Phố Hàng Mã đông nghịt trước trung thu. Ảnh: Như Ý
Cho rằng biếu và nhận của nhau vài hộp bánh trung thu chỉ là món quà mang ý nghĩa về mặt tinh thần, không phải hối lộ hay tham nhũng, nên nhiều người lớn viện cớ Tết Trung thu để tặng quà và nhận quà. Quà cáp chỉ là hộp bánh không có gì phải bàn, thế nhưng những hộp bánh làm bằng vàng hay có hẳn cả lượng vàng trong nhân bánh đều là những câu chuyện có thật. Và không ít trường hợp, hộp bánh trung thu chỉ là vỏ bọc cho những món quà xa xỉ…
Rằm tháng Tám hằng năm là ngày tết của trẻ em. Vào ngày này, người ta thường tổ chức bày cỗ trông trăng. Cỗ trung thu gắn liền với ký ức trẻ thơ với bánh dẻo, bánh nướng, quả bưởi, quả hồng, tò he, đèn ông sao, chị Hằng, chú Cuội… Ở một số nơi đâu đó trên phố, sân đình người ta còn tổ chức múa lân để các em vui chơi thỏa thích.
Thế nhưng, giờ đây khi tết Trung thu về, nhiều nơi, những đứa trẻ vẫn mong có một mùa Trung thu thực sự. Cuộc sống khốn khó, vất vả ở vùng cao khiến những đứa trẻ hầu như không biết chiếc bánh trung thu làm bằng gì. Chúng cũng không hay biết có những chiếc đèn lồng hay múa lân. Trung thu với chúng cũng như những mùa trăng bình thường vậy, cứ lặng lẽ trôi qua. Có mấy người lớn đang mở hộp bánh trung thu biết để chia sẻ với chúng?
Cuộc sống khá dần lên, hẳn nhiên người dân sẽ ăn Tết to hơn, lo cho con nhỏ đủ đầy hơn, nhưng trẻ em không biết được mùa tết trông trăng đã bị người lớn bóp méo, làm biến tướng thế nào. Chỉ thấy thị trường ngày càng xuất hiện những chiếc bánh trung thu đắt đỏ. Tất nhiên, những chiếc bánh đó không dành cho trẻ con, chỉ dùng để phục vụ mục đích của người lớn.
Khi một phong tục truyền thống bị bóp méo thì dẫu trăng có tròn, vẻ đẹp về một mùa trung thu trong ký ức trẻ con sẽ không còn tròn trịa, trọn vẹn nữa. Vậy nên, xin đừng biến những ngày lễ tết trong năm thành những kỳ tham nhũng vặt của những người lớn biến chất.