Vaccine Covid-19 và bức tranh trái ngược trên toàn cầu

16/05/2021 10:41

Kinhte&Xahoi Trong khi các nước giàu đẩy mạnh việc dự trữ vaccine Covid-19 cho người dân, thậm chí giới chức Mỹ còn đang đối phó tình trạng dư thừa, nhiều quốc gia nghèo vẫn chưa có bất kỳ liều vaccine nào.

Việc phát triển thành công một số loại vaccine hiệu quả ngừa Covid-19 trong vòng chưa đầy một năm thực sự là kỳ tích của nhân loại. Tuy nhiên, cũng vì thế mà bức tranh đối lập giữa nước giàu và nước nghèo được khắc họa rõ nét hơn.

Trong khi giới chức Mỹ đau đầu ứng phó với cuộc khủng hoảng thừa vaccine, thậm chí là lựa chọn vaccine thì rất nhiều quốc gia khác từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh… vẫn đang trong “cơn khát” vaccine và kỳ vọng vào nó để thoát khỏi đại dịch, quay trở lại cuộc sống bình thường.

Các nước giàu hái “quả ngọt” nhờ vaccine

Nhờ chiến dịch tiêm ngừa vaccine thần tốc, hôm 13/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã thông báo dỡ yêu cầu đeo khẩu trang với những người tiêm đủ liều vaccine Covid-19, động thái được Tổng thống Joe Biden đánh giá là cột mốc vĩ đại trong cuộc chiến chống dịch.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 13/5, Tổng thống Biden tuyên bố chiến thắng lớn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 36 triệu người nhiễm và gần 600.000 trường hợp thiệt mạng. "Tôi nghĩ đó là một cột mốc vĩ đại và có thể đạt được nhờ thành công phi thường mà chúng ta đã có trong việc tiêm phòng nhanh chóng cho rất nhiều người dân”, ông Biden cho biết.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13/5 tuyên bố chiến thắng lớn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 nhờ chiến dịch tiêm vaccine thần tốc. Ảnh: AP

Dữ liệu thu thập được cho thấy các vaccine Covid-19 đã được cấp phép ở Mỹ đạt hiệu quả rất cao, không chỉ trong việc ngăn triệu chứng và lây lan. Hiện đã có gần 60% người trưởng thành ở Mỹ được tiêm một hoặc hai mũi vaccine.

Không chỉ Mỹ, hàng loạt nước châu Âu bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19 nhờ việc đẩy nhanh chương trình tiêm ngừa vaccine Covid-19.

Ngày 10/5, Ireland đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại trong nước và bắt đầu một giai đoạn mở cửa trở lại. Hy Lạp cũng thông báo mở cửa trở lại các nhà trẻ, trường tiểu học và các trường trung học cơ sở. Trong khi đó, Vương quốc Anh, quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu, cũng dự kiến sẽ thông báo việc mở cửa trở lại các quán rượu và nhà hàng, đồng thời cho phép các cuộc thăm hỏi giữa bạn bè và gia đình. Đây được xem là biện pháp nới lỏng mới nhất của quốc gia đã chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) này sau chiến dịch tiêm chủng thành công.

Trong khi các chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh đã cho phép một số quốc gia giàu có bắt đầu thực hiện các bước trở lại cuộc sống bình thường, thì nhiều quốc gia nghèo vẫn chưa tiếp cận được với bất kỳ liều vaccine nào.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, gần một chục quốc gia, phần lớn tại châu Phi, vẫn đang mỏi mắt chờ vaccine Covid-19. Những nước chưa có vaccinen tại châu lục này, ngoài Chad còn có Burkina Faso, Burundi, Eritrea và Tazania.

WHO cảnh báo: “Tình trạng chậm trễ và thiếu nguồn cung vaccine đang khiến các quốc gia châu Phi tụt lại phía sau các châu lục khác trong việc triển khai tiêm vaccine Covid-19. Châu Phi hiện chỉ chiếm 1% số vaccine ngừa Covid-19 được tiêm trên toàn cầu”.

