Tết Hà Nội xưa và nay

26/01/2020 09:06

Kinhte&Xahoi Hà Nội là đất kinh kỳ, là trung tâm văn hóa Việt, nơi có tầng lớp tinh hoa, có giới trung lưu kinh thành nên Tết Nguyên đán cũng có những nét rất riêng, mang đậm bản sắc văn hóa người Tràng An.

 

Tục xin chữ - nét đẹp văn hóa ngày xuân.

Trình diễn ẩm thực

Thăng Long - Hà Nội  là nơi hội tụ dân Đông, Đoài, Bắc, Nam. Về đất này  họ cũng mang theo phong tục, tập quán địa phương và các món ăn dân dã. Theo thời gian, các món ăn  được sàng lọc, lược bỏ khiến nhiều món ăn  tinh hơn. 

Xưa trước Tết khoảng một tháng, các nhà buôn ở phố Hàng Buồm, Hàng Cân đã bắt đầu bầy bồ to, bồ nhỏ  măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, đậu phù… trước nhà. Còn chợ Cầu Đông, các bà, các cô cũng xếp  la liệt thúng nguyên liệu để  nấu cỗ tết như: miến, bóng, hạnh nhân… 

Những ai không dư dả đồng tiền phải sắm dần từng món ngay từ tháng mười, tháng mười một âm lịch. Cốt là để sao cho gia đình có một cái Tết no đủ, chu toàn. 

Cỗ tết của người Hà Nội xưa to hay nhỏ sẽ tùy theo gia cảnh nhưng thường có hai loại; loại 4 bát 6 đĩa và loại  6 bát 8 đĩa. 6 bát gồm: măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc; 8 đĩa là: gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh  chưng, dứa xào lòng gà và cá trắm đen kho. 

Cỗ tết Hà Nội xưa không thể thiếu  bánh chưng. Người Hà Nội không gói đậu xanh sống mà  đồ chín, sau đó đánh tơi rồi chia đều thành từng nắm. Bánh gói nhỏ để vừa mép đĩa mai (đĩa có hình cây mai). Có nhà cầu kỳ gói bánh chưng  gấc, khi  cắt ra hấp dẫn vị giác. 

Trong bữa cỗ tất niên, món không thể thiếu được đĩa xôi gấc với mầu đỏ tượng trưng cho may mắn. Trên mâm cỗ Tết đủ đầy, bánh chưng xanh vuông vức đặt bên cạnh đĩa xôi gấc tròn đỏ thắm vừa đẹp mắt vừa hợp thuyết âm dương, phong thủy.    

Món cá trắm đen kho cũng là một món đầu vị, chế biến  món này rất mất công, ngoài riềng, xả, ớt, người ta còn cho cả nước chè tươi, nước dừa và mỡ gà. Nhà cầu kỳ phải chọn cá trắm đen hồ Tây bóng như nhung the mới ưng ý.

 Gia đình sum vầy bên mâm cỗ Tết.

Không chỉ tinh tế trong món ăn, người Hà Nội xưa rất chú ý đến hình thức cho mâm cỗ sang hơn. Bát đĩa bày cỗ Tết chỉ để dùng cho ngày tết, hết tết rửa sạch cất đi. Bát múc canh không phải là bát Tầu (loại bát có đường kính miệng khá lớn) mà là bát chiết yêu cho thanh nhã (loại bát  nhỏ vừa phải hẹp dần từ giữa bát xuống đáy). Do điều kiện kinh tế lại biết ăn biết chơi nên cỗ tết Hà Nội hài hòa giữa màu sắc, hình khối, món nóng và  mát, pha trộn  sản vật miền núi, đồng bằng và miền biển.  Mâm cỗ cúng sáng mồng 1 Tết cũng không thể thiếu bát măng lưỡi lợn ninh với móng giò, giò tai, bát canh bóng nấu với tôm he, miến nấu lòng gà bên trên có vài cọng rau thơm của kẻ Láng, bát mọc nấu, đĩa cá trắm kho, trứng muối và hạnh nhân. Gia đình khá giả còn  có thêm bát vây yến. 

Những thú chơi tao nhã 

Thế kỷ 15, Hà Nội đã có chợ hoa Tết. Chợ nhóm họp ở Cầu Đông đúng ngày  ông Công, ông Táo về trời, cho đến gần giao thừa. Chợ bán nhiều loại hoa nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào. Ở phố Hàng Đường còn bày các con giống, mâm hoa bằng bột, các đĩa hoa trà, hoa phù dung, mẫu đơn gọt bằng quả đu đủ trông như thật cho những gia đình trưng thêm ở gian khách.

Với những người thích chơi hoa thủy tiên thì đầu tháng Chạp lên Hàng Ngang, Hàng Đường chọn thủy tiên làm sao cho củ ra hoa đơn. Hoa đơn thì mỗi hoa như chén vàng đặt lên đĩa ngọc. Cái khéo là hoa nở đều không đâm dúi  vào nhau và lại phải nở hàm tiếu đúng vào sáng 1 Tết. 

Ban đầu chỉ là thú chơi riêng lẻ, những người chơi thủy tiên hợp nhau và tiến tới ngày hội của loài hoa này. Hội hoa thủy tiên được tổ chức vào dịp Tết tại đình làng Yên Phụ, Ngũ Xã, đền Bạch Mã và Văn Miếu. 

Hà Nội  là đất học nên xưa có hẳn chợ bán câu đối tết ở phố Hàng Bồ. Trước Tết các thầy đồ trải chiếu ngồi nhờ trước mặt  cửa hàng bán câu đối, mực nghiên, giấy, bút  để viết chữ cho thiên hạ. Ai muốn xin chữ gì thầy sẽ viết, không biết xin chữ gì thì thầy sẽ gợi ý. Ai không xin chữ thì mua  câu đối hay chữ đã viết sẵn.

Tết giờ nay đã khác xưa 

Thời bao cấp, cuộc sống thiếu thốn, thực phẩm  bán theo phiếu,  túi hàng tết bán cho các hộ gia đình theo bìa không đủ ăn một cái tết dù nhỏ nên nhà nào cũng tìm mọi cách phải chuẩn bị thêm thực phẩm cho tết trước đó vài tháng. Gom tí đậu xanh, tí mộc nhĩ, chút nấm hương hay quả gấc treo lủng lẳng trên bếp cho khỏi thối. Không đủ nguyên liệu để nấu đủ các món nhưng nhà nào cũng  phải nấu vài món truyền thống, không thể thiếu bát măng, bát bóng hay gói cái giò xào. 

Sau đổi mới, khó khăn thiếu thốn lùi dần nên ăn tết ở Hà Nội bắt đầu khác, Tết Hà Nội  đã “ăn đi xuống, uống đi lên” nhà nào cũng vài thùng bia, vừa uống vừa mời khách. 

Tết ở Hà Nội ngày nay đã có những thay đổi, nhiều gia đình  không quá mất thời gian vào sắm sửa và ăn Tết mà chuyển sang nghỉ ngơi và đi chơi. Tuy nhiên, thời nào, ăn Tết hay chơi Tết thì triết lý Tết là đoàn viên thì gần không thay đổi.

Cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội không thể thiếu rượu. Rượu để cúng tổ tiên và uống trong 3 ngày Tết. Trong cuốn “Vũ trung tùy bút”, danh sĩ Phạm Đình Hổ viết về uống rượu Tết ở Thăng Long: “Trong 3 ngày tết, dù là bữa tất niên hay sáng mồng 1 và cả khi mời khách, người Thăng Long chỉ dùng chén nhỏ, uống cho hồng hào khuôn mặt và để câu chuyện thêm rôm rả”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tet-ha-noi-xua-va-nay-d115857.html