một quãng xa hơn nữa so với nét truyền thống theo ý hiểu chung, để rồi một lúc nào đó, có thể đã quá mệt mỏi với nếp sống hiện đại, tất cả lại quay về với giá trị tốt đẹp của truyền thống được trao truyền qua thời gian.

Vũ Ngân - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tôn vinh di sản bằng âm nhạc

Hà Nội được mệnh danh là “Thành phố di sản” với hệ thống di sản phong phú, đa dạng, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Gần đây, cơ quan quản lý đã triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị nhiều di tích, tăng sức hấp dẫn với du khách khi gắn kết với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, phù hợp.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/tam-thuc-tet-656507.html