Tháng 5, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ rất lớn

07/05/2020 16:46

Kinhte&Xahoi Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thị trường lao động khi đại dịch Covid-19 bị khống chế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo cho biết: Nhu cầu tuyển dụng lao động của DN trong những tháng tới được dự báo sẽ rất lớn.

 Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo 

Số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng

Thưa ông, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã giải quyết được bao nhiêu hồ sơ của người lao động (NLĐ) đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp?

- Tính từ tháng 1 đến hết tháng 4/2020, Trung tâm đã nhận và giải quyết được 18.165 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, tăng 22,23% so với quý I/2019. Trong đó, gần 80% hồ sơ được thực hiện giải quyết theo hình thức gián tiếp và trên 20% là trực tiếp. So với tháng 3/2020, số hồ sơ nộp đề nghị hưởng BHTN giảm vì thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh nên một số NLĐ gặp khó khăn trong vấn đề thủ tục. Tuy nhiên, số NLĐ thông báo tìm kiếm việc làm lại tăng.

Dự kiến trong tháng 5, số hồ sơ được nộp đề nghị hưởng chính sách BHTN sẽ tăng. Bởi, thứ nhất, theo quan sát hàng năm, bước vào tháng 5 là thời kỳ cao điểm số người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN. Thứ hai, trong tháng 4, thực hiện giãn cách xã hội những người chưa đến làm thủ tục thì tháng 5 sẽ đến. Thứ ba, đến thời điểm này, các lao động bị mất việc làm đã chốt xong sổ bảo hiểm xã hội sẽ đến Trung tâm để làm thủ tục đề nghị hưởng chính sách BHTN.

Với số lượng NLĐ đến đề nghị làm các thủ tục hưởng chính sách BHTN tăng, việc áp dụng công nghệ thông tin được Trung tâm thực hiện như thế nào?

- Chúng tôi thực hiện song song hai hình thức đối với những hồ sơ lần đầu đến. Người lao động đến trực tiếp, chúng tôi giải quyết đảm bảo quy định của pháp luật và tiếp tục tuyên truyền các chỉ thị, quy định phòng chống dịch. Nghị quyết số 42 của Thủ tướng Chính phủ cho phép NLĐ được nộp hồ sơ và khai báo việc làm qua hình thức khác, không phải xin xác nhận của chính quyền địa phương. Nếu NLĐ nộp hồ sơ lần đầu qua đường bưu điện gửi tới thì chúng tôi vẫn tiếp nhận và giải quyết kịp thời. Hiện nay, hàng ngày, chúng tôi vẫn phải rà soát số lượng NLĐ khai báo để nhắn tin cho họ thực hiện.

Ngành thương mại – dịch vụ cần nhiều nhân lực

Dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát, trong nhiều ngày liền cả nước không có ca dương tính. Ông có dự kiến gì về thị trường việc làm tháng 5 và tới đây?

- Trung tâm khai thác các vị trí việc làm trống để cung cấp thông tin cho NLĐ, để hai bên gặp nhau. Từ tháng 2 đến hết tháng 4/2020, đã có 1.945 DN đăng ký tuyển dụng 13.562 chỉ tiêu. Một số vị trí được các DN tuyển dụng nhiều là: Công nhân trên 5.500 chỉ tiêu (sản xuất linh kiện, điện tử, may mặc, cơ khí); 1.000 nhân viên kinh doanh; 500 tạp vụ, bảo vệ; 300 nhân viên kế toán...

 Người lao động đang được giải quyết chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc

Trong tháng 5, tình hình dịch bệnh đang được khống chế, hoạt động kinh tế sẽ sôi động trở lại, tác động tích cực tới thị trường lao động. Do vậy, nhu cầu cầu tuyển dụng của khối DN trong các tháng tiếp theo có thể lớn. Hơn nữa, xét về góc độ của NLĐ, khi tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, giao thông thuận tiện, sau thời gian dài nghỉ việc cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, họ có tâm lý và nhu cầu kiếm việc làm rất cao.

Những ngành nghề được tuyển dụng nhiều lao động là sản xuất, thương mại – dịch vụ. Nếu hoạt động kinh tế phát triển trở lại tốt thì lĩnh vực dịch vụ vô cùng sôi động, sẽ cần nhiều nhân lực.

Ông có lời khuyên gì đối với NLĐ để nhanh chóng tìm kiếm được việc làm tốt?

- Đầu tiên NLĐ thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tăng cường các kỹ năng. NLĐ tiếp nhận những thông tin tuyển dụng từ các kênh chính thống như Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hệ thống cơ quan hỗ trợ về chính sách lao động việc làm... để chuẩn bị tốt cho mình những hành trang, kỹ năng.

Về vấn đề NLĐ có nên chuyển sang làm ngành nghề khác, cần nghiên cứu sâu hơn. Mọi người thường nói trong nguy có cơ. Nhưng tình hình dịch bệnh này, chưa hẳn là cơ hội thay đổi công việc bởi cần nhiều yếu tố như năng lực của NLĐ. Khi NLĐ mất việc, muốn tái hòa nhập vào thị trường việc làm với tư thế và kỹ năng tốt hơn thì phải thông qua đào tạo. Nhưng trong thời điểm này, công tác đào tạo kỹ năng không phải là điểm mạnh của thị trường.

Xin cảm ơn ông!

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hồi phục du lịch nhưng không được quên nhiệm vụ kép

Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều điểm tham quan, nghỉ dưỡng trên cả nước đồng loạt mở cửa trở lại, ngành du lịch có dấu hiệu phục hồi và mở ra nhiều hướng đi mới. Tuy nhiên, việc khách du lịch tăng đột biến cũng khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/thang-5-nhu-cau-tuyen-dung-cua-doanh-nghiep-se-rat-lon-383543.html