Có thể nói chúng đã “hết thời” bởi nhịp sống công nghệ và thế giới ảo đã làm những đứa trẻ quên đi hoặc không hề biết đến thứ “đặc sản” trong văn hóa dân gian dành riêng cho tuổi thơ trẻ em Việt Nam một thời.
Nhiều trò chơi dân gian chỉ biết tới qua sách báo.
Gìn giữ chưa hiệu quả
Quả thực, nhiều năm gần đây, tốc độ đô thị hóa và sự du nhập của công nghệ, đặc biệt là các trò chơi điện tử, giới trẻ ngày nay thiếu chỗ chơi, thiếu các giá trị tinh thần cũng như giá trị văn hóa sinh động đã dần bị mai một.
Thực tế chỉ ra rằng, các trò chơi dân gian như chơi chuyền, rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba, ô ăn quan, nu na nu nống, kéo cưa lừa xẻ, bịt mắt bắt dê… nhiều năm qua trở nên xa lạ, thậm chí không còn được nhiều em nhỏ từ thành thị đến nông thôn biết đến. Thay vào đó, các em nhỏ bị cuốn vào những trò giải trí hiện đại như game, các cuộc thi ca hát, giải trí trên sóng truyền hình... mà hại nhiều hơn lợi.
Các em nhỏ bị cuốn vào những trò giải trí hiện đại.
Trở về làng quê ngày đổi mới, khi mà người lớn vẫn phải “nai lưng” trên những cánh đồng làm ruộng; để bắt gặp được cảnh đám trẻ còn nô đùa thả diều, đuổi bắt nhau trên những miền quê cũ lại là một điều hiếm gặp.
Nhiều bố mẹ tỏ ra lo lắng khi trẻ em ngày nay lớn lên phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Trẻ em ngày nay có thể biết đến nhiều loại văn hóa Âu -Á, nội - ngoại nhưng lại thờ ơ với văn hóa vùng đất mẹ đẻ mà mình được sinh ra và lớn lên.
Những năm gần đây, nhiều cơ quan tổ chức đã chủ trương xây dựng nhiều chương trình nhằm giữ gìn vốn văn hóa đặc sắc, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả. Chuỗi các chương trình được phát động như tổ chức các chương trình nghệ thuật dân gian đường phố, hay việc lồng ghép các trò chơi dân gian vào hoạt động ngoài giờ của học sinh bước đầu thu được những kết quả đáng mong đợi.
Tuy nhiên, những chương trình này chỉ đạt hiệu quả trong thời gian ngắn, bởi đa số tâm lý con người chỉ có hứng thú vào thời gian đầu và việc dễ dàng bị quên lãng ngay sau đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Đặc biệt là dưới tác động của đô thị hóa, không gian của trò chơi dân gian bị thu hẹp và thay vào đó là các loại hình trò chơi hiện đại mang nặng tính cá nhân, nguy cơ lãng quên đi tính cộng đồng trong mỗi trò chơi dân gian.
Theo đó, nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại khiến các bậc cha mẹ bận rộn với công việc và khi mà người lớn lãng quên, trẻ em không được tiếp xúc, trò chơi sẽ không còn chỗ đứng trong môi trường xã hội... Tất cả đã khiến việc nhìn nhận, đánh giá về vai trò vị trí, ý nghĩa của trò chơi dân gian trở thành nhạt nhòa và dần bị lãng quên.
Bảo tồn nét văn hóa đặc sắc
Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội: “Phục dựng trò chơi dân gian chính là phục dựng văn hóa, tín hiệu tốt đẹp của đời sống văn hóa hòa bình. Tuy nhiên, nhiều trò chơi hiện nay phục dựng chỉ với ý nghĩa bảo tồn chứ chưa tạo điều kiện để chúng trở về đời sống, nơi nó được sinh ra”.
Đơn cử, tại các lễ hội truyền thống của dân tộc, nhiều địa phương chủ trương tổ chức các trò chơi dân gian: đu quay, ném còn... nhằm khơi gợi cũng như nhắc nhở người dân nhớ về tục lệ truyền thống của dân tộc.
Tuy vậy, những lễ hội truyền thống vẫn chỉ mang màu sắc thưởng thức, mang tính thời vụ, nên trôi qua rất dễ dàng trong đời sống của người Việt hiện đại. Lo ngại rằng, nếu các bậc phụ huynh không dành quỹ thời gian của con trẻ cho tiếp xúc với các trò chơi dân gian thì chúng cũng khó bề tự tìm hiểu hoặc tự tiếp cận được.
Qua đó cho thấy, nhìn vào bề dày văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian đang bị thất thế đầy “cay đắng” trước những trò chơi thời 4.0 trên laptop, smartphone… Thực tế này đặt ra một thách thức lớn, một bài toán khó đối với những người làm văn hóa, các cơ quan chức năng về việc bảo tồn trò chơi văn hóa dân gian như thế nào, để lưu giữ một nét văn hóa lâu đời của người Việt không bị phai nhạt theo dòng chảy hiện đại, trước xu thế văn hóa ngoại nhập.
Trả lời truyền thông, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận định: “Trò chơi dân gian không chỉ giúp tâm hồn trẻ trong sáng, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Các trò chơi dân gian ở nước ta thường đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc”.
|
Một tài khoản facebook tên Thùy Linh chia sẻ: “Thời xưa, trẻ em lớn lên trong sự thiếu thốn của hoàn cảnh, nhưng có lẽ tuổi thơ của chúng lại giàu có trong tâm hồn, hành trang theo chúng lớn lên là kỷ niệm về những cây chuyền gắn với điệu vè, câu đồng dao, tiếng sáo vi vu, là những trận mưa rào mùa hạ bất chợt để lũ trẻ viện cớ thả mình vào dòng mưa, hay cái trò bịt mắt bắt dê, trốn tìm dưới ánh trăng dịu mát đêm rằm.
Trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ là thứ trò chơi vô bổ mà ẩn chứa giá trị tinh thần của người Việt từ bao đời nay. Song ngày nay, tất cả chỉ còn là một dấu lặng trong sự tiếc nuối của bao con người yêu văn hóa dân gian”. |
Theo Pháp luật Plus