Tạo sức sống lâu bền cho di sản ca trù Thủ đô

25/12/2022 19:41

Kinhte&Xahoi Sau 12 năm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) của UNESCO, nhiều nghệ nhân gạo cội đã đi xa. Di sản ca trù của Hà Nội đang được tiếp nối với sự góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Điều này được thể hiện rõ trong Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ Ba – năm 2022 do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội.

Tiết mục biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ Ba – năm 2022.

Bước phát triển của ca trù

Trong không gian tầng 1 của Bảo tàng Hà Nội những ngày cuối tuần, những tiếng phách nhịp nhàng, tiếng trống ngân vang của di sản nghệ thuật ca trù thu hút sự quan tâm của hàng trăm du khách. Rất nhiều CLB, giáo phường đã đến tham gia Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba - năm 2022.

Tiết mục biểu diễn ca trù.

Theo BTC, có 48 thí sinh dự thi phần thi cá nhân và 6 tiết mục múa hát tập thể của các nhóm, CLB. Thí sinh nhỏ tuổi nhất là 5 tuổi (trong nhóm múa), cao tuổi nhất là 83 tuổi. Tổng số người tham gia Liên hoan (bao gồm cả người hỗ trợ các phần thi cho thí sinh) là hơn 140 người.

Năm nay, ngoài những tiêu chí chấm giải chung về trang phục, không gian biểu diễn, sự hòa hợp ăn ý, tiêu chí riêng đối với mỗi hạng mục dự thi cũng được chú trọng đặc biệt. Theo đó, tiêu chí đúng lề lối, thể cách luôn được đề cao với tất cả các hạng mục.

Có 56 tiết mục tham gia Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3. 

Các nhóm, CLB đã mang đến Liên hoan 56 tiết mục. Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, các tiết mục tham dự Liên hoan năm nay có nội dung đề tài phong phú, đa dạng. Các nhóm, CLB đã rất nhiệt tình tham dự Liên hoan, có sự luyện tập nghiêm túc. Điều đáng mừng là có những tiết mục được trình diễn bởi 3 thế hệ trong 1 gia đình.

Bên cạnh đó, nhóm Ca trù Đại học FPT được hình thành trên cơ sở phát hiện các nhân tố tiềm năng trong quá trình đưa Ca trù vào giảng dạy ở môn học nghệ thuật truyền thống theo hình thức chính thống. Giảng viên giảng dạy chính là các nghệ nhân Ca trù tại Hà Nội.

Là thí sinh trẻ tuổi tham gia Liên hoan Ca trù năm nay, Nguyễn Thị Huyền My - sinh viên Đại học FPT chia sẻ: "Trước đây, tôi không biết Ca trù là gì nhưng khi tham gia vào CLB của trường được tiếp xúc tập luyện cùng mọi người, tôi thấy bộ môn nghệ thuật này rất thú vị,  những câu hát đem đến cho tôi một cảm giác rất thân thuộc, gần gũi”. 

Trong kho tàng ca nhạc cổ truyền Việt Nam, ca trù là nghệ thuật khó nhất, đòi hỏi sự luyện tập công phu nhất, có sự đóng góp của nhiều thành tố. Thế mà nghệ thuật ấy đã sống lại, biểu hiện một cách đầy đủ và toàn diện trong Liên hoan ca trù Hà Nội lần thứ 3. Đó là điều quan trọng, thể hiện tinh thần bảo tồn, tự phát huy di sản của Thủ đô.

PGS.TS Đặng Hoành Loan, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng Giám khảo 

NNƯT Nguyễn Thị Ngoan (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên) chia sẻ, mấy năm nay, các hoạt động giao lưu, trình diễn bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các thành viên CLB rất nhớ nghề, nhớ sân khấu. Liên hoan lần này là cơ hội để các nghệ nhân và lớp học trò thể hiện tài năng; các câu lạc bộ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến trong truyền dạy. Cũng theo NNƯT Nguyễn Thị Ngoan, những CLB, nhóm nghệ thuật thuộc địa bàn xa cách với trung tâm như Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn thường rất khao khát những cơ hội gặp gỡ, trình diễn như thế này, vừa để nhận thấy những hạn chế hay tiến bộ để khắc phục, phát huy, vừa là dịp tuyên truyền, quảng bá, huy động tình cảm, sự quan tâm của cộng đồng dành cho di sản.

