PGS.TS Tống Trung Tín trình bày một số nét nổi bật của đợt khai quật năm 2019
HỆ THỐNG DI VẬT QUÝ
Báo cáo sơ bộ về cuộc khai quật thăm dò khu vực phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên năm 2019 với tổng diện tích gần 990m2 do Viện Khảo cổ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội thực hiện nêu bật nhiều nét mới. Về di vật thời tiền Thăng Long, các nhà khoa học phát hiện gạch ngói của các giai đoạn thế kỷ 3-4 đến 5-6, thế kỷ 7-9 và thời Đinh - Tiền Lê.
Trong số hiện vật có một số viên gạch bìa in hình hoa văn ô trám khoảng thế kỷ 5-6, ngói âm dương màu xám, đầu ngói hoa sen và bát gốm men màu (thời Đường) ở thế kỷ 7-9. Một số đầu ngói màu đỏ có hình cánh sen, được nhận định thuộc thời Đinh -Tiền Lê.
Thời Lý có chân tảng đá cát, mảnh lá đề rồng cỡ lớn, mảnh mào tượng rồng cỡ lớn bằng đất nung, một số mảnh gạch lát nền hoa sen, hoa cúc. Số lượng hiện vật thời Trần khá nhiều: Gạch in chữ Vĩnh Ninh trường, gạch vuông, ngói sen, ngói mũi lá, gốm men nhiều loại của Việt Nam, một số ít của Trung Quốc.
Về thời Lê sơ và thời Mạc, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều mảnh ngói rồng tráng men vàng, men xanh, gạch vồ, các chân tảng đá đặc trưng của thời Lê sơ. Số hiện vật thời này khá nhiều, đặc biệt dòng gốm hoa lam thời Lê - Mạc chiếm số lượng lớn (đồ gốm hoa lam vẽ rồng và hoa sen). Số mảnh hiện vật thời Lê Trung hưng khá nhiều, là gạch ngói, gạch hộp rỗng trang trí hoa cúc, các loại gốm men. Ở thời Nguyễn có các loại gạch ngói vụn, một ít gốm sứ.
Gạch Thông gió thời Lê Trung hưng
“Tuy khai quật trong diện tích nhỏ 990m2, nhưng cuộc khai quật này phát hiện nhiều loại hình di tích và di vật rất đặc sắc. Cụ thể ba dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, 8 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng, 10 dấu tích kiến trúc thời Lê sơ, 8 dấu tích của các loại hình di tích thời Trần và 1 di tích cống nước lớn thời Đại La cùng nhiều loại hình di vật. Đây là những phát hiện mới, rất giá trị cho việc nghiên cứu, đánh giá giá trị Hoàng thành Thăng Long ở khu vực trung tâm”, PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nhận định.
DẤU TÍCH NGỰ VIÊN
PGS.TS Tống Trung Tín trình bày phát hiện mới và quan trọng, đó là dấu tích kiến trúc thời Đại La-cống ngầm kiên cố xây bằng gạch khá công phu chạy theo hướng Bắc Nam. Ông khẳng định trước thế kỷ 8-9 chưa có di tích nào, cống này hình thành trực tiếp trên nền đất sinh thổ. “Việc phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La chứng minh giả thiết khu vực trung tâm của thành Đại La vẫn là ở khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nhận định này là quan trọng vì nó giúp tìm hiểu quy mô thành Đại La. Hiểu quy mô thành Đại La sẽ giúp tìm hiểu quy mô thành Thăng Long thời Lý”, PGS Tín nói.
Tầng niên đại thời Trần kỳ này xuất lộ con lạch nhỏ hình thành tự nhiên theo dòng chảy hướng Đông Tây, ở phía Nam có dấu tích kiến trúc cống nước ngầm chảy theo hướng Bắc Nam. Đến thời Lê sơ, con lạch được lấp toàn bộ, san lấp để xây dựng kiến trúc móng tường, móng cột. Các nhà khai quật thông báo, thời Lê sơ, thời Lê Trung hưng, các dấu tích đã xuất lộ gợi nhiều giả thiết mới.
