Thí sinh nhiễm COVID-19 phải điều trị được xét đặc cách tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia

29/07/2020 16:13

Kinhte&Xahoi Nhằm bảo đảm quyền lợi của học sinh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác.

Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo sáng 29/7.

Đây là nội dung được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) sáng 29/7 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo.

Theo đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 trước diễn biến của tình hình dịch COVID-19 và khẳng định, Kỳ thi năm nay vẫn sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/8.

Đối với những địa phương có dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn rất cụ thể để các địa phương áp dụng phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại cơ sở.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác. Việc phân nhóm đối tượng dự thi nhằm bảo đảm quyền lợi của học sinh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, với nhóm đối tượng thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi), các em sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường đại học có phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo tối đa quyền lợi cho các học sinh, đồng thời bảo đảm quyền chủ động tuyển sinh của các trường.

Đối với nhóm đối tượng thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương theo hướng tổ chức thi tại các điểm thi đặt ở trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp, lân cận khu cách ly tùy theo số lượng đối tượng thí sinh; bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh F1 có điều kiện dự thi.

Đối với nhóm đối tượng thí sinh F2 (tiếp xúc gần với F1), tuỳ theo số lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tổ chức thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi. Nếu số lượng các học sinh đông thì tổ chức một điểm thi riêng và có phương án đưa đón các học sinh phù hợp.

Trường hợp còn lại, các em thi tại các điểm thi bình thường, tùy theo nguy cơ mức độ lây nhiễm của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương đưa ra hướng dẫn giãn cách bảo đảm yêu cầu như: Khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp.

Cũng tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, qua phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự, phần lớn là từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình.

Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ ổ dịch tại 3 bệnh viện trên, chúng ta cũng phải theo dõi sát các trường hợp không liên quan đến nhóm bệnh viện nêu trên và những địa điểm có các ca nhiễm từ các bệnh viện này đi qua. Nếu xuất hiện các ổ dịch mới phải có biện pháp xử lý kịp thời, cách ly, khoanh vùng dập dịch. Đáng lưu ý, vừa qua nhiều địa phương có người giao lưu đi lại, du lịch tại thành phố Đà Nẵng (trong đó có thành phố Hà Nội và TP HCM), do vậy những địa phương này hoàn toàn có khả năng cao là sẽ xuất hiện ca bệnh mới.

 Song Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chàng trai Việt vẽ bản đồ thế giới bằng… xe máy

Với chiếc xe Wave mang biển số Việt Nam, Đăng Khoa đã đi đến tất cả châu lục, các khu vực, gồm châu Á, Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, Phi. Riêng Nam Cực, anh phải đi tàu ra do không thể đi bằng xe máy. Và sau 1111 ngày, “ người tính không bằng … vi rút tính”, sau nhiều vất vả, chàng trai 33 tuổi đã trở về Việt Nam…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thi-sinh-nhiem-covid-19-phai-dieu-tri-duoc-xet-dac-cach-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-quoc-gia-d130660.html