Tháo gỡ áp lực cho giáo viên dạy học trực tuyến

25/09/2021 09:13

Kinhte&Xahoi Không chỉ học sinh, sinh viên, mà giáo viên (GV) khi dạy học trực tuyến (online) cũng có rất nhiều áp lực. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cũng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ công tác này.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tạo tiền đề cho hệ thống giáo dục trong việc triển khai dạy, học online. Điều này khiến thầy và trò đều vất vả hơn.

Áp lực “bủa vây”

Triển khai thực hiện dạy, học online sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở không chỉ đối với học sinh, sinh viên mà các thầy, cô giáo cũng vậy. Vấn đề đặt ra là cần những giải pháp để công tác này được đảm bảo, tạo thuận lợi cho cả 2 phía (thầy và trò).

Nhiều GV gặp khó khăn trong dạy học online.

Nhiều GV chia sẻ, giảng dạy online rất áp lực bởi nhiều yếu tố như đường truyền mạng, không gian dạy, trang thiết bị của GV, sinh viên…. Nhiều lúc đang dạy học, đường truyền mạng chập chờn, hay không có khiến thầy trò đều ức chế, mệt mỏi. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là truyền đạt kiến thức đến học sinh, vinh viên. Vì vậy, GV sẽ có phương án xử lý tình huống tốt để buổi học được đảm bảo.

Thầy, cô nào cũng được học về các kỹ năng xử lý tình huống trong nghiệp vụ sư phạm. Vậy nên, cũng không thể đỗ lỗi cho khó khăn, áp lực mà có những lời nói, hành động không đúng mực được. Các thầy, cô giáo đang làm tốt công việc truyền đạt kiến thức của mình, và xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với học sinh, sinh viên nhờ cách ứng xử đúng chuẩn mực.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao thầy cô thời gian qua đã nỗ lực để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, đối với những nội dung kiến thức học sinh cần phải nghe thầy cô giảng trong từng bài học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thầy cô có thể chuẩn bị bài giảng power point, giảng bài và ghi hình lại tạo video bài giảng, rồi gửi cho học sinh ở nhiều lớp khác nhau.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục theo hướng tinh giản,; Chính phủ đã phát động ủng hộ “Sóng và máy tính cho em”.

Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng kho học liệu điện tử, các video bài giảng, xây dựng tài liệu bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho thầy cô. Hiện nay, tài liệu này đã được gửi tới các Sở GD&ĐT để chuyển cho các nhà trường. Chính phủ đã phát động ủng hộ “Sóng và máy tính cho em”.

Dự kiến tháng 10 sẽ có hệ thống bài dạy trên truyền hình phục vụ học sinh các lớp 1, 2, 6 cả nước học tập. Ảnh: Vietnamnet.vn

Dự kiến tháng 10 sẽ có hệ thống bài dạy trên truyền hình

Tại Hội nghị giao ban với Giám đốc các Sở GD&ĐT vào ngày 20/9, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, các tỉnh/TP xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học không chỉ tính bằng năm mà theo học kỳ, thậm chí là từng tháng.

Tuỳ điều kiện thực tế diễn biến dịch, các địa phương/địa bàn cần linh hoạt áp dụng phương thức dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy học qua truyền hình. Trong đó, với những vùng học sinh không thể tới trường, ưu tiên dạy học trên truyền hình với lớp 1, lớp 2; học sinh lớp 3 đến lớp 12 sẽ chủ đạo là học trực tuyến và bổ trợ học trên truyền hình.

Theo Thứ trưởng, với sự đóng góp của các Sở GD-ĐT cho kho bài giảng truyền hình, học liệu dùng chung, dự kiến tháng 10 sẽ có hệ thống bài dạy trên truyền hình phục vụ học sinh các lớp 1, 2, 6 cả nước học tập.

Những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu và những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm không được tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ. Những nội dung này cũng sẽ không có trong bài thi tốt nghiệp THPT.

Trong năm học này, để hỗ trợ các địa phương trong triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập tổ hỗ trợ các môn học tích hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Sở GD-ĐT các tỉnh cũng thành lập tổ hỗ trợ chuyên môn này và mong các địa phương sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, để thực hiện thành công năm học mới này.

 Hùng Tâm - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đồng bào Chăm tại Bình Thuận được đón Tết KaTê trong 3 ngày

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành văn bản thông báo đến các cơ quan liên quan về việc hướng dẫn phối hợp tổ chức đón Tết KaTê năm 2021 cho đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bàlamôn trên điạ bàn tỉnh, đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/thao-go-ap-luc-cho-giao-vien-day-hoc-truc-tuyen-d167101.html