Còn tại Ấn Độ - quốc gia đang bị nhấn chìm trong làn sóng Covid-19 thứ hai, dù là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn dự trữ do nhu cầu quá lớn.

Tính đến ngày 13/5, quốc gia Nam Á này mới thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho hơn 38,2 triệu người, tương đương 2,8% trong dân số 1,35 tỷ. Theo báo cáo của WHO, Ấn Độ chiếm một nửa trong tổng số ca Covid-19 và 30% số ca tử vong trên toàn thế giới tuần qua. Biến chủng B.1.617 đã được WHO xếp vào nhóm "đáng lo ngại" bởi lây lan nhanh hơn bản gốc và có khả năng né vaccine.

Vì sao thế giới vẫn “khát” vaccine?

Hàng chục quốc gia chỉ mới bắt đầu tiêm vaccine với số lượng hạn chế, hàng chục quốc gia khác, đặc biệt là tại châu Phi, thậm chí còn chưa được tiếp cận vaccine Covid-19.

Tạp chí The Economist dẫn số liệu từ dự án Our World in Data của Đại học Oxford chỉ ra rằng, tại khu vực châu Phi đến nay chỉ 1% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Ở châu Á, con số này là 4,4%. Còn tại khu vực châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ này lần lượt là 22% và 44%.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom hôm 14/5  lên tiếng kêu gọi các nước giàu cần xem xét lại kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em, mà thay vào đó dành tặng vaccine ngừa Covid-19 cho chương trình Covax để chia sẻ cho các quốc gia nghèo hơn.

Một rào cản trên con đường tiêm chủng là năng lực sản xuất vaccine trên toàn cầu còn hạn chế. Thế giới chỉ có số lượng nhất định nhà máy và nhân công sản xuất vaccine, vốn đã hoạt động hết công suất trước khi đại dịch bùng phát.

Sarah Schiffling - chuyên gia về chuỗi cung ứng dược phẩm và cứu trợ nhân đạo Đại học Liverpool John Moores, nói rằng các nhà máy không thể đột ngột ngừng sản xuất các loại vaccine khác, thay vào đó chỉ có thể song song sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

“Về cơ bản, chúng tôi tăng gấp đôi sản lượng. Chuỗi cung ứng ở mức độ này thường mất nhiều năm mới hoàn thành" – chuyên gia Sarah Schiffling cho biết.

Trong khi đó, Viện Huyết thanh Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, dự kiến cho ra 1 tỷ liều AstraZeneca trong năm nay, cùng với khoảng 1,5 tỷ liều vaccine thường niên cho bệnh khác. Tuy nhiên, phải mất nhiều tháng để đạt tốc độ đó.

Một nguyên nhân khác là do các nước giàu không quyết liệt hỗ trợ nước nghèo. Các nước giàu đã cam kết tài trợ hơn 6 tỷ USD cho Covax, sáng kiến phân phối vaccine công bằng với chi phí thấp. Song một số điều khoản vẫn chưa được thực hiện, trong khi lượng vaccine của chương trình cũng chỉ chiếm phần nhỏ so với số liều các nước giàu đã mua dự trữ cũng như nhu cầu toàn thế giới.

Covax đặt mục tiêu sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine giá phải chăng đến cuối 2021. Tuy nhiên, theo hãng phân tích Airfinity, đến nay Covax mới tặng được 49 triệu liều cho 120 quốc gia. Trung Quốc đã phân phối 13,4 triệu liều tới 45 quốc gia, trong khi Ấn Độ tài trợ được 10,5 triệu liều.

Theo ước tính của đại học Duke, khoảng 92 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không thể đạt tỷ lệ tiêm chủng 60% dân số cho đến năm 2023 hoặc xa hơn, nếu việc phân phối vaccine chậm chạp như hiện tại.

Đâu là giải pháp?

Ông Benjamin Schreiber, điều phối viên của sáng kiến Covax ở Connecticut (Mỹ) khẳng định rằng, thách thức lớn nhất cho các quốc gia là “chuẩn bị chủng ngừa trong thời gian ngắn”. Mục tiêu tuyên bố của Covax là xuất xưởng 2 tỷ liều vaccine đến cuối năm 2021, tương đương 850 tấn vaccine/tháng và 1 tỷ ống tiêm.

