Trân trọng lịch sử

25/03/2020 10:50

Kinhte&Xahoi Đó là thái độ ứng xử của một số người đối với sắc phong, kể cả những người lưu trữ giữ gìn, cố công tìm kiếm, khôi phục văn tự, phục chế văn bản, dịch ra quốc ngữ và cung cấp những tư liệu chính xác của một thời kỳ lịch sử đã phủi bụi thời gian và trải qua nhiều biến cố.

Một buổi rước sắc phong về làng.

Sắc phong mà chúng ta đang đề cập là “sắc phong thần”, khác với loại sắc phong chức tước, một văn bản do chính nhà vua ban ra, xác nhận và phong tặng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng.

Các vị thần được dân làng thờ phụng (Thành hoàng) này là các nhân vật lịch sử có công với nước, với dân hoặc các vị thần linh trong huyền thoại, ngoài ra, sắc phong thần cũng được dành cho những nhân vật bình thường, chỉ là người dân nhưng có công khai khẩn lập làng, lập xã, truyền dạy nghề nghiệp,... đối với cộng đồng dân cư.

Sắc phong trở thành tư liệu lịch sử có giá trị bởi qua đó, có thể biết chính xác tên tuổi, nghề nghiệp, công trạng, niên đại... của người được phong và có tái hiện giai đoạn lịch sử đó, vì thế sắc phong là một tài liệu rất đáng tin cậy của một vùng, một địa phương hoặc cả một thời kỳ lịch sử.

Là tư liệu cổ, lưu giữ giá trị lịch sử và giá trị Việt trong cộng đồng và trải qua nhiều biến thiên lịch sử, sắc phong hiện còn lại không nhiều nhưng cực kỳ quý giá. Sắc phong, tiếc thay, lại trở thành đối tượng săn lùng của kẻ xấu, của bọn đạo chích. Việc đánh cắp các bản sắc phong này trở nên dễ dàng bởi nơi lưu giữ thường ở các cơ sở tâm linh, ít người trông coi hoặc không có người trông coi.

Sắc phong cũng chưa được pháp luật coi là khách thể được bảo vệ nghiêm ngặt, do vậy bị đánh cắp khá nhiều. Lo ngại trước điều này nên những người có tâm và hiểu giá trị của sắc phong đã tìm mọi cách để bảo vệ, kể cả mua lại những sắc phong bị đánh cắp. Đó là việc làm tốt đẹp, một nghĩa cử cao cả.

Song, không chỉ có những “hiệp sỹ” bảo vệ sắc phong, truy tìm và trả lại đúng địa chỉ mà còn cả một đội ngũ âm thầm làm việc và cống hiến tận tụy để những bản sắc phong được lưu giữ, bảo tồn và cất lên tiếng nói của mình về một giai đoạn lịch sử, chiến công hoặc công trạng của nhân thần hay nhiên thần, không những giúp cho một cộng đồng biết về lịch sử ông cha mà còn khai mở con đường trở về với cội nguồn văn hóa, thức dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Họ là những người cẩn trọng giữ gìn sắc phong, coi như bảo vật, kệ những thăng trầm lịch sử. Họ là những người tìm kiếm những bản sắc phong bị lưu lạc, là những người cặm cụi phục chế sắc phong, dịch nghĩa và tôn lên giá trị văn hóa, lịch sử của sắc phong. Đó cũng là một cách bảo vệ và giữ gìn, phát huy giá trị của sắc phong vào đời sống hôm nay.
 
Do giá trị đặc biệt của sắc phong (độc bản, đơn hành, cho một nhân vật, một địa phương cụ thể) mà không thể có khái niệm “nhà sưu tập sắc phong”, nói cách khác, không thể giữ sắc phong thần cho riêng mình.

“Chỗ ở” chính danh của sắc phong là ở nơi thừa tự các vị được nhà vua phong thần, hoặc là trong các bảo tàng văn hóa – lịch sử – nơi giữ gìn và trưng bày để lan tỏa đến cộng đồng hoặc nhà nghiên cứu giá trị của sắc phong.

Có những lớp học tiếng Hán Nôm được mở ra bởi các ông thầy tâm huyết và học trò yêu thích loại từ ngữ này. Họ học chữ, luyện chữ, viết thư pháp nhưng mục đích thì rất đáng trọng, không chỉ là sự di dưỡng tinh thần, khám phá cổ tự mà còn là quá trình khai thác những giá trị văn hóa quá vãng bị chìm lấp nhiều năm, cuộn trong ống tre hay hộp gỗ.

Nhờ đó, các bản sắc phong hoặc ngọc phả được chép lại, dịch ra làm sáng tỏ sự tích, nguồn gốc của nhân vật được phong thần cùng các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng và tâm linh.

Sắc phong “sống lại” các giá trị văn hóa và lịch sử với ý nghĩa không chỉ là bảo tồn cùng thời gian mà còn giữ gìn truyền thống đạo lý tốt đẹp của cha ông, rất cần thiết và bổ ích cho đời sống tinh thần đương đại. Đó không chỉ đơn thuần là bảo vệ sắc phong mà còn là khơi thông dòng chảy văn hóa, bồi đắp giá trị nhân văn.

Những người bảo vệ đó chúng ta gọi họ là “hiệp sỹ văn hóa”, “nhân sỹ” nhưng trong bản chất họ là những hiền sỹ đích thực, những sỹ phu của thời đại mới, âm thầm cống hiến tâm lực trong việc khai mở lớp trầm tích văn hóa, góp phần chấn hưng tinh thần đạo lý truyền thống, lịch sử dân tộc.   

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tôn vinh bánh mì và văn hóa ẩm thực Việt

Sau những tôn vinh danh nhân văn hóa: Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Xuân Quỳnh, ngày 24-3, Google công bố "Google Doodle Bánh mì" - hình ảnh động của ổ bánh mì Việt Nam trên trang chủ Google Việt Nam cùng trang chủ Google của 10 quốc gia khác. Lần nữa, ta lại thấy sức lan tỏa của ổ bánh mì Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tran-trong-lich-su-d120159.html