Thu ngân sách Nhà nước cả năm 2023 vượt 8,1% dự toán

10/01/2024 11:44

Kinhte&Xahoi Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tính đến hết ngày 31/12/2023 ước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, vượt 8,1% so dự toán, nhưng chỉ đạt 96,5% so với thực hiện năm 2022.

Thu NSNN vượt dự toán

Theo Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước tính đến hết ngày 31/12/2023 ước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, vượt 8,1% (131,75 nghìn tỷ đồng) so dự toán (NSTW vượt 5,9%; NSĐP vượt 10,6%), nhưng chỉ đạt 96,5% so với thực hiện năm 2022.

Thu nội địa vượt 10,1% dự toán, tăng 1,7% so với thực hiện năm 2022, trong đó không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết có 48/63 địa phương hoàn thành và vượt mức dự toán thu; 29/63 địa phương tăng thu so thực hiện năm 2022.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VNEconomy)

Có 11 khoản thu, sắc thuế vượt dự toán: Thu từ nhà, đất vượt 13,1% (23,3 nghìn tỷ đồng); thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết vượt 22% (8,3 nghìn tỷ đồng); các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 03 khu vực kinh tế vượt 5,9% (42 nghìn tỷ đồng), trong đó: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước vượt 6,4% (10,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 4% (9,1 nghìn tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 7,1% (22,1 nghìn tỷ đồng) so dự toán.

Còn khoản thu thuế bảo vệ môi trường không đạt dự toán (ước đạt 58,4% dự toán, giảm 13,3% so với thực hiện năm 2022) do thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo các Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 và số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thu từ dầu thô vượt 47,5% (19,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tuy nhiên vẫn giảm 20,6% so với năm 2022. Giá dầu bình quân khoảng 88 USD/thùng, tăng 18 USD/thùng so dự toán (70 USD/thùng).

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 91,8% (giảm 19,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, giảm 23,1%% so với năm 2022, chủ yếu do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế năm 2023 ước giảm khoảng 13,9% so với thực hiện năm 2022 (kim ngạch xuất khẩu có thuế giảm khoảng 20,3%; kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm 14%); trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu giảm mạnh làm giảm nguồn thu ngân sách.

Chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm

Lũy kế chi NSNN 12 tháng ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 87,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán.

Các nhiệm vụ chi NSNN được thực hiện theo dự toán, xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN. Ngân sách các cấp đã chủ động đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ ngày 01/7/2023.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ chi được tiếp tục thanh toán đến hết ngày 31/01/2024 (thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm 2023) hoặc sẽ tiếp tục được chuyển nguồn sang năm 2024 thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

Hình ảnh minh họa.

Dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 đã sử dụng đến ngày 31/12/2023 là 37,9 nghìn tỷ đồng (đạt 100% dự toán), để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và các địa phương khác để phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất ở vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, và bổ sung kinh phí đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp 21,57 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán và giáp hạt đầu năm 2023.

Năm 2023, cân đối NSTW và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, đã thực hiện phát hành 298,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,58 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm, đảm bảo nguồn bù đắp bội chi và thanh toán chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương. Đến cuối năm 2023, dư nợ công dự kiến khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15.

Lê Hải - Như Trường - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch Việt Nam năm 2024: Kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ

Với sự tăng trưởng nhanh vào cuối năm 2023, ngành Du lịch kỳ vọng năm 2024 sẽ bứt phá mạnh mẽ, đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, bằng với thời điểm năm 2019 - “năm vàng” của du lịch Việt Nam trước dịch Covid-19.

Hà Nội thuộc tốp dẫn dầu lượng du khách trong Tết Dương lịch

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa công bố, kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 diễn ra với thời tiết thuận lợi ở cả ba miền với nhiều tín hiệu vui. Trong 3 ngày nghỉ (từ ngày 30-12-2023 đến 1-1-2024), ước tính, cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/thu-ngan-sach-nha-nuoc-ca-nam-2023-vuot-81-du-toan-d203154.html