Tình ảo, tan vỡ thật

28/06/2020 17:27

Kinhte&Xahoi So với tình yêu ngoài đời, tình ảo lại có thế mạnh riêng của nó. Tình ảo không bị dính vào chuyện cơm - áo - gạo - tiền mỗi ngày nên sẽ có những khoảnh khắc mơ mộng hơn, lãng mạn hơn. Nhưng…

Tình ảo khiến nhiều gia đình tan vỡ.

Tòa nào phán xét tình ảo?

Cách đây không lâu, đoạn clip với thông điệp “Đừng để cuộc sống ảo cướp đi hạnh phúc thật” đã trở thành tâm điểm chú ý trên mạng. Clip kể về câu chuyện buồn của một đôi trẻ từ lúc mới kết hôn cho tới khi đổ vỡ do cô vợ - một hot Facebooker quá nghiện sống ảo.

Ban đầu, người chồng cố nhắm mắt cho qua việc vợ suốt ngày cắm mặt vào chiếc điện thoại. Tuy nhiên, giọt nước đã tràn ly khi sự quan tâm, chăm sóc của anh, thậm chí những phút giây riêng tư của hai vợ chồng đều biến thành công cụ cho cô vợ sống ảo.

Sau cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng, cô vợ đã cho rằng chồng đối xử không tốt nên đã mượn công cụ livestream để tố chồng với hy vọng hàng trăm fan tại facebook lên tiếng bênh vực mình. Cách “vạch áo cho người xem lưng” của cô vợ đã kết thúc bằng việc người chồng viết đơn ly dị sau một thời gian ngắn chung sống.

Với gia đình trên thì chỉ người vợ sống ảo đã đủ khiến gia đình tan vỡ, nhưng trong xã hội, nhiều gia đình cả vợ, cả chồng đều mải miết “đu mình” trên “sợi dây” sống ảo, để rồi hạnh phúc của họ cũng cheo leo như cảm giác của người đi trên dây mắc giữa hai vách núi. 

B và H là cặp vợ chồng giảng viên đại học, tài giỏi, quảng giao ngang nhau nên sau hai chục năm sống chung cả hai đều không thấy người bạn đời của mình còn hấp dẫn nữa. Biết rằng ngoại tình sẽ chẳng đi đến đâu mà chỉ gây thêm điều tiếng, cả hai vợ chồng đều muốn giải trí cho riêng mình bằng cách tìm đến những câu lạc bộ kết bạn trên mạng để tìm người bạn tâm đầu ý hợp.

Lúc đầu chỉ là thú vui giải trí, nhưng dần dà, cuộc sống ảo, mối tình ảo đó đã choán hết tâm trí của cả hai vợ chồng để rồi có một ngày cả hai dẫn nhau ra tòa ly hôn. 

Điều đáng nói là khi trình bày về lý do ly hôn với thẩm phán, cả hai vợ chồng đều khiến mọi người có mặt hôm đó ngạc nhiên khi cho biết họ tuy đắm chìm của mạng ảo, tình ảo, so sánh nó với tình thật, gia đình thật của mình, nhưng lại chưa hề gặp người tình ảo ở ngoài đời.

“Anh chị nghĩ sao nếu gặp nhau thật sự, anh chị lại thất vọng về mối tình ảo của mình, lúc đó sẽ có phiên tòa nào để phán xét cho sự vỡ mộng này?”. Trước câu hỏi của thẩm phán, hai vợ chồng họ nhìn nhau lúng túng…

Khi facebook là tất cả

Có thể nói, lợi ích của internet thì khó ai có thể phủ nhận, thế nhưng không ít người phải tan cửa nát nhà do đã mê đắm thế giới ấy. Trên thực tế, không ít cặp vợ chồng dùng facebook để xả tức giận và chỉ trích bạn đời.

Chỉ một chút buồn, một chút bất đồng, một chút thất vọng thôi là họ đã sẵn sàng phơi bày những nhược điểm của bạn đời lên facebook, đồng thời thể hiện nỗi bức xúc, bực bội trong từng câu chữ. Rồi dùng facebook để ngoại tình. Nhiều mối quan hệ bắt đầu trên mạng ảo nhưng lại phát triển ở ngoài đời thật. Và rồi, từ tình yêu trên mạng, đến tình yêu “trên giường” và kết cục là “ra đường” khoảng cách không xa nhau là mấy. 

Nhiều cặp vợ chồng còn dùng facebook để theo dõi, dò xét nhau bằng cách lập nick ảo, kết bạn với bạn đời, tìm cách “thả thính” để xem chồng, vợ mình có “đớp mồi” hay không. Và chỉ cần đối phương tương tác lại, ngay lập tức bạn quy kết bạn đời mình lả lơi, lăng nhăng, ong bướm. Mọi nghi ngờ sẽ ngày càng lớn, niềm tin tưởng sẽ vơi dần đi…

Có thể nói rằng, so với tình yêu ngoài đời, tình ảo lại có thế mạnh riêng của nó. Tình ảo không bị dính vào chuyện cơm - áo - gạo - tiền mỗi ngày nên sẽ có những khoảnh khắc mơ mộng hơn, lãng mạn hơn. Chính vì vậy nên rất nhiều người đã và đang dùng nhiều thời gian cho facebook hơn là gia đình. 

Theo kết quả công bố của facebook, Việt Nam là nước có tỉ lệ người truy cập nhiều đứng thứ 7 thế giới và trung bình mỗi người Việt Nam dành 2,5-3 giờ một ngày để lướt facebook. Điều thường thấy ở các buổi tối ở trong mỗi gia đình, là khi hai vợ chồng, con cái mỗi người một chiếc điện thoại có kết nối internet thì mọi câu chuyện kết nối gia đình sẽ chấm dứt. 

Liều thuốc hạn chế duy nhất là trách nhiệm

Tình ảo dường như đang là cách sống của nhiều người, nhất là những cặp đôi không mãn nguyện về nhau như cặp vợ chồng giảng viên B và H nói trên. Tại sao con người ta nhận thức có thừa, học thức cũng không thiếu mà lại sẵn sàng “ném mình” vào vòng tay của tình ảo?

Để trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng cuộc đời con người ta luôn đi tìm những gì mình thiếu. Chính vì thế mới có sự cô đơn. Cuộc sống càng hiện đại, con người ta càng dễ rơi vào cô đơn, càng dễ ngã vào thế giới ảo. 

Nhưng cần biết rằng, tình ảo chỉ lướt bằng ngôn từ khi gõ bàn phím, có khi cũng chỉ là ảo giác và tự biến đi lúc nào không hay. Một trong hai bên bày tỏ nhiều mà vẫn không thấy thỏa mãn, sớm muộn cũng sẽ chán và cảm xúc bắt đầu nhạt dần.

Yêu ảo trên mạng, khi gặp nhau ngoài đời có khi chưa ngồi hết buổi cà phê hò hẹn đã thấy chán và chẳng biết phải làm gì ngoài việc nhìn nhau cười gượng gạo. Trong khi đó, một mối tình ngoài đời thật có thể chạm đến những niềm vui, nỗi buồn của nhau qua những cọ xát đời sống, điều này sẽ tạo nên sự gần gũi, khăng khít theo thời gian. 

Trong một lần trả lời truyền thông, PGS.BS Nguyễn Văn Thọ - Viện Tâm lý ứng dụng cho rằng, người được xem là nghiện internet khi sử dụng trung bình 38 giờ mỗi tuần cho những mục đích không liên quan đến học tập hay công việc, gây hậu quả tiêu cực. Trong đó 35% người nghiện internet dành cho việc chat.

Không ít người do quá say sưa với internet, mối quan hệ hôn nhân và những mối quan hệ thân thiết khác bị phá vỡ. Để can thiệp với những trường hợp trên, chủ yếu bản thân người đó cần ý thức những việc mình làm sẽ gây ảnh hưởng đến những mối quan hệ xung quanh, đến cuộc sống, công việc, gia đình xã hội... thì việc trị liệu hoặc điều trị sẽ khả quan hơn. Nhưng nếu họ cho mình được quyền làm như vậy hoặc tự huyễn hoặc về những điều mình làm là đúng thì khó ai có thể giúp họ.

Còn theo chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ thì liều thuốc hạn chế duy nhất là trách nhiệm. Cuộc sống có là ảo hay thật, người sống có trách nhiệm phải biết dừng và dừng ở giới hạn nào. Cuộc sống gia đình thật mạnh mẽ về vật chất lẫn tinh thần, biết sống có trách nhiệm, chia sẻ và gánh vác khó khăn cùng nhau thì chắc chắn tình ảo không có cơ hội chen chân. 

Gia đình khắp thế giới chao đảo vì mạng ảo

“Đường ai nấy đi” vì mạng xã hội đó là câu chuyện không chỉ ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, “Hôm nay bạn có ly hôn không?” đã trở thành một câu nói đùa mới và phổ biến giữa những người Trung Quốc.

Điều này xuất phát từ thực tế là, tỷ lệ những cặp vợ chồng “đường ai nấy đi” ở đất nước đông dân nhất thế giới đã tăng mạnh từ năm 2004 và một trong những kẻ phải chịu trách nhiệm chính là sự phủ sóng ngày càng đậm đặc của mạng xã hội. Số liệu thống kê từ Bộ Dân chính Trung Quốc cho thấy, nếu tỷ lệ ly hôn ở thập niên 70 thế kỷ XX là 4,7% thì tới thập niên thứ hai của thế kỷ XXI con số đã là hơn 30%.

Theo nghiên cứu về các cặp vợ chồng của tạp chí tiếng Trung Banyuetan, sự hiện diện của mạng xã hội không giúp các đôi uyên ương xích lại gần nhau hơn mà trong một số trường hợp, nó khiến cho tình trạng hôn nhân tồi tệ hơn, thậm chí là đi đến ngõ cụt.

Tại Malaysia, các ứng dụng nhắn tin thông minh như WhatsApp đã trở thành một diễn đàn để các cặp vợ chồng trẻ bày tỏ sự tức giận sau các cuộc cãi vã. Từ đó dẫn đến một thực trạng đáng buồn là nước này có hơn 274.000 vụ ly hôn giữa các cặp vợ chồng Hồi giáo trong 6 năm.

Tại Anh, kết quả khảo sát trên 2.000 người đã kết hôn do Công ty luật Slater and Gordon (Anh) thực hiện hồi tháng 4/2015 cho thấy cứ 7 người thì có 1 người cân nhắc chuyện ly hôn với lý do là việc bạn đời sử dụng mạng xã hội hay các diễn đàn trực tuyến khác.

Tỷ lệ tương tự đối với những trường hợp thừa nhận việc tìm kiếm bằng chứng không chung thủy của bạn đời thông qua mạng trực tuyến. Ngoài ra, 20% người được khảo sát cho biết, tình trạng vợ chồng cãi nhau thường xuyên liên quan đến việc một trong hai người sử dụng mạng xã hội.

Hồng Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thực hư chuyện hiếm muộn đến chùa cầu được con

Với người Á đông, nếu gia đình nào chẳng may hiếm muộn con cái thường bị điều tiếng khá nặng nề. Có lẽ vì thế, không phải ngẫu nhiên, khắp ba miền Bắc – Trung – Nam đều có những đền chùa cầu tự nổi tiếng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tinh-ao-tan-vo-that-d128153.html