Thư tháng 3 của Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đau đáu chuyện ùn ứ nông sản ở cửa khẩu

14/03/2022 07:10

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta cần phải có cách tiếp cận đồng bộ, hệ thống từ trên xuống dưới kết hợp từ dưới lên trên, từ đầu sản xuất nối kết với đầu thị trường... để giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (Ảnh: VGP)

Trong thư tháng 3/2022 gửi lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đưa ra 8 nhiệm vụ chính mà ngành nông nghiệp cần thực hiện trong tháng 4 với cách tiếp cận cụ thể, thực chất hơn.

Trong đó, nhiệm vụ thứ 4 được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu ra là vấn đề giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc.

Theo Bộ trưởng, tình hình những tháng đầu năm đáng phấn khởi, nhưng phía trước còn nhiều thách thức lớn, khó lường. Câu chuyện ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu phía Bắc và nhiệm vụ chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch theo chỉ đạo của Chính phủ và chiến lược vừa được ban hành.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho biết, chúng ta phải có cách tiếp cận đồng bộ, hệ thống từ trên xuống dưới kết hợp từ dưới lên trên, từ đầu sản xuất nối kết với đầu thị trường, từ chức năng quản lý, điều phối của Nhà nước và phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Thực tế, câu chuyện ùn ứ nông sản xuất khẩu là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm nay mỗi khi đến cao điểm, đây là vấn đề được Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành quan tâm giải quyết nhưng cũng rất nan giải.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 121/VPCP-QHQT ngày 13/1/2022 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất thành lập nhóm công tác về thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì nhiều cuộc họp để xử lý vấn đề này.

Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 29/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết liệt chỉ đạo xuất khẩu nông sản là vấn đề rất cơ bản, cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế.

"Xuất khẩu nông sản không thể đường mòn lối mở mãi, phải làm đến cùng, làm hết mình vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chính đáng của chúng ta", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Do đó, để nông sản không còn "đến hẹn lại tắc" rất cần sự chung tay, góp sức, sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, thương nhân và nhất là bà con nông dân - chủ thể quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp.

Trở lại thư tháng 3 của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phải tiếp tục lan tỏa sâu sắc, nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "tháo gỡ thể chế - khơi thông nguồn lực - thu hút đầu tư".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mỗi cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu đơn vị, phải kết hợp giữa tư duy nhà quản lý với tư duy "đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp, kiến tạo không gian phát triển".

Một nhiệm vụ khác được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra là giảm chi phí đầu vào cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Ông Hoan nhấn mạnh đây như là một "mệnh lệnh" khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giúp người nông dân giảm khó khăn, thiệt hại.

Thừa nhận việc giảm chi phí là khó vì mang tính khách quan của thị trường nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, càng khó thì càng quyết tâm làm, sẽ có những giải pháp ngắn và dài hạn, cân bằng cung cầu và thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các chế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã.

 Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xu hướng xuất bản sách bản đặc biệt: Sách hay, vừa đọc vừa ''chơi''...

Xuất bản sách bản đặc biệt đang trở thành xu hướng mới ở nước ta. Nhiều bản sách được thực hiện thủ công, in ấn, bọc bìa cầu kỳ, tinh tế với số lượng có hạn… đã “cháy” hàng ngay khi phát hành. Điều này không chỉ kích thích sự sáng tạo của những người làm sách, mà còn tạo nên một "thú chơi", một nét văn hóa tri thức, thúc đẩy mọi người đến với sách và thưởng thức sách.

Bún, phở, cà phê Việt Nam tạo sức hút tại triển lãm quốc tế

Tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản hôm nay 9-3 cho biết, Triển lãm Thực phẩm và đồ uống quốc tế lần thứ 47 (Foodex Japan 2022) đang diễn ra tại Nhật Bản quy tụ 10 gian hàng Việt Nam trưng bày các loại thực phẩm và đồ uống như: Bún, miến, phở khô, trái cây đông lạnh và sấy khô, các loại nước chấm và gia vị, cà phê…

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thu-thang-3-cua-bo-truong-le-minh-hoan-dau-dau-chuyen-un-u-nong-san-o-cua-khau-191739.html