Thuốc lá điện tử: Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh

18/04/2021 10:52

Kinhte&Xahoi Nhiều người tin rằng thuốc lá điện tử là sản phẩm thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống. Nhưng các báo cáo gần đây tại Hoa Kỳ về việc sử dụng thuốc lá điện tử đang là mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe cộng đồng. FDA cảnh báo, chỉ tính từ 2011 đến 2015 đã tăng 900% học sinh tại Mỹ sử dụng thuốc lá điện tử, đây là con số thực sự đáng báo động.

Ảnh minh họa

Sự “quyến rũ”... chết người

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2019, kết quả Điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6%, con số này năm 2015 là 0,2%.

Đáng chú ý, thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên. Không khó để bắt gặp hình ảnh của các bạn học sinh, sinh viên cầm trên tay thuốc lá điện tử. Đặc biệt, rất nhiều bạn giới trẻ đang có xu hướng phụ thuộc vào loại thuốc lá này.

Thuốc lá điện tử đã xâm nhập và đang trở thành thú chơi mới của giới trẻ. Được bán rộng rãi thông qua các kênh quảng cáo. Sử dụng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm, hashtag trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter để thu hút giới trẻ. Quảng cáo tại các sự kiện thể thao, âm nhạc. Trên các sản phẩm như mũ, quần áo, bao đựng thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Thậm chí, có những điểm bán thuốc lá điện tử còn được đặt ở gần trường học…

Cùng với thuốc lá mới, các loại tinh dầu được mua – bán dễ dàng nhưng hầu hết là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thật không khó để tìm hiểu, mua cũng như sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, nhất là khi các công cụ mua sắm trực tuyến, trang thông tin tìm kiếm, các hình thức quảng cáo nhắm trực tiếp vào người dùng như Facebook, Youtube, Instagarm phát triển mạnh như hiện nay.

Bằng một thao tác tìm kiếm về thuốc lá điện tử, công cụ tìm kiếm Google đã cho ra hơn 41 triệu kết quả tìm kiếm trong vòng 0.54 giây với nhiều chỉ dẫn chi tiết về địa chỉ, thông tin sản phẩm, giá bán cũng như những lời quảng cáo hoa mỹ về “thú chơi thời thượng” này.

Trên thực tế, lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều vụ kiểm tra, bắt giữ liên quan đến thuốc lá điện tử nói riêng và thuốc lá mới nói chung cũng đã được lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội triển khai. Mới đây, ngày 27/12/2020, hơn 11.000 điếu thuốc lá điện tử, lọ tinh dầu thuốc lá điện tử vừa được cơ quan chức năng Hà Nội tạm giữ. Đáng chú ý, hầu hết sản phẩm trên được chủ hàng bán qua mạng xã hội Facebook cho thanh, thiếu niên. 

Ngày 17/12/2020, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh do ông Vũ Văn Đô làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện quả tang tại cơ sở đang có 4.670 điếu thuốc lá điện tử các loại; 10.125 quả bóng cao su (dùng để đựng khí N2O); 19 bình có khí N2O và 24 vỏ bình không có khí N2O. Toàn bộ số hàng hóa trên cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Bước đầu đại diện cơ sở khai nhận, toàn bộ hoạt động kinh doanh được giao dịch mua bán trên môi trường Internet thông qua các mạng xã hội, chủ yếu được bán cho giới trẻ với giá trung bình 1 quả bóng cười là từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Thuốc lá điện tử là 150.000 đồng/điếu.

90% bệnh nhân mắc ung thư phổi đều hút thuốc lá

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh này.

Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).

Sự ân hận, tiếc nuối cho sức khỏe và thời gian của mình cũng như là người thân trong gia đình luôn hiện hữu trên gương mặt đượm buồn của rất nhiều bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện K.

Theo các chuyên gia y tế, việc hít vào chất nicotine hoặc chất tetrahydrocannabinol (là chất thường được tìm thấy trong các loại cần sa, gây tác động đến tâm lý) khi sử dụng thuốc lá điện tử, nguy cơ chính là liên quan đến phổi. Các loại dầu được dùng để hút thuốc lá điện tử chứa những hóa chất và kim loại có thể gây tổn hại phổi như thiếc, chì, kẽm, chất tạo mùi hương và những hạt siêu mịn khác.

Người hút có thể cảm thấy khó thở, ho nhiều, đau ngực, buồn nôn, mệt mỏi, ói mửa; thậm chí bị sốt nếu hút thuốc lá điện tử nhiều. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể phải nhập viện. Những tác hại của chất nicotine, cả trong thời gian ngắn và về lâu dài, là điều đã được xác nhận rõ. Trong thời gian ngắn, chất nicotine có thể gây ra rối loạn giấc ngủ và trạng thái bần thần cũng như các triệu chứng khác như buồn nôn, ói mửa, đau miệng và lưỡi. 

Tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm kinh doanh thuốc lá điện tử

Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh triển khai văn bản của Bộ Y tế về việc tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cùng phối hợp thực hiện các hoạt động. 

Theo đó, chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống, cần kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn. 

Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới sinh viên, học sinh các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên. 

Chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha, vì các sản phẩm này hiện là những sản phẩm chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung tại văn bản nêu trên, tham mưu đề xuất văn bản chỉ đạo của UBND thành phố để triển khai thực hiện, báo cáo trước ngày 20/4/2021.

Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng các quy định này lại chủ yếu được áp dụng cho thuốc lá điếu truyền thống; Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm.

Do đó, với mặt hàng này, các cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý như các loại hàng hóa thông thường. Quản lý mặt hàng thuốc lá điện tử nói riêng và thuốc lá mới là một vấn đề cần được nghiên cứu để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp trong thời gian tới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng chứng minh thuốc lá điện tử giúp cai nghiện và WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là biện pháp giúp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.

Quỳnh Trang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực gồm những gì?

Tết Hàn thực 3/3 được nhiều gia đình tại Việt Nam khá chú trọng mặc dù việc cúng Tết Hàn thực không phải mâm cao, cỗ đầy như những dịp Tết khác. Chính vì thế mâm cỗ dâng cúng tổ tiên trong ngày này luôn bao gồm một số phẩm vật đặc biệt.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/thuoc-la-dien-tu-xu-ly-nghiem-cac-truong-hop-kinh-doanh-d153585.html