UBND quận Bắc Từ Liêm cưỡng chế trường học, giáo viên, học sinh chỉ biết… kêu trời

12/06/2019 09:15

Kinhte&Xahoi Sáng ngày 11/6, lực lượng chức năng quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành cưỡng chế công trình trường học khiến cho phụ huynh, học sinh đau xót chỉ biết... kêu trời.

Công trình vi phạm mà lực lượng cưỡng chế quận Bắc Từ Liêm san phẳng nằm tại lô đất NT, TH1 thuộc phường Cổ Nhuế 1.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc cưỡng chế vào sáng ngày 11/6 là do chủ đầu tư công trình trường học là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục TDS Việt Nam (Công ty TDS) xây dựng sai so với giấy phép được cấp.

Video cuộc cưỡng chế công trình trường học của UBND quận Bắc Từ Liêm vào sáng ngày 11/6.



Phản ánh tới toà soạn, lãnh đạo Công ty TDS cho biết, trong công văn số 834/UBND-KGVX ngày 4/3/2019 của UBND TP Hà Nội do ông Ngô Văn Quý- PCT UBND TP ký nêu: Đảm bảo an ninh trật tự khu vực, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội làm ảnh hưởng hoạt động giáo dục trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1.

Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng ngày 3/11/2016 giữa bà Lê Thị Bích Dung và bà Trần Kim Phương nếu không tự giải quyết được thì có đơn gửi Tòa án giải quyết. Về việc này hiện nay TAND quận Bắc Từ Liêm đang thụ lý vụ án.

 
 
Công trình bị phá tan hoang.

Mặc dù văn bản 834 nêu rất rõ như vậy, nhưng không hiểu sao, ngày 3/4/2019, UBND quận Bắc Từ Liêm lại ban hành văn bản số 1226/UBND-GD&ĐT đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép tiến hành cưỡng chế đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Đề xuất này không đúng với nội dung tinh thần chỉ đạo tại công văn số 834 của UBND TP Hà Nội. Mặc dù vậy, ngày 27/5/2019, ông Nguyễn Kim Vinh- PCT UBND quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành ký Thông báo cưỡng chê vi phạm trật tự xây dựng tại ô NT, TH1, khu đô thị Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1.

Và đến sáng ngày 11/6, lực lượng chức năng quận Bắc Từ Liêm đã huy động máy móc đến phá công trình nơi các học sinh đang được theo học tại đây.


Lực lượng chức năng quận Bắc Từ Liêm cùng với giáo viên, phụ huynh theo dõi vụ cưỡng chế.

Có mặt tại địa điểm nơi diễn ra vụ cưỡng chế nhà trường, PV báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận, dẫn đầu lực lượng cưỡng chế có đầy đủ các ban bệ như Chủ tịch UBND quận là ông Trần Thế Cương; PCT UBND quận Nguyễn Kim Vinh; Chánh văn phòng UBND quận, lãnh đạo CA quận, lực lượng thanh tra xây dựng…

Sau vài tiếng đồng hồ với máy móc thiết bị, cùng với sự chỉ đạo rất quả quyết của lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm, rất nhiều hạng mục nhà trường đã bị máy móc xô đổ, gạch đá vung vãi khắp nơi.
 
Tại buổi cưỡng chế có rất nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh chứng kiến buổi cưỡng chế đều ngao ngán và lắc đầu, họ tâm sự: “Tôi không hiểu sao UBND quận Bắc Từ Liêm lại quyết liệt cưỡng chế công trình trường học đến như vậy, trong khi trên địa bàn quận còn rất nhiều công trình khác vi phạm trật tự xây dựng nhưng không thấy UBND quận đả động đến”.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương dẫn đầu kiểm tra việc cưỡng chế.

Còn phía lãnh đạo Công ty TDS thì cho biết: “Công trình trường học của Công ty chỉ có sai giấy phép 1 tầng thì bị UBND quận Bắc Từ Liêm cưỡng chế thần tốc. Trong khi đó ngay bên cạnh một công trình 7 tầng nguy nga xây dựng không phép thì UBND quận Bắc Từ Liêm lại làm ngơ”.

“Công ty TDS đã có văn bản kiến nghị UBND quận Bắc Từ Liêm xem xét lại trường hợp vi phạm vì mục tiêu phát triển giáo dục Thủ đô để ngừng việc cưỡng chế. Tuy nhiên những kiến nghị này bị UBND quận bỏ ngoài tai”, vị lãnh đạo Công ty TDS cho hay.

"Chính vì không thể làm thay đổi suy nghĩ của lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm nên nhà trường đã buộc phải sơ tán hàng trăm học sinh đi nơi khác để chính quyền quận này tổ chức cưỡng chế", lãnh đạo Công ty TDS chua xót nói.

Cũng theo vị lãnh đạo Công ty TDS, hành động của UBND quận Bắc Từ Liêm cho thấy có dấu hiệu của việc ưu ái doanh nghiệp này và hành doanh nghiệp khác.

Theo tìm hiểu của PV báo Pháp luật Việt Nam, hiện Công ty TDS đã gửi đơn tố cáo một số lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm tới Ủy ban kiểm tra Trung ương, Thành ủy, UBND TP Hà Nội; Ủy ban kiểm tra Thành ủy…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

 Theo Pháp luật Plus


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch tâm linh thế nào để không phản tác dụng?

Thời gian gần đây, ở Việt Nam, chúng ta mới nghe nói nhiều đến cụm từ “du lịch tâm linh”, nhưng thực ra đó là cụm từ không mới ở nhiều quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa, tôn giáo, từ phương Đông tới phương Tây. Vấn đề quan trọng ở chỗ làm sao để du lịch tâm linh thực sự trở thành nơi con người tìm về với đức tin, nguồn cội để dưỡng thiện tâm hồn mình, thay vì bị động cơ trục lợi “lấy thánh, thần ra kinh doanh” làm biến tướng…