Vô tư xả thải, “hủy hoại” môi trường biển: Dự án nuôi tôm giống của Tập đoàn Bim Group

04/07/2019 15:56

Kinhte&Xahoi Dự án nuôi tôm giống của CTCP Thực phẩm BIM (thuộc Tập đoàn BIM Group) liên tiếp có hành vi xả thải trực tiếp hủy hoại môi trường biển trong nhiều năm qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Vi phạm nối tiếp vi phạm

Dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản (gọi tắt là Dự án) địa chỉ tại thôn Nhâm Cao, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, có tổng diện tích 125ha được xây dựng từ quý I-2014 đến quý III-2015 thì bắt đầu nuôi tôm. Hiện, có 30 ao đang nuôi, diện tích 4.000m2/ ao.

Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, công ty này khiến nhiều hộ dân thôn Nhâm Cao phải chấp nhận sống chung cùng ô nhiễm bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ những cống xả thải ra biển. Không những thế, hành vi xả thải còn làm cho việc nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tiềm ẩn nguy cơ “mất trắng” vì nguồn nước ô nhiễm. Trước thực trạng này, các hộ dân đã có kiến nghị tới cơ quan chức năng.


Vỏ tôm chết và cống nước xả thải trực tiếp ra môi trường của công ty. Ảnh: Phạm Hoạch

Ngày 22/8/2016, UBND huyện Đầm Hà phối hợp cùng UBND xã Đại Bình tiến hành kiểm tra CTCP Thực phẩm BIM. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện khu vực phía Bắc, cuối cống xả thải của công ty số lượng tôm chết nhiều, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Đoàn đã yêu cầu phía công ty dừng ngay việc xả nước thải, tôm chết ra hệ thống mương dẫn thoát nước đổ ra biển. Đại diện các hộ dân cũng yêu cầu công ty phải xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường để nguồn nước có thể bảo đảm việc nuôi trồng thủy sản của người dân.

Trước những ý kiến trên, ông Mai Văn Duy, Trưởng phòng Nhân sự của CTCP Thực phẩm BIM tiếp thu và thừa nhận việc xả thải tôm chết ra ngoài môi trường, cam kết dừng ngay việc xả thải và thực hiện nghiêm túc việc xử lý nước thải, chất thải, bảo đảm quy chuẩn trước khi thải ra môi trường... Thế nhưng, ngày 10/8/2017, kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành UBND huyện Đầm Hà đối với các cửa xả nước thải xung quanh khu vực công ty thể hiện: “Các cống xả phía Đông Bắc, nước xả thải ra kênh thoát nước của công ty có màu đen, mùi hôi; Cống xả thải gần khu vực công ty nước xả thải có màu đen và có mùi hôi thối nồng nặc”.

Tiếp đó, ngày 14/11/2017, Công an huyện Đầm Hà tiếp tục nhận được tin báo của người dân phản ánh, công ty tiếp tục đổ tôm chết ra môi trường, bốc mùi hôi thối. Công an huyện phối hợp với chính quyền xã Đại Bình khảo sát tại hiện trường phát hiện một hố rộng được đào ở mép đê thuộc địa phận đất CTCP Thực phẩm BIM quản lý có chôn vỏ tôm lột, xác tôm chết. Đoàn xác định mùi hôi thối là do tôm chết của công ty chưa xử lý đúng quy trình nên ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Thực hiện Quyết định số 25/QĐ-KT, ngày 2/5/2018 qua kiểm tra, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện: “Tại vị trí cống xả nước thải ra môi trường của công ty, nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản từ kênh dẫn nước đang thải ra môi trường, xung quanh vị trí xả thải xuất hiện nhiều bọt màu vàng lan tỏa trên mặt nước. Tại vị trí ao dãy I (ao thu gom, lắng lọc nước thải cuối cùng trước khi thải ra kênh dẫn thoát nước ra ngoài môi trường biển) nước thải đang chảy tự nhiên từ ao ra kênh dẫn nước thải thông qua một đường ống nhựa thải trực tiếp ra môi trường biển”.

