Vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh công tác giám định tranh

08/08/2019 11:21

Kinhte&Xahoi Hàng loạt vụ làm giả, nhái tranh liên quan đến nhiều họa sĩ, nhà đấu giá nổi tiếng hồi cuối năm 2018 đã tạo nên làn sóng bất bình từ dư luận.

Mặc dù Trung tâm Giám định và Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh đã thành lập, nhưng sau nửa năm hoạt động, kết quả thu được không quá khả quan: hiện tượng giả tranh vẫn tràn lan mà Trung tâm Giám định mới còn “non trẻ”, chưa xây dựng được uy tín  để người dân tin dùng.
 
Nhà đấu giá Chọn xin lỗi vì đưa lên sàn tác phẩm giả mạo chữ ký của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương.

Đồng hành với sự gia tăng của các hoạt động giao lưu, trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật Việt Nam và tại Việt Nam là vấn nạn vi phạm bản quyền đáng báo động. Những vụ việc làm giả tranh khi bị phát hiện hầu hết chỉ bị “đấu tố” trên truyền thông, mạng xã hội trong một thời gian rồi chìm trong quên lãng.

Do vậy, nhu cầu có đơn vị “trọng tài” giám định các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các nhà sưu tập, các bảo tàng, của người chơi tranh, mua tranh, ảnh, của người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh là nhu cầu có thật và cấp thiết hiện nay.

Dù vậy, việc Trung tâm Giám định (thuộc quản lý của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) có đủ sức làm tròn vai trò “trọng tài phán xử” cho những vấn nạn nêu trên hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Tín đồ chơi tranh nửa tin nửa ngờ

Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp Ảnh & Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho đến nay, Trung tâm Giám định và Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh mới chỉ nhận được khoảng 7 đơn hàng giám định tranh; trong đó nhiều cá nhân, tổ chức khi đem tranh đến, nhận được kết quả sơ bộ là tranh giả (thông qua đánh giá bằng mắt thường của hội đồng thẩm định), đã tỏ ra không tin tưởng và không quay lại thể thực hiện giám định theo quy trình nữa.

Ngay cả “gói” giám định lớn nhất là với hơn 300 tác phẩm từ một nhà sưu tập Nhật Bản tặng cho TP Đà Nẵng cũng không yêu cầu các chuyên gia làm theo quy trình, mà người đem tranh đến thẩm định chỉ quan tâm câu trả lời trực tiếp: Tranh thật hay tranh giả. Ông cũng cho biết thêm, Trung tâm mới thành lập nên còn thiếu thốn về nhân sự, thiếu máy móc, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

Đáng nói, trước khi có Trung tâm Giám định của nhà nước, chuyện thẩm định là việc của từng bảo tàng, cá nhân sưu tầm tranh có uy tín. Theo nhà lý luận, phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành, Trung tâm, dù là dịch vụ công có kinh phí giám định thấp, nhưng bởi mới thành lập, độ tin cậy của người dân đối với hội đồng thẩm định chưa cao. Đa phần thành viên hội đồng thẩm định đều là các nhà sáng tác nên sự am hiểu của họ về các phương thức đạo, nhái chưa sâu. Quả thực, tại các nền mỹ thuật phát triển, giới phê bình thường hoạt động độc lập so với giới sáng tác nhằm tránh các yếu tố chủ quan trong quá trình đánh giá tác phẩm nghệ thuật. 

Mặt khác, thông tin, lý lịch tác phẩm nghệ thuật trong giới mỹ thuật Việt Nam còn “mơ hồ, lẫn lộn” nên việc chứng thực các thông tin xung quanh mỗi tác giả, tác phẩm nghệ thuật không hề dễ dàng. Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm, mỗi nhà thẩm định có thể sẽ có đánh giá khác nhau, chưa kể đến nhận định của các chuyên gia trong ngành, nhà sưu tầm lâu năm, nghệ nhân… vậy sẽ gây ra tình trạng “mỗi người một ý”, tranh cãi thật giả sẽ khó có câu trả lời cuối cùng.

Ngoài ra, chính “tâm lý nghi ngờ, tư tưởng cá mè một lứa, ai cũng cho mình là giỏi là hiểu biết và không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận trọng tài” cũng khiến cho đánh giá của hội đồng thẩm định khó lòng thuyết phục được số đông.

Thiếu cơ sở thẩm định

Không chỉ là vấn đề về “thương hiệu” của người thẩm định mà cơ sở thẩm định thật giả cũng chưa có quy chuẩn rõ ràng. Như một lẽ thường tình, tâm lý của người mang tranh đến thẩm định đều mong muốn nhận được đánh giá là tranh thật. Nếu không nhận được câu trả lời như ý muốn, họ chỉ cần chuyển sang nhà giám định khác là xong.

Nếu như vậy, dù có một Trung tâm Giám định độc lập cũng không góp phần giải quyết được vấn nạn giả, nhái tranh tràn lan. Bởi dù có phát hiện tranh giả, nhưng luật pháp hiện hành vẫn chưa quy định rõ, khi phát hiện lưu thông tranh nhái, tranh giả thì hoạt động trình báo, chế tài xử lý, cũng như thầm quyền của Hội đồng giám định như thế nào, để áp dụng vào thực tế một cách hợp tình hợp lí.

Bức tranh Vườn chuối của Nguyễn Sáng khó phân biệt thật giả với 2 phiên bản do hai đơn vị sở hữu

Nói sâu về công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, ông Vi Kiến Thành cũng cho biết: “Theo như khảo sát, các nước có thị trường mỹ thuật đều có tổ chức, cá nhân làm công tác giám định tác phẩm và là các đơn vị tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân. Không có nước nào công tác giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan Nhà nước thực hiện. Việt Nam có lẽ là nước duy nhất”. Do vậy, ông kêu gọi các tổ chức, cá nhân tâm huyết nền mỹ thuật Việt Nam mạnh dạn thành lập và tổ chức hoạt động giám định để Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh & Triển lãm sớm rút ra khỏi phạm vi hoạt động này theo như thông lệ quốc tế. 

Thiết nghĩ, công tác giám định thật – giả tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam bước đầu còn gặp nhiều khó khăn; nhưng cần hướng tới sự quy củ, công phu, và minh bạch. Điều này không chỉ cần một “hành lang pháp lý” rõ ràng mà còn cần sự chung tay, góp sức của toàn ngành trong công cuộc bài trừ, xóa bỏ hàng giả, hàng nhái, tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật chân chính. để có một ngành mỹ thuật văn minh, công bằng.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus