Thanh Hóa: Bắt nhóm đối tượng lập công ty 'ma' mua bán hóa đơn hàng trăm tỉ đồng

31/05/2021 14:35

Kinhte&Xahoi Công an TP Thanh Hoá vừa bắt giữ các đối tượng trong đường dây lập hàng chục Công ty "ma" để mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng...

Ngày 31/5, thông tin từ công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, ngày 30/5/2021, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, đội CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và chức vụ Công an Thành phố Thanh Hoá đã phá Chuyên án T421, bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây thành lập hàng chục Công ty "ma" để mua bán trái phép hoá đơn thuế giá trị gia tăng lớn nhất từ trước đến nay, thu lời bất chính trên 200 tỷ đồng...

 
  8 đối tượng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT  vừa bị Công an Thành phố Thanh Hóa bắt giữ gồm: Hoàng Thị Hạnh (SN 1967); Hoàng Thị Ánh (SN 1971); Trần Đình Hiếu (SN 1990); Phạm Thị Yến (SN 1976) đều ở phường An Hưng, Thành phố Thanh Hóa; Hoàng Thị Von (SN 1990, ở phường Quảng Hưng); Lê Thị Phươn (SN 1985, ở phường Đông Hải); Dương Thị Diệu Hà (SN 1981, ở phường Tân Sơn, Thành phố Thanh Hóa) và Lê Huy Sơn (SN 1966, ở xã Thiệu Châu, huyện Thiệu Hóa).

Khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an Thành phố Thanh Hóa đã thu giữ: 10 thùng hóa đơn, chứng từ, 8 máy tính, 8 điện thoại di động, 17 con dấu của hơn 10 công ty "ma", 550 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tang vật có liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT. Đồng thời, lực lượng Công an Thành phố cũng tiến hành phong tỏa 8 tài khoản của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và chức vụ Công an Thành phố Thanh Hóa phát hiện một ổ nhóm gồm hàng chục đối tượng do Hoàng Thị Hạnh (SN 1967, ở phường An Hưng, Thành phố Thanh Hóa) cầm đầu đã có hành vi lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thuế để thành lập các Công ty "ma" để mua bán hóa đơn trái phép với các Công ty có nhu cầu hợp thức hóa việc kê khai thu thuế của nhà nước nhằm thu lời bất chính với số tiền lớn.

Các đối tượng bị bắt giữ.

Xác định đây là ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến việc thu ngân sách của tỉnh cũng như của Thành phố nên lãnh đạo Công an Thành phố Thanh Hóa đã báo cáo với Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh xác lập Chuyên án T421 để đấu tranh, triệt xóa bằng được ổ nhóm này.

Bản thân Hoàng Thị Hạnh là đối tượng không có công ăn việc làm nhưng có nhiều biểu hiện bất minh về kinh tế, có nhiều tài sản có giá trị, đặc biệt Hạnh đã cùng một số đối tượng khác lập rất nhiều công ty nhưng các công ty này lại không hề có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng doanh thu hàng năm lại rất lớn.

Xét thấy có nhiều biểu hiện nghi vấn và có dấu hiệu Hoàng Thị Hạnh đã câu kết với một số đối tượng khác thành lập nhiều công ty "ma" để mua bán hoá đơn thuế giá trị gia tăng, thu lời bất chính  nên Công an Thành phố Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ.

Quá trình điều tra xác minh các hoạt động của các Công ty do Hạnh và đồng bọn lập ra, Công an Thành phố Thanh Hóa xác định các Công ty này từ khi thành lập (tháng 8/2020) không có hoạt động kinh doanh thực tế, không có nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động phục vụ cho việc kinh doanh.

Bản thân các đối tượng vừa là Giám đốc, vừa là kế toán, thông qua các mối quan hệ xã hội để tìm khách hàng và bán hóa đơn cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh có nhu cầu mua hóa đơn để kê khai báo cáo thuế, xuất hóa đơn GTGT không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo với giá giao động từ 2-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn.

Điển hình là từ tháng 8/2020 đến nay, Hoàng Thị Hạnh đã cùng đồng bọn thành lập hàng loạt Công ty: Công ty TNHH thương mại vận tải 56 có địa chỉ ở xã Đông Anh, huyện Đông Sơn; Công ty TNHH DVTM tổng hợp Phong Thủy có địa chỉ ở phường Quảng Thắng, Thành phố Thanh Hóa; Công ty TNHH MTV Anh Khánh có địa chỉ ở phường An Hưng, Thành phố Thanh Hóa...để phát hành và bán gần 5000 chứng từ, hóa đơn cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng lượng hàng hóa ghi trên hóa đơn là hơn 1000 tỷ đồng và thu lời bất chính hơn 200 tỷ đồng. 

Hằng tháng, hằng quý, nhóm đối tượng này vẫn làm báo cáo tài chính, báo cáo thuế, đầy đủ các giấy tờ như hợp đồng kinh tế, hợp đồng nguyên tắc, phiếu thu - chi để tránh cơ quan thuế kiểm tra nhưng thực chất là toàn giấy tờ khống. Các đối tượng không đến ngân hàng thực hiện giao dịch trực tiếp mà ủy quyền cho kế toán hoặc người khác, ký mạo danh chữ ký giám đốc...

Đây có thể nói là vụ án mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất từ trước đến nay, gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước tổng số tiền lên tới hơn 200 tỷ đồng. Thượng tá Lê Ngọc Anh, Trưởng Công an Thành phố Thanh Hóa - Trưởng Ban Chuyên án cho biết: Quá trình điều tra, đơn vị nhận thấy các đối tượng hoạt động phạm tội trong thời gian dài, thành lập nhiều doanh nghiệp, thất thoát số tiền thuế của Nhà nước lớn...

Nguyên nhân của vụ việc này một phần do quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai thuế, quản lý sử dụng hóa đơn, công tác quản lý thuế, kiểm tra doanh nghiệp, giao dịch tại ngân hàng... còn một số điểm thiếu chặt chẽ và bất cập, nhóm đối tượng này đã lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thanh Hóa đã có văn bản kiến nghị cơ quan liên quan nhằm khắc phục thiếu sót.

Hiện vụ việc đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

 Duy Khương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ngưng vĩnh viễn việc kêu gọi đóng góp từ thiện

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định trên mạng xã hội facebook, sẽ ngưng vĩnh viễn việc kêu gọi đóng góp từ thiện như 20 năm qua đã từng làm. “Sẽ không chuyển dùm ai, không đại diện ai. Quý vị có thể tìm các hội đoàn hay cá nhân khác để đóng góp thiện ý của mình dùm Hưng” – nam ca sĩ nói.

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/thanh-hoa-bat-nhom-doi-tuong-lap-cong-ty-ma-mua-ban-hoa-don-hang-tram-ti-dong-d157006.html