Vì sao đại gia Thái Lan bất ngờ đổi tên Big C Việt Nam?

03/03/2021 18:02

Kinhte&Xahoi Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (chủ hệ thống Big C) chính thức đổi tên thương hiệu Big C thành GO! và Tops Market.

Các siêu thị Big C sẽ được đổi tên thành Tops Market.

Đầu tháng 3, ba siêu thị Big C tại Tp.HCM gồm Big C An Phú, Big C Thảo Điền, Big C Âu Cơ chính thức đổi tên thành Tops Market. Chuỗi siêu thị Tops Market được thiết kế theo tiêu chí: thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chú trọng đến dịch vụ khách hàng.

Bốn siêu thị Big C tại Hà Nội gồm The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển và Lê Trọng Tấn cũng dự kiến hoàn tất việc chuyển đổi tên trong quý III năm nay.

Liên quan tới vấn đề này, Tập đoàn Central Retail Việt Nam thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) chính thức cho biết, nhằm đem lại những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho khách hàng, hệ thống siêu thị Big C một thành viên của tập đoàn đang dần chuyển đổi với một diện mạo hoàn toàn mới, kèm với đó là cải tiến không gian mua sắm, nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Theo đại diện tập đoàn Central Retail Việt Nam, chuỗi siêu thị Tops Market được thiết kế đảm bảo ba tiêu chí là thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng; nguồn gốc xuất xứ rõ ràng uy tín; đặc biệt là dịch vụ khách hàng tận tâm.

Trước đó, từ tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, 5 đại siêu thị Big C được tiến hành đổi tên thương hiệu thành Đại siêu thị GO!, gồm đại siêu thị GO! Dĩ An; GO! Nha Trang; GO! Cần Thơ; GO! Hạ Long và đại siêu thị GO! Vĩnh Phúc.

Các đại siêu thị này hoạt động theo các tiêu chí: đa dạng chủng loại sản phẩm, không gian mua sắm hiện đại, nâng cấp về chỗ đậu xe, chỗ ngồi nghỉ chân và các gian hàng tích hợp trong trung tâm thương mại; cơ sở vật chất được nâng cấp (như xe đẩy, giỏ hàng, túi xách,…)

Dự kiến, năm 2021, các đại siêu thị Big C khác sẽ lần lượt tái định vị và đổi tên thành đại siêu thị GO!

Big C Việt Nam về tay Central Retail của Thái Lan từ tháng 4/2016, sau khi tập đoàn Casino của Pháp đồng ý bán cổ phần cho tập đoàn của người Thái. Giá trị giao dịch khoảng 920 triệu euro, tương đương 1,05 tỷ USD.

Trong vòng 1 năm đầu tiên về tay người Thái, Big C Việt Nam tỏ ra hụt hơi khi các doanh nghiệp chủ chốt trong hệ thống như Big C Thăng Long (gồm các siêu thị ở Hà Nội), Big C An Lạc (gồm một số siêu thị ở TP.HCM), Big C Hải Phòng (gồm Big C Bắc Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hạ Long), Big C Bình Dương và Big C Đồng Nai đều ghi nhận doanh thu giảm hoặc đi ngang.

Đơn vị lớn nhất là Big C Thăng Long chỉ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng doanh thu trong các năm 2016, 2017, trong khi trước đó 5 năm ở mức đỉnh 3.500 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về cũng giảm từ 211 tỷ đồng năm 2015 còn 193 tỷ đồng năm 2017.

Tương tự, doanh thu của Big C An Lạc từ mức 2.600 tỷ đồng năm 2012 chỉ còn 1.300 tỷ đồng trong năm 2017. Lợi nhuận năm 2017 giảm 50% so với năm 2015, chỉ còn 92 tỷ đồng.

Bước vào giai đoạn 2018-2019, tình hình kinh doanh của Big C có dấu hiệu khởi sắc hơn. Báo cáo tài chính năm 2019 của Central Retail (đơn vị chủ quản Big C Việt Nam) cho thấy chuỗi này mang về doanh số 27.650 triệu baht, tương đương gần 20.454 tỷ đồng cho công ty mẹ. Con số này tăng 10% so với năm 2018. Tăng trưởng doanh số trên mỗi siêu thị đạt 14%.

Đến Quý I/2020, thị phần của Big C đạt khoảng 3,8% chỉ đứng sau Co.op Mart (5,4%). Cũng trong năm 2020, nhà bán lẻ này ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng người mua sắm và mức chi tiêu trong mỗi lần mua. Trong thời gian giãn cách xã hội, Big C ghi nhận trung bình 70.000-90.000 lượt khách mỗi ngày, sau đó tăng lên 140.000-150.000 lượt.

Ngoài Big C, Central Retail cũng đã mạnh tay thâu tóm thêm các thương hiệu bán lẻ khác như Nguyễn Kim, Lanchi Mart. Tính đến tháng 6/2020, Central Retail Việt Nam đang sở hữu 35 khu mua sắm, 230 cửa hàng tại 39 tỉnh thành cả nước với diện tích mặt sàn bán lẻ hơn 1 triệu m2, bao gồm 32 đại siêu thị (Hyper Go!), 7 siêu thị ở các thành phố lớn (Super Go!) và 25 địa điểm Lanchi Mart ở các tỉnh. Các chi nhánh Nguyễn Kim được mở độc lập và định dạng shop trong shop, nằm trong các chi nhánh của Big C.

Chia sẻ trên tờ Nikkei Asian Review, CEO Yol Phokasub chia sẻ Việt Nam sẽ là thị trường trọng điểm trong thời gian tới, đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp doanh thu của Việt Nam từ 17% lên 25% sau 5 năm nữa.

 Anh Vũ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cứ yêu thôi, đừng hứa hẹn chuyện ngày mai…

Có người khi bắt đầu một mối quan hệ luôn nghĩ đến ngày tháng hôn nhân đẹp đẽ sau này. Nhưng cũng có những người, vốn dĩ từng đi qua nỗi thất vọng, nên chỉ mong yêu hôm nay hạnh phúc hôm nay thôi.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/vi-sao-dai-gia-thai-lan-bat-ngo-doi-ten-big-c-viet-nam-d150004.html