Tháng 5 bồi hồi về quê Bác

18/05/2019 10:15

Kinhte&Xahoi Không ít người con Việt Nam đã nhiều lần về thăm quê Bác, để rồi vẫn không nguôi nỗi bồi hồi nhớ về người lãnh tụ giản dị mà vĩ đại của dân tộc.

Từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 5/2019, đã có hơn 19 nghìn đoàn, gần 650 ngàn lượt khách tham quan Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Trong đó có hơn 250 đoàn khách nước ngoài, hơn 1.700 lượt khách đến từ 30 quốc tịch. 

Bao năm qua, cứ vào những ngày tháng 5, ông Trần Đình Tình (Bắc Giang) lại thu xếp công việc, tranh thủ thời gian vào thăm quê Bác ở Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Năm nay, đi cùng ông còn có vài người bạn.

Dù cảnh vật gần như không có gì thay đổi, vẫn mái nhà tranh đơn sơ khiêm nhường dưới bóng cây, vẫn ao sen ngát hương nhưng mỗi lần về thăm quê Bác, ông lại không kìm được nỗi bồi hồi, xúc động sâu lắng. Xúc động khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh đơn sơ, quá đỗi bình dị của vị lãnh tụ dân tộc. Xúc động vì biết rằng tại mảnh đất này, Bác Hồ đã trải qua những năm tháng thơ ấu và nuôi dưỡng chí lớn.

Khác với ông Tình, ông Phạm Văn Vĩnh (Tuyên Quang) lại là lần đầu tiên về với Làng Sen. Ông không dấu được sự xúc động, lòng thành kính, nhất là khi được những nữ thuyết minh mang giọng Nghệ kể về tuổi ấu thơ của Người. Trong không gian yên tĩnh, cạnh mái nhà tranh đơn sơ, giọng của nữ thuyết minh cất lên: 

Ngày 16/6/1957, Người về thăm quê hương Kim Liên. Hôm ấy, Người bận bộ ka ki, đi đôi dép cao su giản dị. Khi về đến quê, lãnh đạo xã mời Bác về nhà khách nghỉ, Bác cười đôn hậu: “Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà”.
 
Du khách nghe giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói rồi Bác đi nhanh về hướng nhà mình. Mọi người đưa Bác đến trước một cái cổng, Bác bần thần dừng lại một hồi, rồi bất chợt nói: “Cổng ngày xưa ở chỗ kia”. Ngay bên cạnh cổng có ghi một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”, thấy vậy Bác quay sang mọi người, hóm hỉnh: “Đây là nhà của Cụ Phó Bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”.

“Bác đứng lặng ngoài sân một hồi rồi bước vào nhà. Người đứng trước bàn thờ gia tiên rồi nói với mọi người mà như nói với mình: “Hồi xưa nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa”... Chất giọng trầm, truyền cảm của nữ thuyết minh cứ thế đi vào lòng các du khách. 

Ngày 9/12/1961, lần thứ 2 Người về thăm quê và cũng là lần cuối cùng những bờ tre, hàng dâm bụt, căn nhà thân thương cùng bà con Nam Đàn không bao giờ được đón Bác về nữa…

Khi nghe đến đoạn thuyết minh này, nhiều du khách rơi lệ, xúc động. Chị Trần Thị Tân, một công nhân tại Nghệ An chia sẻ: “Cách sống của Bác thật bình dị. Người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho sự bình yên của nhân dân. Hôm nay, tôi cùng đồng nghiệp về Làng Sen dâng hương cảm thấy rất xúc động. Từ những câu chuyện về Người giúp tôi càng thêm tự hào dân tộc, yêu quê hương, đất nước”.

Trong số hàng nghìn khách về dâng hương, thăm quê Bác, có đoàn học sinh mẫu giáo tại thành phố Vinh. Cô giáo phụ trách cho biết, hàng năm nhà trường đều tổ chức cho các học sinh đến tham quan quê Bác. Đó là phần thưởng sau một năm nỗ lực học tập, nhưng hơn hết là để giáo dục truyền thống, lịch sử cho các em. 
 
Tham quan khu du lịch Kim Liên

Dù tuổi còn nhỏ, nhưng suốt quá trình tham quan, các em luôn biết nghe lời hướng dẫn các thầy cô giáo. Khi vào dâng hương, dâng hoa báo công với Bác, các em tự động biết chỉnh đốn trang phục, trang nghiêm. Dưới mái nhà tranh, các cháu bé mặc đồng phục áo cờ đỏ sao vàng, chăm chú nghe những lời thuyết minh về quê hương, tuổi thơ Bác Hồ.

Với những đứa trẻ, từ những chuyến đi thực tế như vậy, các em đã học được nhiều điều, từ các câu chuyện nghe kể, từ những hình ảnh, tư liệu lịch sử quan sát được… Dần dần, hình thành trong các em nhận thức biết trân trọng quá khứ, biết giá trị của hòa bình hôm nay. Một em nói: “Cháu rất vui khi được về thăm quê Bác Hồ. Cháu hứa sẽ thực hiện 5 điều Bác căn dặn thiếu nhi chúng cháu để mai sau lớn lên xây dựng đất nước”.
 
Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).

Năm nào cũng vậy, tháng Năm như một thời khắc đặc biệt để một lần nữa nhắc nhớ ngày “từ Làng Sen sinh ra một người con chí lớn”. Mỗi người dân về với quê Bác, là một câu chuyện khác nhau, mang trong mình suy nghĩ, cảm xúc riêng. Nhưng tất thảy, đều có chung một niềm kính yêu, ghi nhớ những hi sinh của người lãnh tụ vĩ đại dành cho dân tộc, đất nước. 

Theo Pháp luật Plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ đón nhận danh hiệu Phường Văn Hoá và thương hiệu Làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng

Sự kiện phường Phú Thượng được công nhận danh hiệu Phường Văn Hoá và thương hiệu làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng là một niềm vinh dự, niềm tự hào lớn của toàn thể nhân dân và cán bộ phường Phú Thượng. Đây cũng là mốc son lịch sử của địa phương sau bao năm phát triển và trưởng thành, khẳng định sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hoá- xã hội.