Tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép nếu sử dụng rượu, bia khi lái xe?

04/09/2019 10:04

Kinhte&Xahoi Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 do Bộ Tư pháp xây dựng.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 41/142 điều của Luật XLVPHC; sửa kỹ thuật 10/142 điều của Luật XLVPHC; bổ sung mới 03 điều; bãi bỏ 02 điều sửa đổi, bổ sung 01 điều của Luật thanh tra số 56/2010/QH12.

Theo đó, tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực; Sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật XLVPHC để quy định về cách thức xác định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể; Bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh…

Đặc biệt, hiện nay, các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất,. Các quy định này cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chính đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cụ thể là: Bỏ quy định về việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định; sửa đổi quy định tại Điều 131 Luật XLVPHC về việc giao tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định vì không có tính khả thi. 

Dự thảo cũng bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới (ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các hoạt động dịch vụ khác đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; chấm dứt hiệu lực giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động). Bởi hiện nay, trên thực tế, có những trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt nhưng không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế được quy định trong Luật hiện hành vì không phù hợp, cần phải có những biện pháp cưỡng chế khác phù hợp hơn. Và biện pháp cưỡng chế  nói trên được cho là hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vi phạm, do vậy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nào, trong trường hợp nào phải do Quốc hội quy định trong Luật, chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành các biện pháp đã được Luật quy định.

Trong quá trình triển khai thi hành Luật XLVPHC, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức xử phạt mới trong dự thảo Luật như: Tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (để xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông); buộc lao động phục vụ cộng đồng… Có 02 loại ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất, cần thiết phải bổ sung các hình thức xử phạt nêu trên trong dự thảo Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Loại ý kiến thứ hai, không nhất trí bổ sung một số hình thức xử phạt mới trong dự thảo Luật, bởi đây là vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, do vậy, cần được tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể để bổ sung khi xây dựng Luật thay thế Luật XLVPHC; trong điều kiện chỉ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC như hiện nay thì việc bổ sung quy định nêu trên là không phù hợp.

Bên cạnh đó, việc xem xét tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với lái xe thực hiện các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng chưa phải là giải pháp căn cơ, triệt để, vì “phần gốc” của vấn đề là công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải, kiểm định phương tiện vận tải, công tác hậu kiểm… Cần phải tiến hành đồng bộ, siết chặt, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của các công tác này trên thực tế.

Còn việc liên quan đến biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng, theo quy định của Công ước về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Công ước số 29), 1930 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì việc bắt buộc lao động là bị cấm. Vấn đề này cũng đã được trao đổi, báo cáo Quốc hội tại thời điểm trình Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Bên cạnh đó, cũng phải tính đến tính khả thi trong khâu tổ chức thực hiện: Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào theo dõi, kiểm tra, giám sát việc lao động công ích; chi phí phát sinh cho công việc này…? Do đó, các ý kiến đề xuất cần xem xét thận trọng khi đưa vào các quy định mới nói trên. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ghi chép ở một cung đèo bình yên

Con đèo ấy không hiểm trở mà như một sợi dây khổng lồ kết nối 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Có lẽ, đó là con đèo độc đáo nhất ở xứ Nam Tây Nguyên. Độc đáo chẳng phải vì nó ẩn chứa nhiều điều kỳ bí mà độc đáo bởi những ân tình, những đổi thay, nếp sống của bao phận người. Đó là đèo Đắk Nuê (nối liền hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng).

Nguồn: Pháp luật Plus