Thế hệ kế cận

Năm 2009, UNESCO đưa Ca trù vào danh mục di sản văn hoá cần bảo vệ khẩn cấp. Từ đó, đến nay, Hà Nội đã từng bước bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù thông qua việc tổ chức các buổi Liên hoan. Tổ chức các chương trình để nghệ nhân Ca trù của Hà Nội đến các địa phương, giáo phường, trường học để giảng dạy. Qua đó, nghệ thuật ca trù được bảo tồn, phát huy, nhiều người được tiếp cận với di sản văn hoá.

BTC trao Giải A cho các thí sinh tham gia Liên hoan.

NSUT Nguyễn Văn Khuê – thành viên Ban Giám khảo chia sẻ: “Từ Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 có thể thấy, thí sinh tham gia không chỉ biết hát nói đủ bài, đủ khổ mà kỹ năng đã nâng cao hơn. Thí sinh có thể hát nhiều thể cách, hát được cả thiếu khổ, dư khổ và gối khổ. Theo dõi Liên hoan trong 1 ngày, tôi thấy được những em nhỏ múa nhiều làn điều rất đáng yêu, nhiều ca nương trẻ có thể hát được các làn điều khó như “Dựng quỳnh – Nói quỳnh”, “Tì bà hành”. Điều này không chỉ chinh phục ban giám khảo mà còn góp phần phát hiện được những nhân tố gìn giữ phát huy di sản ca trù”.

Mặt khác, theo các chuyên gia, liên hoan là dịp nhìn lại thành quả phục hưng Ca trù tại Hà Nội, góp phần vào kết quả thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Ca trù trong đời sống đương đại. Kết quả của liên hoan sẽ là một cơ sở dữ liệu tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản ca trù từ danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" sang danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".

Trong Liên hoan ca trù Hà Nội lần thứ 3: Giải A tập thể được trao cho CLB Ca trù Lỗ Khê; Giải B được trao cho CLB Ca trù Chanh Thôn; Giải C được trao cho CLB Ca trù Hà Thành.

- Giải A cá nhân dưới 18 tuổi được trao cho Tạ Gia Huy (Trống chầu, CLB Ca trù Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam), Nguyễn Hà My (Ca nương tài năng, thí sinh tự do);

- Giải A cá nhân trên 18 tuổi được trao cho Nguyễn Thị Hồng Tâm (Ca nương tài năng, thí sinh tự do), Nguyễn Bá Hanh (Kép đàn tài năng, CLB Ca trù Hà Nội); Nguyễn An Khánh (Kép đàn tài năng, Thí sinh tự do); Hoàng Anh Thái Phương (Ca nương tài năng, CLB Ca trù Thiều Xương).

- Giải thí sinh nhỏ tuổi nhất được trao cho nhóm múa 5 tuổi của CLB Ca trù Lỗ Khê.

- Giải thí sinh cao tuổi nhất được trao cho ông Đặng Văn Phú (kép đàn, sinh năm 1939, CLB Ca trù Xuân Đỉnh). Giải Cống hiến được trao cho NSND Bạch Vân (sinh năm 1958, CLB Ca trù Hà Nội).

Minh An - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lên Mù Cang Chải ngắm hoa Tớ Dày, xem giã bánh giầy, vui xuân cùng bà con bản Mông

Cứ mỗi độ xuân sang hoa Tớ Dày lại bung nở đỏ thắm trên những triền núi xanh. Hoa Tớ Dày, hay còn gọi là hoa Đào Rừng – loài hoa có sức sống mãnh liệt, đặc trưng riêng có gắn liền với cuộc sống từ bao đời nay của đồng bào Mông vùng cao Tây Bắc, nhất là đối với người Mông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nơi có tỷ lệ che phủ rừng rất cao (67,25 %), do đó mùa hoa Tớ Dày ở đây vẫn còn rất nguyên sơ như thủa ban đầu.

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không tại phố cổ Hà Nội

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (18/12/1972 - 18/12/2022) và hướng tới 78 năm kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng 52 - Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức các hoạt động văn hóa phong phú, hấp dẫn.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/tao-suc-song-lau-ben-cho-di-san-ca-tru-thu-do.html