Vì sao Bộ Công an giữ quan điểm cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe?

22/02/2024 08:00

Kinhte&Xahoi Theo Bộ Công an, rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam là gánh nặng với y tế, kinh tế.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Theo nội dung dự thảo báo cáo của Bộ Công an, việc uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới.

Do vậy, hiện các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm đối với hành vi này. Trong đó chia làm 2 nhóm, nhóm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và nhóm quy định về ngưỡng nồng độ cồn được phép đối với người lái xe.

CSGT đẩy mạnh kiểm soát quyết liệt, xử lý kiên quyết vi phạm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, văn hóa và giao thông hiện rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện vì điều kiện tham gia giao thông ở nước ta có nhiều đặc thù.

Cạnh đó, theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới, đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Đây là tỷ lệ rất đáng báo động.

Theo dự thảo của Bộ Công an, rượu, bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu ở nước ta. Hơn 50% các vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu, bia và hơn 30% các vụ bạo lực gia đình có liên quan đến dùng bia, rượu.

Do vậy, Bộ Công an cho rằng, cần kiểm soát chặt nồng độ cồn, ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông 

 Theo Bộ Công an, văn hóa ẩm thực nước ta có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ cồn bằng 0 thì không uống, nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống.

Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện, đã uống thì không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng đến khả năng lái xe. 

Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua.

Ngoài ra, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý.

"Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó xã hội rất cần sự nghiêm khắc", dự thảo của Bộ Công an nêu.

Vẫn theo dự thảo này, Bộ Công an cho rằng, quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi dùng rượu, bia đã được quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật không cấm uống rượu, bia nhưng chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Bộ Công an nêu thống kê, từ tháng 6/2022 - tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra.

Cạnh đó, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn với lái xe đang phát huy hiệu quả, thể hiện trong năm 2023 số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia giảm 25%, giảm 50% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ 2022.

Từ các lý do nêu trên, theo Bộ Công an, nên tiếp tục kế thừa quy định của luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quan, văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe". 

Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Quốc Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nói "không" với dâng sao giải hạn, đốt vàng mã

Ngày 30-1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Thực hiện công điện, nhiều đền, chùa đã nói “không” với dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tràn lan, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường..

Gìn giữ giá trị văn hóa tại lễ hội làng Dừa khi Xuân về

Ngày 19/2 (nhằm vào 10 tháng Giêng ÂL), làng Dừa xã Xuân Phong (Thọ Xuân, Thanh Hoá) đã long trọng tổ chức lễ hội làng truyền thống. Đây là lễ Hội chính trong làng nhằm cúng tế thần Thành Hoàng làng; ghi nhớ công ơn ông Lê Công Đỉnh – người đầu tiên khai hoang lập ấp.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/vi-sao-bo-cong-an-giu-quan-diem-cam-tuyet-doi-nguoi-co-nong-do-con-lai-xe-d204625.html