Các biên bản ghi nhận hiện trạng CTCP Thực phẩm BIM xả thải ra môi trường

Coi thường pháp luật

Trước những phản ánh của cử tri, ngày 4/10/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đầm Hà, UBND xã Đại Bình tổ chức kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh về việc CTCP Thực phẩm BIM nuôi tôm thương phẩm, ương gièo tôm tại Trung tâm ương giống và nuôi thủy sản công nghiệp Đầm Hà xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Kết quả khảo sát thực địa cho thấy, có hai đường ống phi 300 xả nước thải từ ao chứa nước thải ra mương chứa nước mặt phía Tây Bắc dự án. Đoàn kiểm tra lấy mẫu và nhận thấy nước đang chảy theo hướng từ trong dự án ra ngoài biển, cánh phải tại cống thoát nước được mở hoàn toàn. Lưu lượng nước xả thải ra thời điểm đo là 4.000m3/h. Sở TN&MT xác định nội dung phản ánh của cử tri về việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường của công ty là có cơ sở.

Biên bản làm việc của Sở TN&MT Quảng Ninh khẳng định việc xả thải gây ô nhiễm là có cơ sở 

Tại Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC ngày 14/11/2018, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hai hành vi: Xử lý bằng hệ thống ao nuôi sau đó đổ ra mương thoát và thoát ra môi trường và không lập kế hoạch quản lý môi trường và báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định với tổng mức tiền phạt là 95 triệu đồng. Trước đó, Sở TN&MT cũng xử phạt các lỗi vi phạm về lĩnh vực môi trường đối với đơn vị này 35 triệu đồng.

Tiếp đến ngày 22/11/2018, UBND huyện Đầm Hà ban hành Văn bản số 1760 do ông Phạm Văn Kha, Phó Chủ tịch huyện ký về việc khắc phục các tồn tại của Trung tâm ương giống và nuôi thủy sản công nghiệp Đầm Hà – CTCP Thực phẩm BIM. Trong đó nêu rõ căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh, đồng thời trước đó Phòng TN&MT huyện Đầm Hà cùng các ban, ngành tiến hành kiểm tra, xác định cơ sở nuôi tôm của CTCP Thực phẩm BIM có hành vi xả thải chất thải, nước thải ra biển. Thế nhưng, khi trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Kha nói: “Chúng tôi cũng thường xuyên giám sát... Theo đánh giá của huyện, anh em tôi đi xuống kiểm tra thì công ty chưa xả thải lần nào” (!?).

Trước câu trả lời này, dư luận bức xúc đặt câu hỏi vì sao hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong nhiều năm, người dân phản ánh gay gắt như vậy nhưng công ty vẫn lộng hành, vi phạm nối tiếp vi phạm? Phải chăng UBND huyện đang cố tình “bao che” cho hành vi hủy hoại môi trường, coi thường sinh kế của người dân? CTCP Thực phẩm BIM thuộc Tập đoàn BIM liệu có phải “là vùng cấm”, vô tư xả thải ra môi trường, bất chấp quy định của pháp luật ?

Mặc dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Tập đoàn BIM nhưng đơn vị này né tránh làm việc với phóng viên. Phải chăng Tập đoàn BIM Group đang coi thường dư luận, đặt lợi ích riêng của tập đoàn trên lợi ích của người dân và đánh đổi lợi nhuận trước mắt với môi trường sống hàng nghìn đời nay của người dân miền biển ở Đầm Hà? 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phải chăng còn thiếu tiêu chuẩn thẩm định lời văn quảng cáo?

Liên quan tới công văn của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nhãn hàng Coca - Cola Việt Nam, khi sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo, bên cạnh những “lùm xùm” về mặt ngữ nghĩa mà dư luận đang hướng tới, câu chuyện trên còn tồn tại một nghịch lý khác.

Theo CLXH/ Hoà Nhập