Tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển

24/02/2022 10:26

Kinhte&Xahoi Luật Thủ đô đã có những tác động tích cực nhất định, góp phần giúp Hà Nội huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi sớm bổ sung, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), giúp thành phố phát huy tính tự chủ, tự quản, chủ động, sáng tạo và những tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Nhiều tác động tích cực từ Luật Thủ đô

 Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày tại hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII cho thấy, các cơ chế đặc thù quy định trong Luật Thủ đô đã có những tác động tích cực nhất định, góp phần giúp thành phố huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị; Nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội.

Thành phố cũng đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo tại hội nghị

Các quy định của Luật đã bổ sung chính sách, cơ chế tài chính - ngân sách cho Thủ đô; Góp phần hiệu quả để thành phố huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng liên kết.

Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020, đạt 1,716 triệu tỷ đồng, gấp 1,6 lần giai đoạn trước. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách với trên 2.850 dự án, vốn đăng ký 1,6 triệu tỷ đồng; Thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 11,1%/năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng 6,73 %, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng cũng cao hơn bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước .

Một số cơ chế chính sách đặc thù của thành phố như: Xây dựng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, chính sách trọng dụng nhân tài, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn... đã được triển khai và có những tác động tích cực.

Cơ chế phối hợp giữa thành phố Hà Nội và các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và cả nước cũng tiếp tục được củng cố, tăng cường, góp phần giúp Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô, trái tim của cả nước.

Xây dựng cơ chế đặc thù để phát huy sự chủ động, sáng tạo

 Bên cạnh các kết quả tích cực, việc tổ chức triển khai thi hành Luật Thủ đô cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sớm bổ sung, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi); Qua đó tháo gỡ những vướng mắc và giúp Hà Nội phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Theo đánh giá của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Luật Thủ đô hiện còn thiếu những quy định cụ thể về: Tổ chức chính quyền Thủ đô; Phát triển nông nghiệp, nông thôn; Y tế; An sinh xã hội; Phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội…

Một số quy định trong Luật Thủ đô chủ yếu mang tính thắt chặt, đặt ra quy định nghiêm ngặt hơn trong quản lý đô thị và chưa có những quy định trao quyền để Thủ đô tự chủ, tự quản, chủ động, sáng tạo để phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Thêm vào đó, hệ thống pháp luật còn có những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai nên chưa phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội - nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để thực hiện có hiệu quả luật Thủ đô.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Trong đó, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng hơn nữa Luật Thủ đô, cần ban hành các văn bản quy sửa đổi, bổ sung những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố.

Thành phố tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; Nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, xây dựng Quy hoạch thành phố Hà Nội…

Thành phố cũng đề xuất Quốc hội quan tâm sớm xem xét quyết định hỗ trợ về ngân sách Trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai những dự án, công trình quan trọng do thành phố quản lý; Thông qua đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong những năm tới; Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nghiêm việc lập, phê duyệt quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia liên quan trực tiếp đến Thủ đô, sớm ban hành các quy định, quy hoạch liên quan đến việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô; Phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong việc đẩy nhanh tiến độ trình, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của Trung ương, đẩy nhanh tiến độ bố trí vốn triển khai những công trình, dự án quan trọng do vốn trung ương hỗ trợ hoặc vốn 100% của Trung ương…

Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương xem xét chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành Luật Thủ đô, qua đó giúp Hà Nội phát triển tương xứng với vai trò, vị thế và những tiềm năng, thế mạnh vốn có.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cơ hội vàng để phát triển du lịch

Chính phủ đã chính thức đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới” từ ngày 15-3-2022. Đây được xem là cơ hội vàng để ngành Du lịch vực dậy, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Hiện tại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đề ra chương trình, kế hoạch riêng để sẵn sàng đón đầu lượng khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.

Phụ nữ Thủ đô hưởng ứng Tuần lễ áo dài năm 2022

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 112 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2022), Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phát động “Tuần lễ áo dài năm 2022”, bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tao-the-che-dac-thu-vuot-troi-thuan-loi-cho-thu-do-phat-trien-190510.html