Cụ thể thời Lê sơ có hai dấu tích bó nền, một dấu tích kiến trúc có móng cột, chứng tỏ ở đây xây dựng nhiều công trình quan trọng (dấu tích đất nền màu gạch đỏ và dấu tích dải nền trang trí hoa chanh gia cố rất cẩn thận). Kiến trúc có móng cột chạy theo hướng Bắc Nam có thể là kiến trúc kiểu hành lang tương tự dấu tích của kiến trúc hành lang ở phía Tây Đoan Môn đã phát hiện năm 2013-2014.
Thời Lê Trung hưng hình thành tổ hợp kiến trúc có móng cột lớn phía Tây và kiến trúc sân vườn phía Đông. Kiến trúc có móng cột có khả năng là kiến trúc 5 gian 2 chái nằm trên trục Ngự đạo thẳng tới Đoan Môn- Kính Thiên. Rất có khả năng đây là kiến trúc “cổng” của một khu cung điện khác trong khu vực Trung tâm. Theo thư tịch cổ và bản đồ cổ thì sau khu chính điện Kính Thiên là khu điện Cần Chánh. Vậy nếu đây là kiến trúc cổng thì chính là di tích đánh dấu sự bắt đầu của khu vực kiến trúc quan trọng thứ hai trên trục Trung tâm: Đó là khu vực điện Cần Chánh, nơi làm việc của Hoàng đế và triều đình Lê Trung hưng.
Theo nhận định của PGS.TS Bùi Minh Trí, phát hiện mới về dấu tích kiến trúc sân vườn thời Lê Trung hưng gồm đường đi và hệ thống bồn hoa nằm dọc hai bên đường là phát hiện quan trọng, minh chứng rõ hơn về trình độ quy hoạch không gian và cảnh quan sân vườn của các công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đương thời. “Theo sử cũ trong Hoàng cung Thăng Long có các Vườn Ngự (hay Ngự viên), dành cho nhà vua và hoàng gia dạo chơi, nhưng không có những mô tả cụ thể. Theo đó, phát hiện này gợi cho chúng ta nhiều điều thú vị khi nhận diện và luận bàn về kiến trúc cảnh quan trong chốn Hoàng cung Thăng Long xưa”, PGS. Trí nói.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô đánh giá, việc phát hiện ra dấu tích văn hóa Lý và đặc biệt là dấu tích văn hóa trước Lý (hay Tiền Thăng Long) ở khu vực này là rất quan trọng. Các dấu tích kiến trúc Tiền Thăng Long có thể là những mảnh còn sót lại của các điện Nhật Quang, Long Thụy thời kỳ đầu định đô Thăng Long. Trong khi đó, hai dấu tích bó nền, một dấu tích kiến trúc có một móng cột chứng tỏ thời Lê sơ góp phần phục vụ hiệu quả cho chương trình phục dựng Không gian điện Kính Thiên.
SỚM TRƯNG BÀY BẢO TÀNG HOÀNG CUNG THĂNG LONG
PGS.TS Bùi Minh Trí góp ý: Kết quả khai quật rất tốt nhưng cần đầu tư nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu, cần có phương pháp kết nối mặt bằng di tích, đánh giá tổng thể các hiện tượng khảo cổ học… xung quanh điện Kính Thiên nhằm xác định/phân định làm rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng của các quần thể kiến trúc ở khu vực trục trung tâm, đặc biệt là thời Lê sơ và Lê Trung hưng.
TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội đề xuất cần quan tâm tiếp nhận bàn giao đất, đặc biệt bàn giao di vật (nền Nhà Quốc hội và số 18 Hoàng Diệu) để sớm triển khai trưng bày bảo tàng Hoàng cung Thăng Long tại nhà Vaxuco cũ sau khi được cải tạo.
|