Theo kế hoạch, việc vận chuyển hàng ngàn hộp đựng vaccine đến những khu vực héo lánh nhất trên khắp thế giới  sẽ được thực hiện bằng nhiều phương tiện, từ xe Jeep, thuyền, thiết bị không người lái và xe lừa kéo.

Hồi cuối tháng trước, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer thông báo bắt đầu xuất khẩu vaccine Covid-19 sản xuất ở Mỹ với lô đầu tiên được chuyển đến Mexico. Đến nay, Pfizer đã vận chuyển hơn 10 triệu liều vaccine đến Mexico, trở thành nhà cung cấp vaccine Covid-19 lớn nhất của nước này.

Pfizer và đối tác Đức BioNTech đã và đang cung cấp vaccine cho các quốc gia khác từ nhà máy sản xuất chính ở châu Âu đặt tại Bỉ. Pfizer sẽ sản xuất 25 triệu liều mỗi tuần cho tới giữa năm, như vậy sẽ vượt nhu cầu 300 triệu liều cho riêng nước Mỹ vào cuối tháng 7. Công ty dự kiến sản xuất 2,5 tỷ liều vaccine trong năm nay và đã có thỏa thuận cung cấp hơn 1 tỷ liều cho các chính phủ trên thế giới.

 Pfizer dự kiến sản xuất 2,5 tỷ liều vaccine trong năm nay. Ảnh: Reuters

Trước đó, hôm 26/4, Mỹ tuyên bố sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine của AstraZeneca cho các nước khác. Các quan chức cho biết, Mỹ không dự đoán sẽ cần đến vaccine AstraZeneca để đáp ứng mục tiêu đủ vaccine tiêm cho tất cả người dân Mỹ trong hè này. Tuy nhiên, theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, có thể 10 triệu liều sẽ được chuyển đi trong “những tuần tới”, trong khi khoảng 50 triệu liều đang được sản xuất và có thể xuất xưởng vào tháng 5 và tháng 6.

Hiện chưa rõ quốc gia nào sẽ được nhận viện trợ từ nguồn vaccine dư thừa của Mỹ, song thông tin trên cũng là một điều đáng mong chờ trong lúc này. Trước đó, hồi cuối tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố trong những tháng tới, Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine toàn cầu.

Bài toán phân phối vaccine toàn cầu nhằm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đối với dịch Covid-19 không chỉ cần tới vai trò tham gia của nước Mỹ mà còn nhiều nước khác đang sở hữu những tiến bộ, thành tựu về sản xuất vaccine. Tuy nhiên, đang có bất đồng giữa Mỹ và các nước EU về phương thức hỗ trợ như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện ý kiến của Mỹ nhằm ủng hộ từ bỏ quyền sáng chế vaccine ngừa Covid-19 đang là vấn đề gây tranh cãi. Một số nước bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng này, song cũng có quốc gia lo ngại rằng, ngay cả khi các bằng sáng chế được miễn, thì các nhà sản xuất thuốc ở những nơi như châu Phi hiện không được trang bị để sản xuất vaccine ngừa Covid-19, vì vậy nên thay thế biện pháp này bằng việc tặng vaccine.

Dẫu vậy, dù là hình thức nào, xóa bỏ bản quyền vaccine hay trực tiếp hỗ trợ vaccine, cho các nước còn khó khăn về tài chính và năng lực sản xuất cũng là điều cần hành động cấp bách khi mà số ca nhiễm và tử vong vì virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu vẫn liên tiếp thiết lập các kỷ lục bi thương mới.

  Nguyễn Phương - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đừng cổ xúy những trào lưu xấu

Chìm đắm vào mạng xã hội, một số bạn trẻ hiện nay dễ bị mê hoặc bởi những nút “like” và cuốn theo những trào lưu xấu trên mạng.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/vaccine-covid-19-va-buc-tranh-trai-nguoc-tren-toan-cau-419481.html