'Về nhà đi con' gây 'bão' - thời hoàng kim của phim Việt trở lại?

25/07/2019 14:37

Kinhte&Xahoi Trong vòng 2 năm qua, thị trường điện ảnh chứng kiến cuộc đổ bộ và thành công mạnh mẽ của hàng loạt phim truyền hình thuần Việt. Có thể nói, truyền hình Việt dường như đã tìm được hướng đi đúng đắn cho mình…

Cảnh trong phim “Về nhà đi con” lấy nước mắt của khán giả.

Phim Việt tỏa sáng

Nếu nói đến bộ phim truyền hình gây ồn ào nhất hiện nay, có lẽ khán giả sẽ nghĩ ngay đến “Về nhà đi con”. Không chỉ là bộ phim chiếm sóng truyền hình với lượt rating cao ngất ngưởng, phim còn là đề tài bàn tán đầu môi của khán giả. Mỗi một nhân vật trong phim đều được đem ra mổ xẻ, bàn luận sôi nổi.

Thậm chí, các nhân vật hay tình tiết của phim được chế ảnh, vẽ lại cốt truyện tranh để cộng đồng mạng truyền tay nhau. Và mỗi một tập phim chiếu ra, khán giả đều bàn luận sôi nổi từng tình tiết một, từ các trang bình phẩm phim, nhóm yêu điện ảnh cho đến trang cá nhân mạng xã hội.

Cơn sốt của “Về nhà đi con” không quá cá biệt. Nó là tiếp nối sự thành công của hàng loạt phim truyền hình Việt ăn khách thời gian qua: “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Quỳnh Búp bê”…

Chiếu song song với “Về nhà đi con”, “Nàng dâu order” cũng thu hút sự chú ý của khán giả truyền hình. Những bộ phim này sở hữu lượng người hâm mộ lớn, đồng thời tạo nên những cơn sốt bình phẩm, chế ảnh, chế lời, ghép nhạc…

Không chỉ thế, sức ảnh hưởng của những bộ phim Việt nay đã khiến những diễn viên trong phim từ bị lãng quên trở nên đình đám, từ không tên tuổi trở nên nổi tiếng, góp phần tạo ra một lứa diễn viên mới thực lực, hùng hậu và được yêu thích của truyền hình Việt. Có cả trường hợp, các diễn viên đóng vai phản diện vì nhập vai quá nên bị khán giả “ghét” lây sang người thật ngoài đời.

Chuyện nữ diễn viên Lan Hương thủ vai bà mẹ chồng trong “Sống chung với mẹ chồng” hay Quỳnh Nga với vai diễn Nhã, Thủy Tiên đóng vai Liễu trong “Về nhà đi con” bị khán giả nhắn tin gây sự, chửi mắng, xúc phạm cũng là chuyện dở khóc dở cười chứng minh sức ảnh hưởng của các bộ phim này đối với khán giả.

Cùng với ảnh hưởng các bộ phim tạo ra, cũng có thể thấy xu hướng mê phim truyền hình đang dịch chuyển từ người trung niên sang khán giả trẻ. Nếu như vài năm trước đây, phim truyền hình là địa hạt của khán giả lớn tuổi, nội trợ, còn khán giả trẻ đắm đuối với ngôn tình Trung Quốc và phim Hàn Quốc, thì giờ đây, khán giả trẻ lại là những người ủng hộ rầm rộ và giúp nhiều bộ phim truyền hình Việt tỏa sáng.

Công thức của thành công 

Nếu điểm lại quá trình của phim truyền hình Việt, có thể thấy nó lên xuống theo đồ thị hình sin, với những giai đoạn hoàng kim nhất định. Cách đây hơn hai thập kỉ, rồi một thập kỉ, đã có “Người Hà Nội”, “Gió qua miền tối sáng”, “Cầu thang tối”, “Giã từ dĩ vãng”, “Đất rừng phương Nam”, “Cổng mặt trời”, “Đi về phía mặt trời”, “Hướng nghiệp”… trở thành những tác phẩm truyền hình kinh điển.

Bẵng đi khá lâu, phim truyền hình Việt “mất tích” trong cơn bão của phim truyền hình ngoại, từ Trung Quốc đến Hàn Quốc, từ Ấn Độ đến Thái Lan, Phillipines. Giờ đây, nhiều người yêu điện ảnh Việt mừng rỡ vì dường như thời hoàng kim của truyền hình Việt đã trở lại. 

Nhìn nhận rõ ràng, từ “Người Hà Nội”, “Đất rừng phương Nam” của những thập kỉ trước đây hay “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”… giờ đây, đều có gần như một công thức để chinh phục trái tim của khán giả. Mà cốt yếu của công thức ấy, không ngoại trừ yếu tố chân thật. Nhưng cho dù hướng đến đề tài nào, thì các bộ phim truyền hình này đã làm rất “tới” ở mức độ chân thật.

Khán giả căng thẳng với từng diễn biến của tội ác trong “Người phán xử”, hồi hộp, suýt xoa với từng tình tiết của những câu chuyện mẹ chồng nàng dâu của “Sống chung với mẹ chồng”. Với “Quỳnh Búp bê”, bộ phim chân thật và khốc liệt tới mức suýt bị cấm chiếu.

Còn “Về nhà đi con”, nhiều khán giả cho rằng, xem phim cứ y như đang “hóng chuyện hàng xóm”, vừa tò mò vừa gay cấn. Tập phim mới đây, ở cảnh ông Sơn đón con gái là Thư trở về, khán giả khóc hết nước mắt. Làm phim ở thời buổi ngồn ngộn giải trí này, lấy nước mắt của khán giả đâu có dễ dàng.

Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác để quyết định thành công của các bộ phim truyền hình Việt gần đầy, như dàn diễn viên nhiều thế hệ, từ thực lực, gạo cội đến mới mẻ, sáng tạo. Rồi việc nhà làm phim cực kì nắm bắt những xu thế mới, những gì khán giả đang quan tâm trong đời sống hàng ngày để đưa vào từng chi tiết trong phim… 

Gần chục bộ phim hay, được khán giả ủng hộ trong vòng 3 năm, đó là một con số khá đáng nể của các nhà làm phim, nó cũng khẳng định nỗ lực của họ trong việc tìm lại mảnh đất đã mất, chinh phục lại trái tim của khán giả Việt. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus