Thực phẩm dồi dào, giá rau xanh tăng nhẹ sau dịp Tết Nguyên đán

09/02/2022 16:00

Kinhte&Xahoi Do có sự chuẩn bị từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên thời điểm này, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của Nhân dân khá dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, đối với các loại rau xanh, những ngày qua mưa, rét kéo dài nhiều ngày khiến cho nguồn cung khan hiếm, đẩy giá cả lên cao hơn so với thời điểm trước Tết.

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ Nhân dân

Thời điểm hiện tại, hầu hết các siêu thị, điểm phân phối và chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động trở lại. Sức mua những ngày gần đây cũng tăng cao do người dân đã trở lại thành phố sinh sống và làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Theo khảo sát của phóng viên, tại hầu khắp các siêu thị đều bày bán đủ các loại mặt hàng thực phẩm như thịt, cá các loại, hoa quả, rau xanh... So với thời điểm trước Tết, giá cả không có nhiều biến động.

Chị Vũ Hiền Lương (ở Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Hiện nay nguồn cung thực phẩm sau Tết khá dồi dào nên gia đình tôi không dự trữ thực phẩm trước Tết. Từ ngày mùng 2 Tết, các siêu thị đã mở cửa hoạt động trở lại, chợ truyền thống gần khu vực cũng mở bán bình thường. Các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá, các loại giò, chả... được bày bán nhiều. Giá cả vẫn như mọi khi, tuy nhiên, rau xanh lại đắt hơn so với thời điểm trước Tết".

Thời điểm hiện tại, hầu hết các siêu thị, điểm phân phối và chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động trở lại

Trao đổi với phóng viên, đại diện một số hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội cho hay, để bảo đảm nguồn cung, ngay trong dịp Tết, một số hệ thống siêu thị đã dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết: "Để chuẩn bị lượng hàng đầu năm, Saigon Co.op đã có những kho lạnh, kho mát để bảo quản. Riêng về thịt thì chúng tôi làm việc với nhà cung cấp phải có hàng để bán cho khách hàng".

Dù mở cửa bán hàng trở lại khá sớm, hàng hóa của các siêu thị vẫn phong phú. Không những mở cửa bán hàng sớm, hệ thống siêu thị còn áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi và lì xì cho khách liên tục.

Theo đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ, các đơn vị này tiếp tục duy trì quy định về an toàn phòng, chống dịch, thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn, yêu cầu đeo khẩu trang, bố trí nước xịt tay sát khuẩn, thực hiện đo nhiệt độ… để bảo đảm phòng, chống dịch triệt để, tạo điều kiện để khách hàng yên tâm mua sắm.

Ông Vũ Thanh Tân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết: “Siêu thị BigC và GO! cam kết làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng hóa ổn định dịp trong và sau tết. Chúng tôi đã đàm phán với các nguồn cung để chuẩn bị cho sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với Tết 2021 cũng như các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ trong và sau tết.

Bên cạnh việc đảm bảo được nguồn cung ứng, BigC và GO! cũng tự tin cam kết về giá cả sản phẩm đến tay khách hàng trong dịp Tết năm nay, bằng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn khác nhau cho hàng mùa vụ và truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, đồ chua, lạp xưởng, kẹo… áp dụng cho cả khách mua tại cửa hàng và mua trực tuyến”.

Sức mua những ngày gần đây cũng tăng cao do người dân đã trở lại thành phố sinh sống và làm việc sau kỳ nghỉ Tết

Bà Đỗ Huệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết, để chuẩn bị hàng hóa cho dịp sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa cho hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích Hapro tăng từ 2 - 3 lần các tháng trong năm.

Ngoài ra, Hapro cung ứng 13 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, sữa, bánh mứt kẹo, đường, gia vị (mắm, muối, mì chính), rượu bia - nước giải khát. Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Giá rau xanh tăng do nguồn cung khan hiếm

Trái ngược với nguồn cung các mặt hàng thực phẩm khá dồi dào thì những ngày qua các loại rau xanh lại tăng giá khá cao. Nguyên nhân là do mưa, rét kéo dài khiến nguồn cung rau xanh bị thiếu hụt.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Phú Gia (quận Tây Hồ), Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa), chợ Bún (Gia Lâm), chợ Kim Quan (quận Long Biên)… nhiều quầy hàng chỉ bày bán một số chủng loại rau chính như bắp cải, rau cần, cải cúc, cà chua, xà lách, cải thảo… Trong khi đó, một số loại rau như cải xoong, cải chíp, su hào… gần như thiếu vắng.

Do lượng rau nhập về chợ không nhiều nên chỉ khoảng 11h là nhiều quầy hàng trong chợ không còn rau để bán. Chị Vũ Thị Huyền, tiểu thương kinh doanh rau xanh tại chợ Kim Quan (Long Biên) cho biết: "Dịp này mưa rét dài ngày, rau bị úng nước, dập nát nhiều nên tôi chỉ lấy được một số loại rau như bắp cải, cà chua, cải cúc, rau cần…

Nhiều người hỏi mua rau cải xoong, cải chíp… nhưng vì chỉ lấy được ít hàng nên tôi không còn để bán. Giá rau hôm nay còn cao hơn mùng 3, 4 tháng Giêng”.

So với thời điểm trước Tết, hiện các mặt hàng rau xanh tăng giá khá cao

Là người trực tiếp trồng rau xanh để cung cấp cho các quận nội thành, anh Đinh Văn Thành ở Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Năm nào cũng vậy, thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán thường hay mưa rét kéo dài khiến cho rau xanh khan hiếm. Một nguyên nhân nữa là do năm nay, thời điểm trước Tết, giá rau quá rẻ, nhiều người bỏ không trồng. Giờ nguồn rau ít, các hàng quán lại mở nhiều hơn khiến sức mua tăng nên giá cũng tăng theo.

Cụ thể, bắp cải tăng giá gấp đôi, lên 15.000 đồng/kg; Cải cúc, cải ngọt, rau muống... từ 10.000 đến 12.000 đồng/mớ, tăng từ 5.000 đến 7.000 đồng/mớ; Su su 15.000 đồng/kg; Khoai tây 20.000 đồng/kg. Cà chua cũng tăng giá gấp đôi, lên 30.000 đồng/kg. Đặc biệt sau Tết, người dân chuyển sang ăn các món lẩu nên giá rau cần tăng mạnh nhất, từ 7.000 đồng lên 15.000 - 20.000 đồng/mớ…

Theo đánh giá của bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, những ngày gần đây, giá bán các mặt hàng tại chợ truyền thống trên địa bàn thủ đô nhích nhẹ, tuy nhiên không chênh so với dịp sát Tết. Thị trường ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu bảo đảm đầy đủ, phong phú, không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội sẽ theo dõi sát tình hình cung cầu và bình ổn giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh để bảo vệ quyền lợi của người dân.

 Khắc Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiêu chí ứng xử trong gia đình: Phù hợp văn hóa và tình cảm của người Việt

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định ban hành bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó, các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình Việt Nam là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Điều này rất phù hợp với văn hóa và tình cảm của người Việt, nhất là trong xã hội hiện đại như ngày nay.

Chùa Hương mở cửa đón khách từ ngày 16-2

Ngày 8-2, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất với đề nghị của huyện Mỹ Đức về việc mở cửa đón khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thuc-pham-doi-dao-gia-rau-xanh-tang-nhe-sau-dip-tet-nguyen-dan-189557.html