TP.HCM: Bùng nổ dự án ‘ma’, người mua cần cẩn trọng

06/12/2020 11:37

Kinhte&Xahoi Từ đầu năm 2020 tới nay, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bất động bán tại TP.HCM liên tục bị bắt, khởi tố vì lừa đảo, rao bán dự án “ma”. Tuy nhiên, tình trạng này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.

Bùng nổ dự án “ma”

Ngày 4.12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TP.HCM (PC03) cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trương Tuấn Em, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Eagle Land để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, mặc dù biết rõ khu đất ở phường Phú Hữu, quận 9 (phần lớn là đất nông nghiệp) chưa hoàn thành việc chuyển nhượng, chưa lập thủ tục xin thành lập dự án, chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng Công ty Eagle Land tự lập bản vẽ, phân lô thành 29 nền đất có diện tích từ 50m2 đến 80m2, lập khống dự án khu dân cư với tên gọi “khu dân cư mới Gò Cát – Phú Hữu, quận 9” rồi rao bán.

Khách hàng căng băn rôn tố chủ đẩu tư lừa đảo, bán dự án "ma" ở quận 2. Ảnh: PD

Khi có khách hàng liên hệ, nhân viên Công ty Eagle Land giới thiệu với khách hàng rằng Công ty Eagle Land đang thực hiện dự án trên và sẽ sang tên chuyển nhượng đất cho người mua trong vòng 3 tháng. Tổng cộng 22 khách hàng bị chiếm đoạt hơn 41,5 tỉ đồng.

Mới đây, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, ông Hoàng Mạnh Cường đã vẽ ra 5 dự án “ma” tại TP.HCM, với gần 200 nền đất để lừa đảo 80 khách hàng, thu về số tiền khoảng 100 tỉ đồng.

Vào tháng 8, PC03 cũng cho biết đang điều tra sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và dịch vụ bất động sản Vũ Gia Phát và Công ty cổ phần Bất động sản Việt Á Châu. Theo PC03, Công ty Vũ Gia Phát và Công ty Việt Á Châu đều không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện các dự án nhà ở nhưng hai doanh nghiệp này vẫn ký hợp đồng thỏa thuận để bán và thu tiền của khách hàng 3 dự án tại huyện Hóc Môn.

Ba dự án này có tên gọi Gia Phát Garden tại xã Tân Hiệp, dự án khu dân cư New Star tại xã Đông Thạnh và dự án Dragon Center tại thửa đất số 376, tờ bản đồ số 10, 11, xã Xuân Thới Sơn. PC03 xác định đây là các dự án không có thật nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Trước đó, Công an TP.HCM bắt giam bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng địa ốc Thiên Ân Phát, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, bà Phúc bằng nhiều cách khác nhau đã phù phép các thửa đất nông nghiệp tại quận 9 thành dự án đất nền rồi bán cho hàng chục khách hàng chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng. Thậm chí, cùng một thửa đất nhưng bà Phúc đã bán cho 4 cá nhân, tổ chức khác nhau.

Hồi tháng 7, PC03 đã quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam Nguyễn Thị Diệu Thúy (36 tuổi, ngụ quận 8), Giám đốc Công ty Tiên Phong Land về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới nhiều dự án đất nền “ma” do công ty này tự ý vẽ ra…

Cẩn trọng với các dự án phân lô bán nền trên đất nông nghiệp

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, điểm chung của các dự án “ma” vừa bị công an phanh phui là có một số người lập ra công ty môi giới bất động sản. Sau đó, họ hợp tác với một vài chủ đầu tư hoặc người có đất bằng nhiều hình thức khác nhau như mua đất nông nghiệp, ký giấy đặt cọc mua đất, hợp đồng hợp tác… rồi vẽ ra các “dự án ma” nhằm chiêu dụ khách hàng giao dịch trên giấy và thu tiền.

Luật sư Phượng nói rằng nguyên nhân để xảy ra tình trạng nhan nhản dự án "ma” là do việc quản lý lỏng lẻo. Nhiều người tự ý làm hạ tầng đường, vỉa hè, phân lô trên đất nông nghiệp mà không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, nhưng chính quyền địa phương không xử phạt, không áp dụng biện pháp trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định Luật đất đai.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết ngay từ năm 2017, phía hiệp hội đã đưa ra những cảnh báo về việc rao bán dự án "ma". Thủ đoạn của các dự án “ma” là những người lừa đảo tìm nhiều khu đất có diện tích từ vài ngàn mét vuông theo hình thức hợp tác đầu tư với chủ sử dụng đất hoặc mua đất nông nghiệp giá rẻ, thậm chí chiếm đất công rồi tự vẽ ra dự án với tên gọi mỹ miều. Sau đó, cho nhân viên mang phát tờ rơi trên đường, quảng cáo trên mạng… bán đất nền. Các nạn nhân dù chưa tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án nhưng do ham rẻ đã vội vàng xuống tiền.

Ông Châu cho rằng tình trạng các dự án "ma" được rao bán ồ ạt đến từ việc các đầu lậu, công ty bất động sản hoạt động bất lương, bất chấp thủ đoạn để chèo kéo, thậm chí lừa đảo khách hàng.

Vì vậy, ông Châu cảnh báo người dân có nhu cầu mua đất mua nhà cần quan tâm lưu ý đến uy tín thương hiệu của chủ đầu tư; phải kiểm tra kỹ lưỡng pháp lý dự án, các loại giấy tờ đất đai, giấy phép xây dựng.

Người mua cần xem xét đất có bị thế chấp hay không, đã đủ điều kiện huy động vốn theo văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng. Đặc biệt, khách hàng nhất định phải xuống thực tế dự án, đối chiếu với các thông tin quy hoạch, quyền sở hữu để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Mặt khác, để ngăn chặn các dự án “ma”, Chủ tịch HoREA nói rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là chính quyền các địa phương cần có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu nậu, doanh nghiệp núp bóng người sử dụng đất để thực hiện tách thửa, phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật trên địa bàn.

 Phan Diệu - Theo Người Đô thị

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hội chứng “lồng son”

Dần dà chị nhận ra, đã từ lâu lắm vợ chồng chị sống với nhau như một đôi bạn già cùng giới. Cuộc sống gia đình chẳng có gì thay đổi cả, việc ai người nấy làm, ăn tối và lên giường, thức dậy và đi làm cùng nhau, cái duy nhất khác là tất cả những cái đó, kể cả sinh hoạt vợ chồng diễn ra như một sự mặc định, không có cảm xúc nào trong đó.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/tphcm-bung-no-du-an-ma-nguoi-mua-can-can-trong-d142614.html