Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống e-Cabinet

24/06/2019 15:49

Kinhte&Xahoi Sáng nay (24/6), Chính phủ họp phiên đầu tiên qua hệ thống e-Cabinet và thời gian họp diễn ra chỉ trong vòng 10 phút.

Phiên họp Chính phủ qua hệ thống e-Cabinet

Ngay sau khi ấn nút khai trương Hệ thống e-Cabinet - Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Thủ tướng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ qua hệ thống e-cabinet và tiến hành biểu quyết (thông qua máy tính bảng) về dự thảo vấn đề xác thực điện tử và định danh điện tử do Bộ Thông tin - Truyền thông chuẩn bị, đã được Văn phòng Chính phủ thẩm tra.

Thủ tướng phát biểu tại lễ khai trương hệ thống e-Cabinet - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự thảo đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan, đã có ý kiến của Bộ Tư pháp, đủ điều kiện lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu bộ chủ trì không phải trình bày lại mà yêu cầu VPCP báo cáo tóm tắt về nội dung cần lấy ý kiến trước khi biểu quyết.

Khai trương hệ thống e-Cabinet (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Trong số 27 thành viên Chính phủ tham gia biểu quyết, có 4 thành viên biểu quyết từ xa (do đang đi công tác, không tham gia họp trực tiếp). Với kết quả 25 phiếu đồng ý, Thủ tướng đã ký nghị quyết thông qua đề nghị xây dựng nghị định về định danh điện tử và xác thực điện tử.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, e-cabinet chính thức đi vào hoạt động sẽ là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu cụ thể của e -cabinet đã được xác định là giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước.

E-cabinet cũng giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật).

E-cabinet khi đưa vào hoạt động sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ khi đầy đủ các chức năng như: cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết điện tử thông qua thiết bị di động.

E-cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ; quản lý việc gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại SMS, gửi email thông báo đến các thành viên Chính phủ, các thành phần dự họp Chính phủ, tự động cảnh báo, nhắc quá hạn cho thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến…

Yêu cầu được nhấn mạnh với hệ thống e-cabinet (được Tập đoàn Viettel xây dựng và Văn phòng Chính phủ thuê lại) là phải bảo đảm an toàn thông tin; bảo mật cao; sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu; đảm bảo an toàn hạ tầng mạng; máy chủ; ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web hay ứng dụng trên máy tính bảng...


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lao động trẻ em trong nghệ thuật: Làm sao để không bị 'tuýt còi'?

Trước sự kiện bộ phim “Vợ ba” phải ngừng chiếu ở Việt Nam vì việc có diễn viên trẻ em đóng “cảnh nóng” với một số hành động, lời thoại trong phim không phù hợp và trước xu thế phòng chống lao động trẻ em của thế giới và Việt Nam, đã đặt ra cho các nhà làm nghệ thuật câu hỏi: Phải làm thế nào để không vi phạm pháp luật khi sử dụng lao động trẻ em trong nghệ thuật?

Nguồn: Pháp luật Plus