TP.HCM kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các khu di tích

29/02/2024 14:26

Kinhte&Xahoi UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Công tác này nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng về vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc.

Theo UBND TP.HCM, mục đích kiểm tra nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố. Thông qua công tác kiểm tra giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của thành phố.

TP.HCM kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các khu di tích

Về đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Nội dung kiểm tra là việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.

Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa có lối thiết kế độc đáo, hiện đại tại TP.HCM

UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.

Đồng thời, nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch.

Dịp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, rất đông người dân đi lễ chùa cầu bình an, may mắn

Để thực hiện kế hoạch trên, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và Sở Nội vụ tham mưu UBND TP trong việc chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Đồng thời Sở tổng hợp kết quả kiểm tra trên địa bàn Thành phố do Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện báo cáo; trình UBND TP ký duyệt, gửi Bộ Tài chính.

Ngoài ra, các đơn vị cần có văn bản cung cấp danh mục di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố gửi Sở Tài chính và UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện để làm căn cứ kiểm tra.

Du khách ngắm cảnh bên hồ cá tại chùa Vĩnh Nghiêm

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn mình quản lý có địa chỉ được xác định tại danh sách của Sở Văn hóa và Thể thao.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích về mục đích, đối tượng và nội dung kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Cuối tháng 10 năm ngoái, sau khi thí điểm kiểm tra quản lý, sử dụng tiền công đức tại Quảng Ninh, Bộ Tài chính hướng dẫn các tỉnh, thành kiểm tra tiền công đức tại các di tích. Kinh phí chi cho công tác kiểm tra trích từ nguồn dự toán ngân sách chi thường xuyên năm 2024.

Đỗ Quyên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://phapluatplus.vn/tphcm-kiem-tra-viec-quan-ly-tien-cong-duc-tai-cac-khu-di-tich-196238.html