Tọa đàm Ký họa chiến trường: Nhật ký bằng hội họa

05/05/2019 10:33

Kinhte&Xahoi Sáng ngày 4/5, buổi tọa đàm với chủ đề “Ký họa chiến trường: Nhật ký bằng hội họa” giữa các họa sĩ và khán giả đã được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom.

Tham gia buổi tọa đàm có các diễn giả là họa sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau như: họa sĩ Lê Thiết Cương – giám tuyển của triển lãm tranh “Ký ức Đường Trường Sơn”, họa sĩ Lê Trí Dũng, họa sĩ Doãn Hoàng Lâm, các họa sĩ lão thành Trần Huy Oánh, Chu Thảo, Nguyễn Đức Dụ cùng nhiều khách mời, khán giả yêu thích thể loại tranh ký họa.

Không gian buổi tọa đàm với chủ đề Ký họa chiến trường - Nhật ký bằng hội họa.

Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, cuộc sống khó khăn, họa phẩm thiếu thốn và thời gian sáng tác các tác phẩm lớn không có, ký họa đã trở thành một công cụ hiệu quả để các họa sĩ nắm bắt kịp thời những sự kiện, diễn biến của cuộc sống thời chiến lúc bấy giờ. Từ đây, ký họa chuyển mình thành một thể loại tranh độc lập bởi tính trực họa, tính nhanh nhạy kịp thời của nó.

Chiếm một vị trí quan trọng đối với nền mỹ thuật Việt Nam, hàng nghìn tác phẩm ký họa với chủ đề kháng chiến của các họa sĩ chuyên và không chuyên đã ghi lại chân thực nhất những thời khắc lịch sử, những góc cạnh khác nhau của cuộc chiến bảo vệ đất nước. Các tác phẩm ký họa như là bộ nhật ký bằng tranh vô giá, phản ánh được sức sống hào hùng của nền hội họa cách mạng Việt Nam.

 
Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Ký ức Đường Trường Sơn.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, họa sĩ Trần Huy Oánh – một trong những bậc thầy của ký họa chiến tranh cho biết, giá trị của ký họa chiến trường không chỉ nằm ở kỹ thuật mà chính là ở thần thái, tinh thần của đối tượng mà người nghệ sĩ nắm bắt được; ký họa không nhằm mô tả chính xác cái bên ngoài mà ghi lại cảm xúc, tinh thần của người họa sĩ về cuộc sống hiện thực, chính vì thế mà nửa thế kỷ sau, người ta xem lại vẫn thấy xúc động.

Họa sĩ Trần Huy Oánh – một trong những bậc thầy của ký họa chiến tranh tham gia buổi tọa đàm.

“Ký họa của Việt Nam không phải chỉ là nghiên cứu mà có ý thức diễn đạt một tình cảm, ý tưởng nào đó trong không gian lúc bấy giờ. Nếu như những ký họa tốt thì bản thân ký họa là một tác phẩm hội họa chứ không hoàn toàn chỉ còn là ký họa trực tiếp nữa.”, họa sĩ Trần Huy Oánh nhận định.

Nói về ý nghĩa của buổi tọa đàm Ký họa chiến trường: Nhật ký bằng hội họa, họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ, buổi tọa đàm cũng như triển lãm tranh “Ký ức Đường Trường Sơn” như lời nhắc nhở mọi người trong đó có thế hệ sau rằng ký họa là một thể loại tranh độc lập, đây cũng là cơ hội để cho các bạn trẻ có niềm đam mê, yêu thích thể loại ký họa hiểu thêm và có thể phát triển được thể loại tranh này.

Khách mời và khán giả được chiêm ngưỡng với hơn 200 tác phẩm ký họa được triển lãm tại VCCA.

Cũng tại buổi tọa đàm, khách mời và khán giả được chiên ngưỡng hơn 200 bức tranh/ký họa vẽ trong chính thời chiến bảo vệ đất nước theo đề tài đường Trường Sơn.

Đây là cuộc trưng bày nghệ thuật có quy mô lớn, dài ngày nhất từ trước tới nay ở Việt Nam với chủ đề “Ký ức Đường Trường Sơn”, bắt đầu từ ngày 26/4 – 26/5/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật đường đại Vincom (VCCA).

Theo HATAP

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM